1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Khó hóa giải mối quan hệ phức tạp Nga-NATO-EU

Mối quan hệ phức tạp Nga-NATO-EU đang có dấu hiệu ngày càng phức tạp, bất ổn, khó lường. Cho dù cả hai bên tuyên bố không tìm kiếm sự đối đầu, nhưng sự nghi kỵ giữa các bên ngày càng lớn làm tăng các nguy cơ có thể dẫn tới đối đầu.

Châu Âu cần Nga cho một cấu trúc an ninh chung, nhưng thực tế, đó chỉ là tuyên bố. Mỗi bên đều tìm cách bảo vệ lợi ích của mình... căng thẳng vì thế khó mà lắng dịu. Quan hệ Nga-NATO-EU vẫn là mối quan hệ phức tạp nhất thế giới.

Xây dựng hệ thống quan hệ quốc tế bền vững

Trong Thông điệp Liên bang lần thứ 13, đọc trước hai viện Quốc hội (Hội đồng Liên bang và Duma quốc gia), ngày 1/12, Tổng thống LB Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh, tình hình quốc tế có nhiều biến động; có nhiều cuộc khủng hoảng lớn, Nga sẵn sàng đối thoại nghiêm túc về việc thiết lập một hệ thống quan hệ quốc tế bền vững, dựa trên đối thoại bình đẳng, thiện chí, khẳng định nguyên tắc công bằng và tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ quốc tế. Nga không muốn đối đầu với ai, không tìm kiếm kẻ thù, Nga cần bạn bè nhưng sẽ không cho phép gây tổn hại lợi ích của mình.

Mỹ triển khai lực lượng tại Norway.
Mỹ triển khai lực lượng tại Norway.

Tổng thống Nga nhấn mạnh chính sách của Nga xuất phát từ lợi ích quốc gia lâu dài cũng như sự phát triển toàn cầu chứ không phải do quan hệ lạnh nhạt với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Ông Putin cho biết Nga sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới của Mỹ vào năm tới. Moscow hy vọng được làm việc với Washington trong cuộc chiến chống khủng bố vì cả hai chia sẻ trách nhiệm đối với nền an ninh toàn cầu.

Bản thông điệp được phát đi giữa lúc Bộ Ngoại giao Nga ngày 1/12 cho biết, cuộc tập trận tên lửa của Ukraine gần bán đảo Crimea, là một "tiền lệ nguy hiểm". Cơ quan hàng không Nga Rosaviasia ngày 1/12 cho biết Ukraine đã dịch chuyển những vùng nguy hiểm trong cuộc tập trận bắn tên lửa mà quân đội nước này tiến hành cùng ngày gần bán đảo Crimea.

Trước đó cùng ngày, quân đội Ukraine thông báo đã bắt đầu cuộc tập trận bắn tên lửa theo đúng kế hoạch. Trong cuộc tập trận sẽ tiến hành bắn thử nghiệm tên lửa phòng không tầm trung S-300 nhằm tích lũy thêm kinh nghiệm sử dụng hệ thống này cũng như kiểm tra chất lượng những tên lửa đã được sửa chữa, nâng cao kỹ năng của các đơn vị tên lửa phòng không. Một lần nữa vấn đề Ukraine lại làm nóng quan hệ phức tạp Nga-NATO-EU.

Các nước Baltic gia tăng quân sự hóa

Không chỉ có cuộc tập trận của Ukraine, các nước cộng hòa Baltic gần đây cũng có động thái gia tăng quân sự hóa, đồng thời cũng phải đối phó với những bất ổn trong nước. Một số nước vùng Baltic đang yêu cầu EU phải gia tăng đáng kể chi phí quốc phòng. Litva và Latvia đã tuyên bố gia tăng chi phí quân sự vào năm 2018. Trong khi đó, Estonia cũng tuyên bố chi hơn 2% GDP theo yêu cầu của NATO cho các mục đích quân sự kể từ năm 2017.

