1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

EU và những biến động "bất thường"

Rạng sáng 5-12, Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã tuyên bố từ chức ngay sau khi kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy có tới 59,43% cử tri bỏ phiếu phản đối cải cách Hiến pháp, so với 40,57% bỏ phiếu ủng hộ, trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 4-12. Năm nay có thể coi là một năm “biến động” đối với châu Âu sau hàng loạt những biến cố liên quan tới phe cánh hữu...

Cú "sốc" mới tại EU

Theo hãng tin ANSA, việc Thủ tướng Renzi tuyên bố từ chức ngay sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý cải cách Hiến pháp (trong đó có việc cải tổ lại Quốc hội, chỉ còn giữ lại quyền lập pháp cho Hạ viện trong khi Thượng viện giảm số nghị sĩ từ 315 xuống còn 100 và không còn quyền lập pháp), đã tạo ra cú "sốc" mới tại EU.

Năm nay có thể coi là một năm khủng hoảng đối với châu Âu. Cuộc bỏ phiếu Anh rời khỏi EU (gọi tắt là Brexit) đã giáng một đòn nặng đối với khối này. Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ đang tạo nên một số thuận lợi cho phe cánh hữu và chủ nghĩa dân túy trỗi dậy ở châu Âu.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng người nhập cư cũng gây nên những bất đồng sâu sắc và chia rẽ ở khắp châu lục này. Giờ đây, kết quả cuộc trưng cầu ý dân diễn ra ở Italy, nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đang tạo ra một cú sốc khác cho EU.

Là một trong những nước sáng lập Liên minh châu Âu (EU), Italy thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận do nước này đang gánh một khoản nợ công khổng lồ (132% GDP). Bên cạnh đó, một cuộc bỏ phiếu "chống" trong cuộc trưng cầu ý dân lần này có thể sẽ là một đòn mạnh nữa giáng vào một châu Âu vốn đang lung lay, là đòn chí tử nhằm vào đồng euro và là bước thụt lùi của Italy với truyền thống không có các chính phủ ổn định.

Chiến thắng áp đảo của phe nói "không" với cải cách Hiến pháp ở Italy đang tạo ra mối quan ngại về "một hiệu ứng domino" có thể xảy ra những kết quả bất ngờ đối với các cuộc bầu cử tại Hà Lan, Pháp và Đức trong năm 2017, nơi cánh hữu và phe cực hữu đang thắng thế rất có thể tạo ra một châu Âu với diện mạo mới. Nhưng hiện tại, những bất ổn chính trị trong chính trường cùng những thách thức khủng hoảng kinh tế kéo dài tại Italy có thể đang “góp phần” làm đảo lộn toàn bộ khu vực châu Âu.

Ông Renzi (giữa) trong cuộc họp với lãnh đạo Pháp và Đức tại Italy. Ảnh: ABC.
Ông Renzi (giữa) trong cuộc họp với lãnh đạo Pháp và Đức tại Italy. Ảnh: ABC.

Nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) cho dù tuyên bố tin tưởng vào sự “vững vàng” của nền kinh tế Italy, song cũng đã có nhiều tuyên bố thể hiện quan ngại. Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Pierre Moscovici ngày 5/12 cho rằng Italy là quốc gia có thể chế chính trị vững chắc và một nền kinh tế mạnh, sẽ vượt qua được giai đoạn Thủ tướng Matteo Renzi từ chức sau khi ông thất bại nặng nề trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp.

Phát biểu trên kênh truyền hình France 2 trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tại Brussels (Bỉ), ông Moscovici đã thể hiện tin tưởng rằng Italy có thể giải quyết được tình hình hiện nay vì Italy là một đất nước vững mạnh với một chính quyền vững chắc.

Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh nước này quan ngại về việc Italy sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng chính phủ sau khi Thủ tướng Renzi từ chức. Thủ tướng Renzi đã làm một việc đúng đắn và cần thiết nhưng cử tri lại không ủng hộ ông Renzi.

Theo ông Steinmeier, đây không phải là một cuộc khủng hoảng quốc gia nhưng là một cuộc khủng hoảng chính phủ và cần phải giải quyết. Ông cho rằng đây không phải là một tín hiệu tích cực đối với châu Âu trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Đòn đau của ông Renzi hay sự lên ngôi của phe dân túy

Đồng euro rớt giá mạnh sau cuộc trưng cầu ý dân tại Italy. Ngày 5/12, tại thị trường châu Âu, tỷ giá đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 tháng qua so với đồng USD. Các nhà phân tích cho rằng việc Thủ tướng Renzi quyết định rời nhiệm sở sau 2 năm rưỡi cầm quyền là một đòn giáng mạnh đối với EU, khu vực vốn đang hứng chịu nhiều cú sốc lớn trong những năm gần đây.

Giới đầu tư lo ngại bất ổn mới ở Italy sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới và làm rung chuyển hệ thống ngân hàng vốn đang rất "ốm yếu" của quốc gia này.

