1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vụ săn gián điệp hụt của FBI

Tháng 2/1994, FBI bắt giữ cựu đặc vụ CIA Aldrich Ames vì ông này làm gián điệp cho Liên Xô. Dù hài lòng vì tóm được điệp viên hưởng lương cao nhất lịch sử nhưng cả FBI và CIA đều cho rằng còn có nhiều điệp viên nhị trùng trong các cơ quan tình báo Mỹ...

... Họ lập một đội săn điệp viên mới mang trên GRAYSUIT, với quyết tâm tìm ra kẻ đã trao cho người Liên Xô những bí mật tình báo lớn nhất của Mỹ.

Khoanh vùng nghi can

Sau quá trình điều tra ban đầu, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) xác định điệp viên nhị trùng nhiều khả năng là một nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và đó là nơi họ tập trung nỗ lực điều tra.

Một trong những cách mà cơ quan tình báo Mỹ săn tìm gián điệp là sử dụng "ma trận". Họ tập hợp một danh sách gồm mọi bí mật tình báo đã bị tiết lộ và lập một danh sách những người có quyền tiếp cận các bí mật đó. Sau đó, sử dụng các manh mối có trong tay, họ loại bỏ dần từng nghi can.

"Thợ săn" điệp viên nhị trùng của FBI đã sử dụng ma trận này để thu hẹp danh sách 100 nghi can xuống còn 7 người, sau đó họ khoanh tròn duy nhất một cái tên: một đặc vụ CIA tên là Brian Kelley. Họ đặt cho ông này cái tên là GRAY DECEIVER.

Gián điệp hụt Brian Kelley và Robert Hanssen.
"Gián điệp hụt" Brian Kelley và Robert Hanssen.

Ông Kelley chuyên làm nhiệm vụ vạch trần "những người bất hợp pháp" của Liên Xô, tức là các điệp viên không đóng giả làm nhà ngoại giao và do đó không có quyền miễn trừ ngoại giao khi bị bắt. Một trong số những người từng bị ông Kelley vạch mặt là Reino Gikman, một đặc vụ tình báo Liên Xô. Về lí lịch, ông Kelley là một đặc vụ CIA xuất sắc với thành tích 5 huy chương khi làm việc cho CIA, trong đó có công phát hiện ra điệp viên Felix Bloch. Tuy nhiên, giờ đây FBI cho rằng bản thân ông Kelley từ lâu đã là một điệp viên. Vụ ông ta vạch mặt Gikman và cảnh báo về Felix Bloch chẳng qua chỉ là một vỏ bọc hoàn hảo.

Cuối năm 1997, FBI sắp xếp để ông Kelley được giao một nhiệm vụ mới: rà soát hồ sơ vụ Felix Bloch để xem có manh mối nào bị bỏ qua không. Mục đích của nhiệm vụ là để cô lập ông Kelley và giữ ông này ở trụ sở CIA, tạo điều kiện cho các "thợ săn" điệp viên nhị trùng FBI để mắt tới ông ta cho tới khi thu thập đủ chứng cứ để bắt giữ.

FBI giám sát ông Kelley liên tục và bí mật lục soát nhà ông. Họ cũng nghe lén điện thoại của ông Kelly, lục lọi thùng rác, tìm kiếm trên máy tính ở nhà, gài thiết bị nghe lén khắp nhà. Có một lần họ thậm chí còn bám đuôi ông Kelley tới tận thác Niagara rồi mất dấu gần biên giới Canada. Họ cho rằng ông Kelley đã cố tình cắt đuôi người theo dõi để lẻn qua biên giới vào Canada, có thể là để gặp người phía Nga.

Các đặc vụ FBI tham gia chiến dịch GRAYSUIT nhận thấy rất khó bắt quả tang ông Kelley. Họ biết ông này đã cắt đuôi họ ở biên giới Canada, biết ông hay mua sắm ở một siêu thị mà các đặc vụ Liên Xô từng xuất hiện. Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực nghe lén, lục soát, tìm kiếm thùng rác, manh mối hữu hình duy nhất có thể dùng để khép tội ông Kelley là một bản đồ vẽ tay về công viên Nottoway gần đó.

Trên bản đồ có nhiều khoảng thời gian được đánh dấu tại các địa điểm khác nhau. Đối với FBI, tấm bản đồ này chỉ có thể là bản đồ đánh dấu địa điểm trao đổi bí mật tình báo. Ngoài tấm bản đồ này ra, ông Kelley dường như là chuyên gia trong xóa bỏ mọi dấu vết cuộc sống điệp viên nhị trùng. Trong thực tế, dưới con mắt người thường, ông không hề giống một điệp viên.