Trong chuyến viếng thăm Mỹ gần đây, Thủ tướng Estonia đã cho rằng sự hiện diện của khối NATO ở vùng Baltic phải được gia tăng. Các nước Baltic đã cụ thể hóa quyết tâm bằng gia tăng chi tiêu quân sự. Tại cuộc họp thượng đỉnh NATO ở Warsaw đầu tháng 7-2016, NATO đã quyết định việc đồn trú thường xuyên 4.000 quân ở các nước Baltic và Ba Lan.

Vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia đã ký với Hà Lan hợp đồng quân sự lớn nhất trong lịch sử nước này, mua 44 xe chiến đấu CV90 và 6 xe tăng Leopard. Trước đó một tháng, Estonia cũng đã mua của Mỹ 40 giàn phóng tên lửa địa đối không Stinger, trị giá tổng cộng 40 triệu euro.

Về phần Latvia tháng 8 vừa qua đã mua 123 xe chiến đấu của Anh quốc, với tổng trị giá 48 triệu euro. Tháng 11/2016, họ cũng ký một hiệp định với Na Uy về việc mua 800 hệ thống chống tăng Carl Gustav và 100 xe tải. Riêng Litva thì quay sang nước láng giềng Ba Lan để đặt mua hệ thống phòng không GROM trị giá 34 triệu euro và dự tính bỏ ra thêm 20 triệu để mua tên lửa Javelin của Mỹ.

Như vậy là chỉ trong vòng 6 tháng, 3 quốc gia vùng Baltic, với dân số tổng cộng chỉ có hơn 6 triệu người, đã chi ra 300 triệu euro cho các thiết bị quân sự. Chi tiêu quân sự trong cả năm 2014 của 3 nước này lên tới 1,2 tỷ euro.

Các nước ở đây đều muốn mạnh lên, nhưng cứ mạnh lên bao nhiêu, nước Nga còn mạnh hơn họ. Moskva cũng đang củng cố các căn cứ quân sự ở Kaliningrad trên biển Baltic, gần biên giới Lithuania. Trong khi đó, về kinh tế, các nước này có quan hệ chặt chẽ với Nga. Thêm vào đó, có một thực tế, các nước Baltic với 6,1 triệu dân luôn lệ thuộc mạnh về kinh tế với Nga cũng như có nhiều gắn bó với Nga.

Các biện pháp trả đũa của Nga đối với cấm vận của EU đã tấn công vào khu vực nông nghiệp của các nước này. Các nông phẩm như thịt và sữa đã mất thị trường tại Nga. Bloomberg dẫn lời một chủ trại thịt ở Rezekne (Latvia) than phiền công ty ông đã mất khoảng 1 triệu euro mỗi tháng do lệnh cấm nhập thịt của Nga. Do không còn những hợp đồng từ Nga, nhà máy sửa chữa đường sắt ở Daugavpils đã phải sa thải một nửa lực lượng lao động từ năm ngoái. Công ty giờ đang đối mặt với việc phá sản vì không thể tiếp cận vốn vay mà nguyên nhân chính là việc xấu đi quan hệ Nga - EU.

“Câu chuyện” của các nước Baltic đã cho thấy rõ mâu thuẫn giữa việc vừa phải hợp tác, vừa phải cạnh tranh chiến lược Nga-EU-NATO.

Đặc tính hiếu chiến của NATO và cuộc đối đầu khó dừng lại

Không chỉ dừng ở một vùng Baltic, khắp châu Âu, những nơi có biên giới chung hoặc gần với Nga, các nước EU đều gia tăng hợp tác với NATO mà cụ thể là Mỹ càng khiến thế đối đầu Nga-NATO-EU ngày thêm căng thẳng. Mới đây nhất, Na Uy vừa cho phép lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đóng quân bắt đầu từ tháng 1/2017.

Sự kiện đánh dấu việc lần đầu tiên sau Thế chiến thứ hai, quốc gia Bắc Âu giáp Nga này cho phép quân đội nước ngoài đóng quân trên lãnh thổ của mình. Đồng thời, đây cũng là các động thái của kế hoạch triển khai quá trình xây dựng một lực lượng đồn trú đa quốc gia ở một số nước Đông Âu - động thái làm dấy lên các mối quan ngại về nguy cơ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa NATO và Nga.