Việc đa số cử tri Italy phản đối kế hoạch cải cách Hiến pháp là một đòn giáng vào ông Renzi và tác động tức thời đến các thị trường tài chính. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa qua cũng như quyết định từ chức của ông Renzi đang mở ra cơ hội mới cho phong trào dân túy ở Italy, trong đó có đảng Phong trào 5 sao (M5S), vốn đang muốn kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân về việc liệu Italy có nên rời khỏi EU hay không.

Sau sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, phe dân túy ở Italy giờ đây lại đang được tiếp thêm động lực mới. Và trong trường hợp Italy phải tổ chức bầu cử trước thời hạn, khả năng phe dân túy lên nắm quyền là không thể loại trừ.

Một cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện chưa thể xảy ra ở Italy, nhưng sự tê liệt về chính trị đang xuất hiện. Trong lĩnh vực kinh tế, kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa qua cũng là một đòn mạnh tức thời đánh vào lòng tin của các nhà đầu tư và ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Italy. Do Italy là nền kinh tế lớn thứ ba ở Khu vực đồng euro, nên điều này cũng sẽ tác động đến triển vọng tổng thể của cả châu Âu.

Một triển vọng kinh tế ảm đạm, cộng với tình trạng bất ổn chính trị gia tăng, sẽ khiến lãi suất trái phiếu của Italy được nâng lên. Các ngân hàng mong manh dễ vỡ của Italy cũng như gánh nặng nợ công đang gia tăng của nước này sẽ trở thành mối quan ngại chủ yếu của các nhà đầu tư.

Bất ổn chính trị đe dọa đồng tiền chung châu Âu

Trong một năm khi người Hà Lan (với tỷ lệ đi bỏ phiếu rất thấp) bác bỏ thỏa thuận liên kết của EU với Ukraine, khi người Anh bỏ phiếu rời khỏi liên minh, và khi Hungary bác bỏ hạn ngạch của châu Âu về người nhập cư, rõ ràng việc người Italy đang bỏ phiếu cho một cuộc trưng cầu ý dân đang khiến cả EU lo lắng.

Trang mạng Bloomberg.com mới đây cho biết giới đầu tư, vốn đang choáng váng trước những cú sốc về dân chủ tại Anh và Mỹ, hiện lại thêm lo ngại về tương lai của Italy trong liên minh tiền tệ châu Âu. Họ lo khi Thủ tướng Matteo Renzi thất bại, điều này có thể làm suy yếu sự ổn định chính trị vốn đã rất mong manh của đất nước này.

Tuy nhiên, cho đến giờ, khả năng Italy rút khỏi khu vực đồng tiền chung euro dường như vẫn chưa hiện hữu bởi động thái này cần phải được các đảng phái chính trị nhất trí và phải trải qua một tiến trình pháp lý rất phức tạp.

Đảng Phong trào 5 sao theo chủ nghĩa dân túy đã tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về việc Italy có nên ở lại khu vực đồng euro hay không.

Một số nhà đầu tư thậm chí từng cảnh báo về sự tàn lụi của EU, chứ không phải chỉ là sự tàn lụi của khu vực đồng tiền chung này. Jim Smigiel, Giám đốc Quản lý tiền tệ tại Công ty Đầu tư SEI tại Mỹ, nhận định: “Chúng tôi cho rằng EU sẽ tan vỡ và Italy sẽ rời khỏi khu vực đồng tiền chung euro. Chỉ mới đây thôi nhận định này có vẻ là điên rồ và vô căn cứ, song chúng tôi ít nhất đã bắt đầu nhận ra những vòng xoáy của sự thay đổi này”.

Phe cánh hữu chủ trương ngăn chặn người tị nạn tới châu Âu. Ảnh: macleans.ca.
Phe cánh hữu chủ trương ngăn chặn người tị nạn tới châu Âu. Ảnh: macleans.ca.

Trong khi đó, đảng Phong trào 5 sao có chủ trương bài EU đang tích cực vận động cho một cuộc trưng cầu ý dân về việc từ bỏ đồng tiền chung này. Phó Chủ tịch Hạ viện Luigi Di Maio thuộc Phong trào 5 sao cho biết nếu đảng của ông lên nắm quyền, họ sẽ thúc đẩy một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Italy trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Di Maio không nói rõ rằng ông muốn thay thế đồng tiền chung này bằng loại tiền tệ nào.

Tuy nhiên, trên thực tế, tiến trình ra khỏi khu vực đồng euro sẽ mất nhiều thời gian và phải trải qua các cuộc đàm phán phức tạp. Và kể cả khi người Italy có bỏ phiếu thuận cho việc rời bỏ này, thì kết quả đó vẫn bị cản trở bởi Tòa án Hiến pháp, một trong những tòa án tối cao của đất nước. Song, các chuyên gia nhận định, cũng phải tính đến một sự phản ứng tiêu cực từ thị trường đối với việc Italy ra khỏi khu vực đồng euro.

Hai chuyên gia kinh tế tại Công ty JPMorgan Chasea&Co là Gianluca Salford và Marco Protopapa trong một bài viết đã nhận định rằng: “Bất cứ một nguồn tin đáng tin cậy nào về việc rời khỏi khu vực đồng euro đều có thể gây ra một làn sóng rút vốn và biến động thị trường nghiêm trọng.

