1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Erik Prince – Ông trùm bóng tối: Đế chế quân đội tư nhân

Như đã phân tích, Erik Prince không thể đảm nhận vai trò chính thức nào trong bộ sậu của Tổng thống Donald Trump, kể cả khi ông còn vận động tranh cử. Nguyên nhân là bởi vì lĩnh vực kinh doanh của Prince đã gây ra quá nhiều tai tiếng, đồng thời những hoạt động kinh doanh ông ta theo đuổi tiếp tục bị dư luận phản đối.

Bộ Tư pháp Mỹ thời Tổng thống Barack Obama đã từng tiến hành điều tra đối với Prince và các công ty cũ của ông, nhưng rốt cuộc chẳng có cáo buộc hay tội trạng nào được tuyên.

Nỗ lực khôi phục đế chế quân sự tư nhân

Vào năm 2010, Prince bán công ty Blackwater giữa lúc những bê bối sát hại thường dân Iraq đang ầm ĩ và chính phủ Mỹ đang tiến hành các cuộc điều tra. Sau đó, Prince tiếp tục bán hầu hết tài sản trong các công ty con của Blackwater. Prince đổ lỗi cho các nhà hoạt động cánh tả, các chính khách đảng Dân chủ và các phiên tòa dai dẳng đã phá hủy các công ty của ông ta.

Lấy lý do này, Prince rời khỏi nước Mỹ để đến Trung Đông và cư trú tại Abu Dhabi thuộc Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Từ năm 2011, "tàn tích" còn lại của đế chế Blackwater được những người chủ mới của nó đổi tên thành công ty Academi LLC.

Bắt đầu gây dựng lại đế chế quân sự tư nhân mới, Prince chuyển hướng sang châu Á, tìm kiếm các đối tác mới giàu có ở Đông Á... Tháng 1-2014, Prince chính thức bắt tay giao dịch làm ăn với một công ty lớn thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc tên là Citic Group. Prince đã mời được Citic Group góp vốn đầu tư để cùng Prince thành lập ra công ty Frontier Services Group (FSG) có trụ sở đặt tại Hồng Kông.

Erik-Prince.
Erik-Prince.

Do Citic Group là nhà đầu tư lớn nhất của FSG nên trong thành phần Hội đồng quản trị của FSG có 2 người Trung Quốc. Sau một loạt bê bối với công ty cũ Blackwater, Prince vẫn có thể thuyết phục và lôi kéo được một loạt cựu sĩ quan quân đội và tình báo Mỹ gia nhập công ty mới của Prince để phục vụ mục tiêu tham vọng của ông ta là xây dựng một quân đội tư nhân lớn nhất thế giới, trong đó có một lực lượng "không quân tư nhân" hùng hậu.

Về mặt chính thức, FSG là một công ty chuyên kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng và vận tải hàng hóa. Địa bàn vận chuyển hàng hóa chủ yếu là châu Phi và vài nơi khác. Công ty cũng thực hiện một số công việc nhiều rủi ro, như sơ tán dân thường tại các vùng chiến sự nóng bỏng. Prince tự mô tả công việc của mình tại FSG là "hòa bình và phát triển kinh tế" và giúp các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động một cách an toàn ở châu Phi.

Nhưng đó chỉ là bề mặt. Hoạt động "trong bóng tối" của Prince còn nhiều hơn thế. Bên cạnh Prince luôn có một nhóm phụ tá trung thành bao gồm một cựu biệt kích người Nam Phi, một cựu phi công người Australia và một luật sư mang hai quốc tịch Mỹ và Israel. Mục tiêu của Prince bây giờ là tìm cách gây dựng lại một công ty hoạt động trong lĩnh vực tình báo và an ninh tư nhân, tương tự như Blackwater.

Để làm điều này, Prince thành lập một loạt công ty bình phong ở nước ngoài cung cấp các dịch vụ bán quân sự. Từ năm 2014, Prince đã đi đến một số quốc gia, bí mật gặp gỡ một loạt quan chức châu Phi để chào mời các mô hình quân sự khác nhau.

Trong số các quốc gia nằm trong nhóm "khách hàng tiềm năng" của Prince có Libya và Somalia - những điểm nóng, hỗn loạn về mặt an ninh lẫn chính trị - được xem là những mảnh đất béo bở để những "kền kền" như Prince bâu vào kiếm ăn. Tờ báo The Intercept dẫn một một nguồn tin giấu tên cho biết Prince điều hành một mạng lưới hoạt động bí mật chuyên săn mồi quanh các vùng chiến sự và khủng hoảng.

Một nguồn tin giấu tên cho biết Prince mong muốn biến FSG thành một công ty kiểu Blackwater trước đây để thỏa mãn niềm đam mê xây dựng một đế chế quân đội tư nhân lớn nhất thế giới. Và ông ta đã tận dụng tối đa danh nghĩa Chủ tịch công ty FSG để phục vụ cho tham vọng của mình.

