1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Hoài nghi gia tăng trước khi Anh trưng cầu ý dân đi hay ở EU

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, xu hướng ủng hộ Anh ở lại EU chiếm ưu thế rất mong manh so với xu hướng muốn Anh rời khỏi khối này.

Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là biểu tượng của hòa bình, thịnh vượng, thống nhất và đoàn kết. Tuy vậy những biểu tượng này đang bị đe dọa, nhất là khi xu hướng hoài nghi châu Âu đang ngày càng gia tăng ở nhiều quốc gia trong khu vực.

Chỉ còn 2 tuần nữa là các cử tri nước Anh sẽ phải quyết định việc ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 tới. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, xu hướng ủng hộ Anh ở lại Liên minh châu Âu chỉ chiếm ưu thế rất mong manh so với xu hướng muốn Anh rời khỏi khối này, thậm chí trong những ngày gần đây, tỉ lệ ủng hộ Anh rời khỏi EU đã bất ngờ vượt lên trên tỉ lệ ủng hộ ở lại.


Không ít cử tri Anh đang ủng hộ tách khỏi EU. (Ảnh: EPA).

Không ít cử tri Anh đang ủng hộ tách khỏi EU. (Ảnh: EPA).

Tại sao số người ủng hộ Brexit tại vượt lên?

Theo thăm dò của hãng điều tra dư luận YouGov, 45% cử tri Anh sẽ bỏ phiếu rời khỏi EU so với 41% chọn ở lại. Còn nhớ cách đây hai tháng theo các cuộc thăm dò dư luận ở Anh cho thấy, tỉ lệ người dân ủng hộ Anh ở lại EU cao hơn so với người ủng hộ ra đi. Nhưng hiện nay, khi gần đến ngày trưng cầu ý dân, tỷ lệ này lại đảo ngược.

Trước hết, phải nói rằng kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý chỉ là một chỉ dấu mang tính chất tham khảo chứ không phải là số liệu quyết định đến kết quả chung cuộc. Ngoài ra, các cuộc thăm dò dư luận, do được tiến hành với các cách thức khác nhau và các mẫu thử khác nhau, đôi khi lại đưa ra những kết quả trái ngược. Vì thế, trong những cuộc thăm dò dư luận Anh quốc gần đây đối với việc Anh quốc ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) thì các con số có sự khác biệt.

Cuộc thăm dò của WhatYouThink dành cho YouGov cho con số là số người ủng hộ Brexit cao hơn số người người muốn Anh ở lại EU nhưng các cuộc thăm dò khác, như của tờ Daily Telegraph hôm 7/6 thì 48% muốn Anh ở lại EU trong khi 47% muốn thấy Brexit. Hay chính như cuộc thăm dò của YouGov cho báo The Times hôm 6/6 cho thấy nhóm ủng hộ Anh ở lại EU cao hơn nhóm ủng hộ Brexit ở mức 43% so với 42%.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy là càng đến gần đến ngày 23/6 diễn ra trưng cầu dân ý, tỷ lệ ủng hộ Brexit hay chính xác hơn là tỷ lệ cử tri lưỡng lự ngày càng tăng. Số này chủ yếu nằm trong giới trẻ, những người bị tác động nhiều bởi các chiến dịch tuyên truyền trên các mạng xã hội và thường hay thay đổi chính kiến. Đó là lí do khiến các cuộc thăm dò cho ra các kết quả khó dự đoán như hiện nay.

Nguy cơ bất ổn toàn châu Âu

Rõ ràng, tỉ lệ người dân ủng hộ việc Anh rời EU đang là một thách thức lớn cho Thủ tướng Anh David Cameron khi ngày trưng cầu ý dân đang tới gần. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu và lãnh đạo các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục lên tiếng cảnh báo nước Anh về nguy cơ bất ổn khi nước này rời khỏi EU.


Thủ tướng Anh David Cameron và Chủ tịch EU Donald Tusk đang bận rộn với những cuộc tranh luận về tương lai của Anh tại EU. (Ảnh: Sky).

Thủ tướng Anh David Cameron và Chủ tịch EU Donald Tusk đang bận rộn với những cuộc tranh luận về tương lai của Anh tại EU. (Ảnh: Sky).