Những “nhân tố” mới

Những ngày này, châu Âu không chỉ nín thở theo dõi diễn biến cuộc bầu cử tổng thống ở Áo và cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp ở Italy, mà còn hồi hộp vì một “thí nghiệm chính trị” khác nữa ở Iceland. Đất nước Iceland lại một lần nữa tỏ ra rất xứng đáng với biệt danh được đặt cho là “Phòng thí nghiệm chính trị ở châu Âu”.

Cuộc thí nghiệm chính trị mới ở đây là việc thủ lĩnh của đảng Cướp biển, bà Birgitta Jonsdottir, được Tổng thống Iceland ủy thác trách nhiệm thành lập chính phủ mới. Lần đầu tiên trong lịch sử đảng Cướp biển ở Iceland và trên thế giới, đảng này được giao nhiệm vụ đứng ra thành lập chính phủ.

Trong cuộc bầu cử quốc hội vừa rồi ở Iceland, đảng Cướp biển, vốn hình thành từ phong trào đòi quyền tự do rộng rãi trên mạng Internet và phản đối giới chính trị thượng lưu cố hữu bám giữ vào quyền lực, trở thành đảng lớn thứ 3 trong nghị viện. Hiện tại chưa có gì để đảm bảo là bà Jonsdottir tới đây sẽ thành công hơn hai đảng phái kia. Nhưng chỉ riêng chuyện đảng Cướp biển đứng ra thành lập chính phủ cũng đã là chuyện “kinh thiên động địa” trên chính trường Iceland và châu Âu.

Viễn cảnh Chính phủ Iceland do đảng mang tên Hải tặc lãnh đạo đang ở trước mắt. Thăm dò dư luận cho thấy Hải tặc - đảng do những tay hacker sừng sỏ thành lập năm 2012, theo đuổi những chính sách cấp tiến về cải cách hiến pháp dân chủ, minh bạch hơn, vá những lỗ hổng về thuế, miễn phí chăm sóc y tế và tăng cường bảo vệ dữ liệu hồ sơ công dân...

Báo USA Today dẫn lời lãnh đạo đảng, bà Birgitta Jonsdottir phát biểu: “Chúng tôi đấu tranh cho sự cải cách cả một hệ thống, thay vì các thay đổi nho nhỏ dễ dàng quay lại hiện trạng cũ. Chúng tôi không xác định mình thiên về cánh hữu hay cánh tả, thay vào đó tập trung vào cả hệ thống. Nói cách khác, chúng tôi xem mình là những tay hacker”.

Trong khi đó, tại Pháp, nhiều nhà phân tích đã chỉ ra rằng, đây đang là thời kỳ vô định của phe cánh tả ở Pháp. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã quyết định không ra tái tranh cử cho nhiệm kỳ hai vì ông muốn tránh cho phe cánh tả thất bại thảm bại trước cánh hữu và phe cực hữu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017.

Hiện giờ, đại diện xuất sắc của phe cánh hữu là cựu Thủ tướng Francois Fillon, người vừa được chọn làm ứng cử viên tổng thống, và lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia Marine Le Pen đều có quan điểm chống người nhập cư và chống EU.

Chống EU không chỉ xảy ra ở Pháp, mà phe cánh hữu ở một số nước khác đang trỗi dậy cho thấy sự chuyển hướng và thay đổi trong bản đồ chính trị châu Âu những năm gần đây. Trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế chậm chạp và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên ở các nước châu Âu đã khiến nhiều người đặt hy vọng vào những gì EU mang lại đang vô cùng thất vọng. Nhiều người đã mất kiên nhẫn với chính phủ. Giới trẻ ở Áo, Hungary, Hà Lan, Pháp... phàn nàn rằng liên minh cầm quyền đã không thực hiện bất kỳ cải cách nào, và không điều gì được thay đổi.

Kể từ mùa hè năm 2015, cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu cho thấy năng lực yếu kém và thiếu vắng sự phối hợp giữa chính phủ các nước EU, khiến người dân ngày càng lo ngại về tình hình an ninh dưới chính sách biên giới mở của EU. Cả hai vấn đề gồm kinh tế yếu kém và cuộc khủng hoảng di cư đều khiến nhiều người châu Âu nghi ngờ hơn về giải pháp chung của EU. Tất cả những vấn đề này đặt ra câu hỏi về quan hệ giữa các nước thành viên và toàn khối EU nói chung.

Câu hỏi mà người dân các nước châu Âu đặt ra đó là liệu họ có nên tách ra hay cấu thành một EU hùng mạnh hơn. Bởi không ai tìm ra câu trả lời cho các vấn đề hóc búa mà các nước EU đang đối mặt, nên các cử tri thay vì ủng hộ liên minh cầm quyền chuyển sang ủng hộ đảng cánh hữu để tìm kiếm những thay đổi có thể cho tình hình hiện nay.

Theo Nguyễn Hòa

An ninh thế giới