Nhiều hoạt động của công ty FSG đều nhằm phục vụ cho mục đích bí mật này của Prince, còn bản thân ông ta đứng trong bóng tối giật dây. Chính điều này đã làm nảy sinh một cuộc nổi loạn trong nội bộ công ty FSG, và kết quả là tập thể Hội đồng quản trị công ty FSG đã nhất trí tước hầu hết quyền hạn và trách nhiệm của Prince tại công ty FSG.

Phi vụ làm ăn ở Libya

Các nhà điều tra cho rằng, chưa biết chừng những hoạt động trong bóng tối của Prince đã có từ trước khi công ty FSG ra đời. Một minh chứng cho nhận định này là mối liên hệ làm ăn của Prince với một số quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi đã có từ trước khi công ty FSG ra đời khá lâu.

Chẳng hạn, sau khi buộc phải bán công ty cũ Blackwater, Prince đã đến Bắc Phi và đề nghị cung cấp dịch vụ bán quân sự với các quan chức chính quyền Libya vào năm 2013, trước khi thành lập công ty FSG.

Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir là một khách hàng thân thiết của Erik Prince.
Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir là một khách hàng thân thiết của Erik Prince.

Gói chào hàng mang mật danh Chiến dịch Lima cung cấp cho chính quyền Libya một loạt trang thiết bị quân sự và dịch vụ kỹ thuật bao gồm chiến xa, máy bay trực thăng, thuyền máy và máy bay do thám nhằm giúp nước này "bình định" Đông Libya. Riêng lực lượng bộ binh sẽ bao gồm một đội quân cựu biệt kích Australia.

Tuy nhiên, Prince đã không thể kiểm soát được tình hình bất ổn tại Libya, không thể điều khiển được nhiều phe phái phiến quân khác nhau để tìm kiếm một đối tác đáng tin cậy, do đó đã không thể bán được gói chào hàng tại Libya.

Đến tháng 5-2015, Prince lúc này là Chủ tịch công ty FSG, thay đổi thân phận làm ăn bằng danh chính ngôn thuận đàng hoàng. Prince quay trở lại Libya để chào hàng gói đề xuất mới. Prince đã bày vẽ ra một kế hoạch nhằm thuyết phục các chính quyền ở châu Âu chịu ủng hộ phi vụ làm ăn của ông ta. Ông ta thay đổi giải pháp dịch vụ. Thay vì trực tiếp tham gia giải quyết tình hình lộn xộn phức tạp bên trong Libya, đội quân của Prince sẽ chỉ làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh dọc biên giới quốc gia Libya.

Lợi dụng tâm lý lo sợ dân châu Phi di cư tràn vào châu Âu qua ngả Bắc Phi (chủ yếu là Libya), Prince lu loa lên rằng, mục đích của việc ông ta làm là giúp ngăn chặn làn sóng người di cư vào châu Âu qua ngả Libya. Prince còn huênh hoang với một đồng nghiệp rằng ông ta đã nhận được sự đồng ý bước đầu của một quan chức cao cấp trong chính quyền Libya, chỉ cần châu Âu ủng hộ bằng cách nới lỏng kiểm soát tiền và vũ khí ra vào Libya. Prince tin rằng mình có thể "mua" được sự đồng thuận chính trị của châu Âu.

Vì thế, Prince sắp xếp một cuộc gặp ở Đức để thuyết minh kế hoạch "bảo đảm an ninh biên giới Libya" của mình trước các quan chức châu Âu. Ông ta tìm cách "dụ dỗ" chính quyền Italy tham gia Chiến dịch Lima của ông ta. Tuy nhiên, khi đến Italy, Prince chỉ nhận được sự đón tiếp với thái độ hết sức thờ ơ.

Trong đề xuất với các quốc gia châu Âu, Prince cho rằng, chi phí để thực hiện kế hoạch do ông ta cung cấp có thể chia sẻ giữa EU với chính quyền Libya, lấy từ nguồn tài sản của Libya bị đóng băng trong các ngân hàng ở châu Âu. Tuy nhiên, EU đã không chịu hỗ trợ giải ngân nguồn tài sản bị phong tỏa của Libya. Vì thế Prince xoay xở tìm cách khác để tìm nguồn chi trả cho lực lượng an ninh biên giới của mình.

Trở thành mục tiêu của tình báo

Đến giai đoạn này thì chính phủ Mỹ đã bắt đầu điều tra Prince vì những phi vụ buôn bán vũ khí của ông ta ở châu Phi. Các cơ quan tình báo Mỹ được giao nhiệm vụ theo dõi sát từng bước đi của Prince, can thiệp nghe lén các giao dịch viễn thông của ông ta và phát hiện những dấu hiệu cho thấy ông ta đang tìm cách mở tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc để hỗ trợ hoạt động của các công ty ở Libya.

