1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

FBI tìm kiếm nguồn thông tin tình báo tại các sân bay quốc tế

Theo các tài liệu mật của chính quyền Mỹ, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới (CBP) hợp tác chặt chẽ với nhau để tìm kiếm nguồn thông tin tình báo quý giá trong số những hành khách nước ngoài trên những chuyến bay vừa mới hạ cánh xuống mạng lưới sân bay quốc tế trên khắp đất nước.

CBP cung cấp danh sách hành khách nước ngoài - với đầy đủ chi tiết như là lịch sử bay và độ tuổi - trên chuyến bay cho FBI cũng như tiến hành phỏng vấn riêng những đối tượng có khả năng trở thành nguồn thông tin cho FBI. Mục đích của FBI được mô tả là nhằm "tìm kiếm những 'người tốt' chứ không phải 'người xấu'" để khai thác thông tin về một quốc gia, khu vực hay tổ chức nào đó.

Theo một nguồn bí mật trong cộng đồng tình báo Mỹ, FBI đặc biệt hướng đến đối tượng người Hồi giáo bởi vì đây là nguồn thông tin rất có lợi cho cơ quan trong cuộc chiến chống tội phạm và khủng bố.

Theo tiết lộ từ các nhà hoạt động và luật sư chuyên trách về vấn đề nhập cư, hiện tượng xảy ra hết sức phổ biến tại những sân bay quốc tế ở Mỹ là người Hồi giáo thường bị phỏng vấn ngay sau khi trở về từ chuyến hành trình ở nước ngoài và chỉ vài hôm sau đó đặc vụ FBI sẽ tiếp xúc riêng với họ. Diala Shamas cho biết, một thân chủ của bà đã bị "nhóm đặc vụ FBI tiếp cận ngay tại sân bay khi anh vừa mới trở về từ chuyến đi hưởng tuần trăng mật ở nước ngoài".

Shamas là giảng viên Trường Luật Stanford và hành nghề luật sư tại CLEAR - công ty cung cấp dịch vụ pháp lý cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi những chính sách chống khủng bố ở New York.

Một nhân viên CBP tuần tra tại Sân bay Quốc tế Miami.
Một nhân viên CBP tuần tra tại Sân bay Quốc tế Miami.

Theo dữ liệu từ sân bay quốc tế Logan ở Boston, vào tháng 1-2012 có gần 6.000 hành khách bị sàng lọc qua hệ thống cơ sở dữ liệu khổng lồ của FBI và CBP tiến hành 47 cuộc phỏng vấn điều tra. FBI cũng được cho là sử dụng một số biện pháp cứng rắn - như là đe dọa trục xuất hay kéo dài thời gian cấp thị thực - để ép buộc đối tượng chấp nhận hợp tác với cơ quan. Thậm chí một số người còn bị đưa vào danh sách cấm bay sau khi họ từ chối tiếp xúc với FBI! Chương trình tìm kiếm và sử dụng nguồn thông tin tình báo không chính thức bên ngoài FBI bắt đầu mở rộng sau ngày 11-9-2001 với số lượng nguồn tăng hơn 15.000 người trong khoảng 6 năm.

Một người phát ngôn của FBI tuyên bố "FBI sử dụng hàng loạt biện pháp điều tra hợp pháp và các nguồn thông tin để hỗ trợ những cuộc điều tra, trong đó bao gồm sử dụng Các nguồn Con người Mật (CHS)" đồng thời nhấn mạnh thêm rằng "mọi mối quan hệ của CHS với FBI đều là tự nguyện".

Trong khi đó, giới chức CBP khẳng định hoạt động chia sẻ thông tin với các đối tác thực thi pháp luật của cơ quan luôn tuân thủ luật pháp Mỹ và chính sách của Bộ An ninh Nội địa (DHS) về nhân quyền và quyền công dân". Ngoài CBP, FBI còn hợp tác với Bộ Ngoại giao Mỹ và Cơ quan Hải quan và Di trú (ICE).

Shannon Erwin, giám đốc điều hành Liên đoàn Công lý Hồi giáo (MJL) ở Boston, nhận định: "Những người không phải là công dân Mỹ dễ bị thương tổn nhất do trong tình trạng xin nhập cư nên phải đối mặt với chính sách củ cà rốt hay cây gậy. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy lo ngại cho cả những công dân Mỹ bởi vì bất cứ khi nào tiếp xúc với FBI họ cũng phải chịu nhượng bộ".

Theo các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư về vấn đề nhập cư, trong những năm gần đây có nhiều khách hàng của họ - phần đông vẫn là người Hồi giáo - bị nhân viên CBP chặn lại kiểm tra an ninh ngay tại cổng trước khi được cho phép đi tiếp; trong khi số khác bị giữ lại nhiều giờ và hành lý cũng như thiết bị điện tử cá nhân của họ bị lục soát gắt gao.

Những người Mỹ Hồi giáo và hành khách đến Mỹ từ các quốc gia có tuyệt đại đa số người Hồi giáo thường bị tra vấn về việc họ có thường xuyên cầu nguyện hay không, thường lui tới những giáo đường nào hay có mối quan hệ bộ tộc hay không. Bảng câu hỏi của ICE bao gồm những câu nhạy cảm đại loại như: "Anh có bạn bè hay người thân từng tử vì đạo để bảo vệ đức tin hay không?". Thông thường, những người bị tra vấn đều chấp nhận hợp tác với FBI do sợ chính quyền trả thù hay gặp rắc rối khi xin nhập cư.

Nhân viên CBP kiểm tra giấy tờ một phụ nữ tại Sân bay Quốc tế Newark ở New Jersey.
Nhân viên CBP kiểm tra giấy tờ một phụ nữ tại Sân bay Quốc tế Newark ở New Jersey.

Masih Fouladi, luật sư làm việc cho Hội đồng về Quan hệ Mỹ-Hồi giáo (CAIR) trong khu vực Los Angeles, kể lại câu chuyện một thân chủ người Mỹ gốc Ấn Độ trong độ tuổi 20 của ông. Nhân viên CBP chặn người này tại sân bay khi mới bay về từ Canada và tiến hành tra vấn khoảng 3 giờ liên tục.

Họ hỏi anh ta thường lui tới những giáo đường nào, sử dụng mạng xã hội như thế nào và yêu cầu đánh giá về một vụ nổ súng khủng bố ở Mỹ. Khi được hỏi về kế hoạch du hành nước ngoài trong tương lai, thân chủ của Fouladi thành thật khai báo anh ta sẽ thực hiện chuyến hành hương đến Mecca ở Arập Xêút.

Cuối cùng, vào vài tháng sau đó, một nhóm đặc vụ FBI đến gặp riêng anh ta đề nghị hợp tác cung cấp thông tin về những người Hồi giáo. Tuy nhiên, thân chủ của Fouladi kiên quyết từ chối hợp tác và gặp luật sư. Hậu quả là sau đó anh ta thường xuyên bị FBI quấy rầy và mỗi khi bay ra nước ngoài đều bị tra vấn gắt gao.

Theo Diên San (tổng hợp)

An ninh thế giới