Tuyệt vọng mò bằng chứng

Dù vậy, tấm bản đồ vẫn không phải là bằng chứng thuyết phục để bắt ông Kelley. FBI quyết định lừa ông Kelley tham gia một cuộc kiểm tra với máy phát hiện nói dối. Họ sắp xếp để ông Kelley được giao "nhiệm vụ mới" là thẩm vấn một người Liên Xô đào tẩu không hề tồn tại. Cấp trên của ông Kelley ở CIA giải thích rằng để được chấp nhận làm nhiệm vụ mới, cần phải kiểm tra với máy phát hiện nói dối. Việc ông Kelley vượt qua cuộc kiểm tra xuất sắc khiến FBI thất vọng. Họ lại phải tiếp tục cuộc truy tìm manh mối.

Tiếp theo, FBI lập ra một chiến dịch ngầm để lừa ông Kelley vào bẫy. Một đặc vụ FBI giả là một đặc vụ Nga gõ cửa nhà ông Kelley và cảnh báo rằng ông sắp bị bắt vì làm gián điệp và cần rời Mỹ ngay. Đặc vụ Nga sau đó đưa cho ông Kelley một kế hoạch trốn viết tay và bảo ông tới ga tàu điện ngầm gần đó vào chiều hôm sau. Sau đó, "đặc vụ Nga" biến mất. FBI chờ xem ông Kelley sẽ làm gì. Nếu ông chạy ra ga tàu điện ngầm, điều đó chứng tỏ ông ta là điệp viên.

Đến hôm sau, ông Kelley vẫn đi làm như thường lệ và báo cáo sự việc với cấp trên tại CIA. Ông thậm chí còn mô tả chính xác về "đặc vụ Nga" cho một họa sĩ vẽ phác họa. Một lần nữa, FBI lại ấn tượng về kỹ năng của ông Kelley trong tình huống áp lực. Họ đoán chắc là ông Kelley đã phát hiện ra gã "đặc vụ Nga" là giả và ông ta đã không bị lừa. Ông Kelley lạnh lùng và tự chủ tới mức các điều tra viên đặt cho ông biệt danh mới: "Người băng".

Như vậy, FBI vẫn không có đủ bằng chứng để bắt ông Kelley và không còn nhiều lựa chọn. Họ cố lần cuối để lừa ông Kelley tự buộc tội mình.

Ngày 18/8/1999, ông Kelley bị triệu tới một cuộc họp tại trụ sở CIA và gặp hai đặc vụ FBI nói rằng họ biết mọi thứ về việc ông làm gián điệp, thậm chí biết cả mật danh mà phía Nga đặt cho là Karat. Ông Kelley tỏ ra ngạc nhiên và bác bỏ mọi điều. Các đặc vụ FBI rút ra tấm bản đồ viết tay của ông Kelley và nói: "Hãy giải thích cái này". Ông Kelley hỏi: "Các anh lấy tấm bản đồ đi bộ của tôi ở đâu thế?".

Cuộc đối mặt không diễn ra như FBI hi vọng. Ông Kelley không hề lay động. Ông ta thậm chí còn trả lời câu hỏi mà không có luật sư bên cạnh và lại sẵn sàng tham gia một cuộc kiểm tra với máy nói dối. Sau khi mệt nhoài thẩm vấn ông Kelley tới 7 tiếng, các đặc vụ FBI từ bỏ nỗ lực. Ông Kelley bị tước huy hiệu CIA và mất quyền tiếp cận tài liệu mật, bị cho nghỉ phép hưởng lương và bị giải ra ngoài CIA. Tuy nhiên, ông Kelley không bị bắt hay bị cáo buộc làm gián điệp vì vẫn không có đủ bằng chứng.

18 tháng sau đó, ông Kelley vẫn nghỉ phép trong khi FBI "cần mẫn" tìm chứng cứ chống lại ông. Các đặc vụ FBI gặp con gái ông Kelley vốn cũng là một nhân viên CIA và nói rằng bố cô là một gián điệp. Con gái ông Kelley quả quyết không biết gì về việc đó. Những đứa con khác của ông Kelley cũng như đồng nghiệp hay bạn bè thân đều nói như vậy khi được FBI hỏi. Không ai nghĩ ông Kelley là gián điệp.

Mùa xuân năm 2000, FBI đã tổng hợp một báo cáo 70 trang đề xuất Bộ Tư pháp cáo buộc ông Kelley tội làm gián điệp. Trong khi Bộ Tư pháp nghiên cứu báo cáo, FBI mở rộng tìm kiếm bằng chứng chống ông Kelley từ phía Nga. Họ tìm ra một nhân viên tình báo Nga nghỉ hưu có thể biết về vụ việc và dụ ông này tới Mỹ để "làm ăn".