Máy bay trực thăng Little Bird trang bị cho lực lượng an ninh biên giới của Prince.
Máy bay trực thăng Little Bird trang bị cho lực lượng an ninh biên giới của Prince.

Chẳng mấy chốc, các cơ quan tình báo theo dõi Prince phát hiện ra ông ta đã đến Macau (Trung Quốc) để mở tài khoản. Đầu tiên Prince cố gắng mở một tài khoản tại một ngân hàng ở châu Âu chi nhánh tại Macau, nhưng rồi bị từ chối sau khi chi nhánh này tham khảo thông tin từ châu Âu.

Sau đó, Prince đến Bắc Kinh tìm gặp các quan chức tình báo. Tháng 1-2016, Prince quay trở lại Macau và mở một tài khoản tại Ngân hàng Trung Hoa. Một cựu quan chức tình báo Mỹ cho rằng, đó không phải là tài khoản cá nhân của ông ta, mà là một việc rửa tiền giúp cho người Libya. Victoria Toensing, luật sư riêng của Prince, khẳng định tài khoản mở thành công tại Ngân hàng Trung Hoa không phải của công ty FSG.

Luật sư Toensing cũng khẳng định Prince quả thực đã tiếp xúc với các quan chức an ninh Trung Quốc. Người giúp Prince thực hiện thành công việc mở tài khoản này là tổng giám đốc của chi nhánh FSG Trung Quốc, vốn là một cựu sĩ quan tình báo Trung Quốc, người được xem là "cánh tay phải" của Prince ở Trung Quốc đại lục, chuyên giúp Prince móc nối quan hệ với các quan chức chính phủ Trung Quốc và "bôi trơn" mọi thương vụ làm ăn tại đây.

Nhiều người từng biết Prince cho rằng, dự án cung cấp dịch vụ an ninh biên giới của Prince không chỉ nhằm ngăn chặn dòng người di cư sang châu Âu mà thực chất là nhằm phục vụ cho tham vọng lớn hơn của ông ta ở Libya. Lực lượng an ninh biên giới chỉ là vỏ bọc che mắt cơ quan Liên Hiệp Quốc và châu Âu để Prince thực hiện hoạt động vận chuyển, buôn bán vũ khí sát thương vào Libya.

Prince muốn xây dựng các căn cứ bán quân sự dọc biên giới Libya để lập các trung tâm tình báo, bãi đáp máy bay trực thăng, máy bay do thám và căn cứ tập trung chiến xa được trang bị vũ khí. "Erik Prince đã lợi dụng cuộc khủng hoảng di dân ở châu Âu để làm lá chắn thực hiện kế hoạch đánh thuê trên mặt đất ở Libya" - một chuyên gia về Libya nhận xét.

Cuộc điều tra của chính phủ Mỹ chủ yếu nhằm làm sáng tỏ nghi vấn Prince có vi phạm các quy định về xuất khẩu vũ khí quốc phòng hay không. Theo luật liên bang Mỹ, công dân Mỹ muốn cung cấp dịch vụ hay công nghệ quân sự cho Libya phải có giấy phép và các dịch vụ hay vũ khí cung cấp cho Libya phải được phê duyệt theo Quy định Buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR). Công ty FSG của Prince không có giấy phép đó.

Một công ty khác cũng do Prince lập ra ở bang Delaware (thiên đường thuế ở Mỹ) là Wescomi LLC có đăng ký dịch vụ môi giới với Bộ Ngoại giao và được phép tiến hành một số giao dịch ở một số quốc gia ngoại trừ Libya. Nếu muốn thực hiện giao dịch tại Libya, công ty Wescomi vẫn phải xin phép và phải được Bộ Ngoại giao đồng ý.

Hiện cuộc điều tra của chính phủ Mỹ vẫn chưa tìm ra được bằng chứng sai phạm nào của Prince trong các giao dịch cung cấp dịch vụ quân sự tư nhân cho nhiều nước trên thế giới, vì hầu hết các công ty ông ta thành lập thời kỳ hậu Blackwater đều đăng ký ở nước ngoài, tại các "thiên đường thuế" mà pháp luật Mỹ không thể đụng đến, và những công ty này được Prince điều hành từ xa để phục vụ các phi vụ bí mật của ông ta.

Chính vì thế, mặc dù các cơ quan tình báo Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ trên thế giới luôn theo dõi sát mọi hành động của Prince, nhưng Prince vẫn ung dung thực hiện mọi giao dịch trong bóng tối, kể cả việc làm "cố vấn không chính thức" cho Tổng thống Donald Trump.

Theo Nguyên Khang (tổng hợp)

An ninh thế giới.