Nhân sự kiện này, trang mạng mondialisation.ca vừa đăng tải bài viết có tựa đề "NATO thông báo triển khai một lực lượng quân đội lớn nhất chống lại Nga kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh". Theo bài viết, trong những tháng tới đây, NATO sẽ triển khai khoảng vài trăm nghìn quân được đặt trong tình trạng sẵn sàng tiến hành "hành động quân sự" nhằm vào Nga.

Trong khi đó, tuyên bố mới đây của các quan chức cấp cao NATO được đăng trên tờ "London times" (Thời báo London) cho biết thêm, liên minh quân sự do Mỹ cầm đầu này dự kiến tăng cường hàng chục nghìn binh sĩ, và cuối cùng, hàng trăm nghìn thậm chí cả triệu quân sẽ được huy động để chống lại Nga. Từ lực lượng can thiệp khẩn cấp chỉ gồm 5.000 quân, NATO đã nâng tổng số lực lượng can thiệp tại chỗ lên 40.000 quân và đặt hàng trăm nghìn quân ở tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Khó hóa giải mối quan hệ phức tạp Nga-NATO-EU - 2
Tổ hợp tên lửa Iskande và xe tăng của Nga được triển khai tại khu vực Kaliningrad.
Tổ hợp tên lửa Iskande và xe tăng của Nga được triển khai tại khu vực Kaliningrad.

Theo tờ London times, cựu Đại sứ Anh tại NATO Adam West cho biết mục tiêu là huy động được 300.000 quân trong khoảng 2 tháng vì ở thời điểm hiện tại, phải mất 180 ngày mới có thể huy động và triển khai được một lực lượng với quy mô như vậy.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tuyên bố: "Chúng tôi hiện đang quan tâm đến vấn đề là làm thế nào để kêu gọi các lực lượng tiếp theo. Hiện tại, số lượng binh sĩ trong quân đội các nước thành viên NATO là rất lớn. Do vậy, chúng tôi đang nghiên cứu làm sao để lượng lớn binh sĩ trong số đó có thể được huy động và sẵn sàng triển khai trong thời gian ngắn".

Ông Jens Stoltenberg giải thích rằng NATO đang trong quá trình nghiên cứu về những giải pháp nhằm "cải thiện khả năng chuẩn bị một số lượng lớn binh sĩ gồm khoảng 3 triệu người thuộc tất cả các lực lượng lục quân, hải quân, không quân, pháo binh". Mục tiêu của các quá trình triển khai được đánh giá là lớn nhất kể khi Liên Xô sụp đổ cũng như kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh không cần phải nói, người dân châu Âu nào cũng biết là nhằm vào đâu.

Tuy nhiên, một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành năm ngoái cho thấy, đa số những người được hỏi phản đối việc tham dự (nếu có) của NATO vào cuộc chiến tranh quy ước nhằm vào Nga ở khu vực Đông Âu. Cụ thể, 58% người Đức, 53% người Pháp và 51% người Italy đã phản đối tất cả hành động quân sự nhằm vào Nga. Thậm chí việc phản đối chiến tranh trong cuộc thăm dò dư luận này sẽ còn cao hơn nữa nếu như đề cập đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân khi NATO tấn công các lực lượng của Nga tại Đông Âu.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, kế hoạch trên cho thấy đặc tính hiếu chiến trong chính sách của NATO đã hơn một lần bị lộ rõ. Trong khi các nước NATO gia tăng mối đe dọa nhằm chống lại Nga, mâu thuẫn giữa các quốc gia chủ chốt của NATO lại đang nổi lên.

Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã phản đối thẳng thừng những biện pháp trừng phạt mới của Washington nhằm vào Nga; hay như sự gia tăng căng thẳng giữa Đức và Mỹ khi các nhà lãnh đạo Paris và Berlin kêu gọi thành lập một quân đội EU độc lập. Rõ ràng những viễn cảnh gia tăng sự kích động gây hấn quân sự dưới sự đạo diễn của Mỹ nhằm vào Nga làm leo thang những căng thẳng trong lòng châu Âu.