Việc Anh rời khỏi EU hay còn gọi là “Brexit” được đánh giá không chỉ dừng lại ở những hệ lụy đối với nền kinh tế Anh mà còn dẫn tới những tác động xấu tới sự gắn kết của toàn khu vực. Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (của Mỹ) cho thấy, chủ nghĩa hoài nghi châu Âu cũng đang có xu hướng gia tăng tại ít nhất 10 quốc gia tại lục địa này. Theo đó, tại các quốc gia đã gia nhập EU từ lâu và người dân vốn khá "yêu quý" EU, tỷ lệ người phản đối EU bắt đầu tăng lên. Tại Pháp, tỷ lệ này tăng lên 38% trong vòng 1 năm qua, trong khi số người ủng hộ EU giảm khoảng 17%.

Chủ nghĩa hoài nghi, hay còn gọi là chủ nghĩa bi quan với châu Âu, tăng nhanh như hiện nay nguyên nhân chính là do cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu kéo dài suốt 8 năm qua. Kể từ năm 2008 với khởi đầu là nợ công ở Hy Lạp, châu Âu đã bị cuốn vào một chu kỳ suy thoái nghiêm trọng mà đến giờ vẫn chưa thực sự thoát ra được.

Suy thoái kinh tế kéo theo bất ổn chính trị, xã hội và làm lung lay các giá trị nền tảng của Liên minh châu Âu. Đó là điều rất dễ hiểu. EU được tạo dựng với hy vọng mang lại thịnh vượng và an ninh cho toàn bộ châu Âu nên một khi nó hoạt động không hiệu quả, sự hoài nghi với nó sẽ tăng lên.

Ngoài ra, sự nổi lên của các đảng cực hữu và dân túy mang trong mình tư tưởng bài ngoại, bài châu Âu ở nhiều nước thành viên cũng là nguyên do khiến chủ nghĩa hoài nghi gia tăng. Những đảng này đánh vào tâm lý chán nản của người dân vì khủng hoảng kinh tế để lôi kéo họ vào các kế hoạch mang nặng tính cục bộ quốc gia, coi đó như là lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng của toàn khối.

Hiệu ứng domino sau trưng cầu dân ý ở Anh

Trước những khủng hoảng mới của EU, các nhà quan sát băn khoăn, liệu có hiệu ứng domino khi mà các nước trong khu vực muốn nối bước Anh tổ chức cuộc trưng cầu ý dân tương tự?

Câu trả lời phụ thuộc lớn vào kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh. Nếu phe ủng hộ Brexit thắng, đó sẽ là nguy cơ lớn với châu Âu bởi các nước khác vốn có các đảng cực hữu mạnh như Pháp hay Áo… .có thể sẽ đòi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý tương tự để rời khỏi EU.

Trong thực tế, một vài chuyên gia chính trị châu Âu đã bắt đầu bóng gió nói đến Frexit, tức là việc nước Pháp rời EU. Khả năng này mặc dù rất thấp nhưng không phải không có, bởi hiện nay ở Pháp, đảng cực hữu Mặt trận quốc gia – FN đang được coi là chính đảng lớn thứ 3 ở Pháp và đang thăng tiến rất mạnh.

Nếu đảng này, với lãnh đạo là bà Marine Le Pen, chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017, rất có thể Frexit sẽ trở thành vấn đề nghiêm túc bởi đảng FN từng nhiều lần tuyên bố muốn Pháp rút khỏi EU để bảo vệ chủ quyền và quyền tự quyết với các vấn đề quốc gia.

Nếu điều này xảy ra, đó sẽ là sự chấm hết cho Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, xét tất cả các yếu tố, hiệu ứng domino với EU là tương đối ít bởi châu Âu sẽ không thể để thành quả xây dựng và hội nhập của mình hơn nửa thế kỷ qua bị phá vỡ dễ dàng như vậy.

Có lẽ chưa bao giờ Liên minh châu Âu đứng trước nhiều áp lực như hiện nay. Trong lúc cuộc khủng hoảng nhập cư chưa giải quyết triệt để, nỗi lo khủng bố vẫn hiện hữu việc làm thế nào để duy trì sự thống nhất của khối liên minh lớn nhất thế giới tiếp tục là gánh nặng cho các nhà lãnh đạo trong EU.

Xu hướng hoài nghi châu Âu dự đoán sẽ trở thành “làn sóng” tại châu Âu nếu kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Anh vào ngày 23/6 tới nghiêng về những người muốn tách khỏi EU.

Theo Thùy Vân

VOV