Khi người này tới Mỹ, FBI bắt đầu nói thẳng, rằng họ sẽ trả ông ta một khoản kếch xù nếu ông ta tiết lộ danh tính điệp viên nhị trùng. FBI đồng ý mua tài liệu của cựu đặc vụ Nga với giá 7 triệu USD và đồng ý giúp ông này và gia đình tái định cư ở Mỹ dưới tên giả. "Tiền trao cháo múc", tháng 11/2000, tài liệu được tuồn ra khỏi Nga và tới trụ sở FBI. Số tài liệu đựng đầy một vali nhỏ với hàng trăm giấy tờ, hàng chục đĩa máy tính, một cuộn băng cát sét và một phong bì có dòng chữ "Không mở cái này".

FBI chắc mẩm cuối cùng đã có bằng chứng để kết tội Brian Kelley và đưa ông ta vào chỗ chết. Tất cả những gì họ cần làm là đọc tài liệu, nghe băng ghi âm. Họ hồi hộp chờ giọng ông Kelley cất lên trong cuốn băng cát sét. Nhưng không, đó không phải giọng của Kelley. Họ cho rằng ông Kelly cẩn trọng đến mức không trực tiếp liên hệ với Nga mà nhờ trung gian.

Trong rủi có may

Một đặc vụ FBI là Michael Waguespack nhận ra giọng nói trong băng nhưng nhất thời không thể nhớ ra cái tên. Trong khi đó, đặc vụ Bob King bắt đầu đọc tài liệu và nhận ra số tài liệu họ vừa mua là về một đặc vụ tên là Robert Hanssen. Waguespack nghe lại băng ghi âm và xác nhận đó chính là giọng của Hanssen.

Mất một hồi các "thợ săn" điệp viên nhị trùng FBI mới nhận ra rằng ba năm qua họ đã lần theo một mục tiêu sai. Brian Kelley không phải là một bậc thầy gián điệp. Họ không tìm ra điều gì khả nghi về ông đơn giản chỉ vì không có gì để tìm.

Trước đây, FBI chưa bao giờ nghi ngờ Robert Hanssen là điệp viên. Về phần chiếc phong bì có dòng chữ "Không mở cái này", FBI kiên nhẫn đợi đến lúc cựu đặc vụ Nga tới nơi rồi mới mở. Ông này giải thích rằng khi Robert Hanssen bỏ tài liệu và đĩa máy tính tại điểm hẹn, anh ta bọc chúng trong hai túi nhựa đựng rác để bảo vệ.

Chiếc phong bì ông ta gửi cho FBI chứa một trong hai túi rác của Hanssen. Ông này nói rằng chỉ có hai người sờ vào cái túi là ông ta và người là điệp viên. Nếu Hanssen là điệp viên thì cái túi sẽ có dấu vân tay anh ta.

FBI mang túi đến phòng thí nghiệm và lấy được hai dấu vân tay. Như họ đoán, một dấu vân tay là của Hanssen. Mọi bằng chứng trong tài liệu của Nga đều cho thấy người làm gián điệp cho Nga chính là Hanssen. FBI ngừng cuộc điều tra GRAY DECEIVER, đặt cho Hanssen biệt danh GRAYDAY và bắt đầu điều tra người này. FBI không mất nhiều thời gian và công sức để tìm ra bằng chứng vì Hanssen đã hành động rất sơ hở, thậm chí lộ liễu. Trước chứng cớ không thể chối cãi, Hanssen đã nhận tội.

Sau khi Hanssen bị bắt, không đặc vụ FBI nào tham gia vụ săn lùng điệp viên nhị trùng Kelley/Hanssen bị kỷ luật hay sa thải, thậm chí một số đặc vụ còn được thăng chức. FBI đã thắt chặt an ninh, thay đổi chương trình phần mềm mới trong hệ thống máy tính để đề phòng những người như Hanssen.

Về phần "gián điệp hụt" Brian Kelley, ông đã được giải tội hoàn toàn. Ông trở lại CIA làm việc và nhận lời xin lỗi từ FBI. Tuy nhiên, ông đã không thể tiếp tục làm nhân viên phản gián ngầm vì danh tính của ông đã bị tiết lộ khi một phóng viên điều tra viết sách về vụ Hanssen. Ông Kelley tiếp tục làm việc cho CIA đến năm 2007, dạy những "thợ săn" điệp viên cách tránh mắc sai lầm như các đặc vụ FBI đã mắc khi săn lùng ông - những người mà ông cho là "quá hăng hái, quá thiển cận".

Sau khi nghỉ hưu, ông làm hướng dẫn viên phản gián tại Tập đoàn Abraxas và Viện Chính trị Thế giới. Tới tận sau này, bản thân ông Kelley, gia đình và bạn bè ông đều tự hỏi không biết điều gì sẽ xảy ra với ông nếu FBI không sẵn sàng trả 7 triệu USD để mua tài liệu từ Nga? Ông Kelley đã mất vì đau tim năm 2011 ở tuổi 68.

Theo Nhật Minh (tổng hợp)

An ninh thế giới