Càng mở rộng NATO, châu Âu càng nguy hiểm

Tờ The Pakistan Observer phân tích, việc NATO xây dựng kế hoạch điều quân tới sườn phía Đông của khối này, sát biên giới Nga, trên thực tế chính là việc họ đang mở rộng khối này. Điều đó không chỉ vi phạm thỏa thuận với Liên Xô (cũ) khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Khi đó, thỏa thuận giữa hai bên rất rõ ràng: Liên Xô sẽ chấp nhận sự tái thống nhất của Đông và Tây Đức và chấp nhận Đông Đức trở thành một phần của NATO để đổi lấy một lời cam kết không bành trướng từ khối này.

Quyết định của NATO còn kích động sự trỗi dậy quan điểm thù địch của các nước chống nước Nga và chính từ trong nước Nga chống lại phương Tây.

Với động thái này, việc người Nga tức giận là điều dễ hiểu. Đáp trả động thái NATO tiếp tục mở rộng biên giới về phía Nga, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga, ông Franz Klintsevich khẳng định Nga có thể hướng các loại vũ khí hạt nhân của mình vào bất kỳ chủ thể nào của NATO ở bất cứ nơi đâu. Đây là việc mà Nga có thể làm để đáp trả hành động gây hấn của liên minh quân sự này, cũng như những nỗ lực của NATO nhằm lôi kéo các thành viên mới.

Phát biểu trước báo giới, ông Klintsevich nêu rõ lập trường của LB Nga luôn nhất quán và cứng rắn trước các hành động tăng cường hoạt động quân sự của NATO, cũng như những nỗ lực của liên minh quân sự này nhằm "mở rộng bản đồ của khối".

Về việc các nước Baltic được NATO tăng cường quốc phòng, Đại diện thường trực của Nga tại NATO Aleksander Grushko tuyên bố Moskva sẽ đáp trả hành động tăng cường hiện diện quân sự của liên minh quân sự này tại Litva, Latvia, Estonia và Ba Lan...

Nền an ninh ở châu Âu không thể thiếu Nga

Để xoa dịu tình hình, ngày 24/11, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố NATO không tìm kiếm sự đối đầu và vẫn để ngỏ khả năng đối thoại với Nga. Phát biểu trong chuyến công du tới Anh, ông Stoltenberg cho biết NATO không muốn "chiến tranh lạnh" với Nga, đồng thời nhắc lại "mối quan hệ chặt chẽ" từng có giữa Nga và NATO thời gian qua.

Ông Stoltenberg tuyên bố NATO và Nga sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tiếp xúc như cuộc gặp mới đây giữa ông với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và cả các cuộc gặp song phương giữa các đại diện của Nga và các nước thành viên NATO. Hợp tác ở cấp độ Hội đồng Nga - NATO cũng sẽ được tiếp tục.

Trong khi đó nhấn mạnh tầm quan trọng của nước Nga đối với an ninh ở châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, việc bãi bỏ biện pháp trừng phạt Nga trong thời gian tới là chưa thể, nhưng theo ông EU cần ứng xử với Nga như một đối tác bình đẳng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu tuyên bố, nền an ninh châu Âu không thế thiếu Nga. “Không có Nga thì không thể nào xây dựng nền an ninh ở châu Âu”, quan chức này nói.

Trong khi đó, phía Nga luôn tỏ ra “cầu thị” với NATO và EU. Ngày 31/10/2016, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Rossiya 24, Đại diện thường trực Nga tại NATO Alexander Grushko tuyên bố, Nga sẵn sàng đối thoại với NATO nếu liên minh quân sự này chuyển sang hợp tác thực tế với Moskva.

Ông Grusko nhấn mạnh việc NATO mở rộng sang phía Đông đi ngược lại lợi ích an ninh của châu Âu. Các hoạt động gần đây của NATO đang thay đổi chính nội dung an ninh quân sự tại những khu vực giáp biên giới Nga và điều này phương hại nghiêm trọng đến an ninh khu vực và an ninh của những quốc gia tham gia những hoạt động trên.

Theo Nguyễn Hòa

An ninh thế giới