1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Không quân Triều Tiên mạnh cỡ nào?

(Dân trí) - Với hơn 1.300 máy bay các loại, lực lượng không quân đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động phòng vệ và tác chiến của quân đội Triều Tiên, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng leo thang như hiện nay.

Triển lãm hàng không đầu tiên trong lịch sử Triều Tiên

MiG-29 - một trong số các máy bay chiến đấu hiện đại của Không quân Triều Tiên (Ảnh: Sofrep)
MiG-29 - một trong số các máy bay chiến đấu hiện đại của Không quân Triều Tiên (Ảnh: Sofrep)

Theo National Interest, lực lượng không quân có lẽ là nhánh ít nguy hiểm nhất trong lực lượng vũ trang của Triều Tiên. Mặc dù còn gặp nhiều vấn đề về kỹ thuật và không thuần thục như các lực lượng không quân phương Tây, song Không quân Triều Tiên cũng có những điểm mạnh nhất định. Hầu hết các căn cứ không quân của Triều Tiên đều được xây dựng kiên cố để chống chọi với các cuộc không kích và Bình Nhưỡng cũng sở hữu một số lượng lớn các máy bay sẵn sàng chiến đấu.

Báo cáo của Lầu Năm Góc gửi Quốc hội Mỹ với nội dung về thực trạng quân đội Triều Tiên năm 2015 cho biết Không quân Triều Tiên hiện có hơn 1.300 máy bay và chủ yếu là các mẫu máy bay được sản xuất từ thời Liên Xô. Đây là lực lượng đóng vai trò chủ yếu trong việc bảo vệ không phận của Triều Tiên.

“Các sứ mệnh khác của Không quân Triều Tiên bao gồm đột nhập, hỗ trợ hậu cần, vận tải, trinh sát, yểm trợ chiến thuật trên không cho lực lượng bộ binh. Tuy nhiên, do sự lỗi thời về công nghệ của hầu hết máy bay, cũng như cơ cấu kiểm soát và chỉ huy phòng không thiếu linh hoạt nên phần lớn năng lực phòng không của Triều Tiên trông cậy vào các tên lửa đất đối không (SAM) và pháo phòng không (AAA)”, báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết.

Các máy bay hiện đại

Hai nữ phi công Triều Tiên điều khiển máy bay chiến đấu MiG-21 (phía sau) tại triển lãm hàng không 2016 ở thành phố Wonsan, Triều Tiên (Ảnh: AP)
Hai nữ phi công Triều Tiên điều khiển máy bay chiến đấu MiG-21 (phía sau) tại triển lãm hàng không 2016 ở thành phố Wonsan, Triều Tiên (Ảnh: AP)

Không quân Triều Tiên không có nhiều máy bay tối tân và loại máy bay được cho là hiện đại nhất của Bình Nhưỡng là Mikoyan MiG-29 Fulcrums với số lượng khoảng 35 chiếc. Một số mẫu máy bay tương đối hiện đại khác của Triều Tiên là MiG-23 Flogger (khoảng 56 chiếc) và Sukhoi Su-35 Frogfoot (khoảng 34 chiếc).

“Những máy bay chiến đấu mạnh nhất của Không quân Triều Tiên là MiG-29, vốn được mua từ Liên Xô vào cuối thập niên 1980, ngoài ra có MiG-23 và Su-25. Chiếm phần lớn trong lực lượng không quân của Triều Tiên là các máy bay có năng lực kém hơn như MiG-15, MiG-17, MiG-19 (F-6) và MiG-21”, báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết thêm.

Ngoài các máy bay trên, Không quân Triều Tiên còn sở hữu xấp xỉ 20 trực thăng chiến đấu Mil Mi-24 Hind. Bình Nhưỡng cũng vận hành một phi đội gồm nhiều máy bay An-2 COLT - loại máy bay cổ một động cơ hai tầng cánh với khả năng chở được khoảng 10 khách được sản xuất từ những năm 1940. Nhờ khả năng bay thấp và tránh được radar đối phương, An-2 chủ yếu được Triều Tiên sử dụng với mục đích đột nhập, thả biệt kích vào lãnh thổ đối phương, trong đó có Hàn Quốc.

“Không quân Triều Tiên cũng có khoảng vài trăm trực thăng được sử dụng để vận chuyển binh sĩ và dùng trong các đợt tấn công mặt đất, trong đó chủ yếu là trực thăng Mi-2/HOPLITE và một số trực thăng MD-500 do Mỹ sản xuất được nhập khẩu theo đường không chính ngạch để tránh lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ năm 1985”, Lầu Năm Góc nêu trong báo cáo gửi Quốc hội Mỹ.

Các máy bay cổ

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một máy bay chiến đấu của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một máy bay chiến đấu của Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Trong kho vũ khí của Triều Tiên hiện vẫn còn nhiều máy bay cổ được sản xuất từ thập niên 1950-1960, trong đó có các máy bay Shenyang J-5 và Shenyang J-6. Shenyang J-5 là máy bay chiến đấu một chỗ ngồi do Trung Quốc sản xuất, xuất xứ từ máy bay Mikoyan Gurevich MiG-17 Fresco của Liên Xô trong thập niên 1950. Triều Tiên được cho là sở hữu khoảng 106 chiếc phi cơ J-5. Trong khi đó, máy bay siêu âm lỗi thời Shenyang J-6 là phiên bản Trung Quốc của máy bay Mikoyan Gurevich MiG-19 Farmer cũng do Liên Xô sản xuất. Triều Tiên hiện có khoảng 97 máy bay J-6.

Theo National Interest, các máy bay J-5 và J-6 của Triều Tiên đều là những phương tiện lỗi thời và nếu được triển khai trong các chiến dịch, chúng cũng sẽ trở thành “mồi” cho các máy bay chiến đấu cũng như hệ thống tên lửa đất đối không của Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc triển khai J-5 và J-6 vẫn có tác dụng nhất định đối với Triều Tiên. Để có thể bắn hạ các máy bay cổ của Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc phải sử dụng tới các tên lửa đất đối không và các vũ khí như tên lửa AIM-120 AMRAAM. Đây đều là những vũ khí rất đắt đỏ và số lượng cũng rất hạn chế, do vậy sẽ tiêu tốn một lượng tiền không nhỏ của Washington và Seoul nếu muốn đối phó Bình Nhưỡng.

Nếu chiến tranh xảy ra và một máy bay J-5 của Triều Tiên vượt qua không phận Hàn Quốc để tấn công một mục tiêu tại nước này, đồng minh Mỹ - Hàn sẽ phải tìm cách bắn hạ. Tuy nhiên, chỉ tính riêng một quả tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3 đã tiêu tốn của Mỹ và Hàn Quốc hơn 3 triệu USD. Ngoài ra, các tên lửa đánh chặn thường phải bắn theo cặp trong mỗi lần phóng.

Như vậy, nếu Triều Tiên mất 1 máy bay J-5 thì Mỹ - Hàn cũng phải mất 6 triệu USD để bắn hạ máy bay này, đồng thời mất đi một số lượng tên lửa vốn có thể được dùng để đánh chặn những mối đe dọa nguy hiểm hơn từ tên lửa đạn đạo. Trong trường hợp Mỹ hoặc Hàn Quốc sử dụng tên lửa “sát thủ chim sắt” AMRAAM để bắn máy bay J-5 hoặc J-6 của Triều Tiên, chi phí có thể đội lên tới 1 triệu USD.

Thành Đạt

Theo National Interest