1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đồng minh Nga lo đối đầu với Mỹ ở Trung Á

Kyrgyzstan lo ngại Mỹ kéo rộng ảnh hưởng ở Trung Á bằng đe dọa, hối thúc Nga triển khai thêm quân đội ở sân sau.

Trang Newsweek mới đây dẫn lời Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev cho biết về lo ngại của ông khi bị các quốc gia Trung Á đe dọa vì từ chối cho phép Mỹ đóng quân trên lãnh thổ nước này.

"Khi ấy, hồi năm 2014, một số quốc gia đã thẳng thắn nói với tôi rằng, nếu cần thiết họ sẽ phóng tên lửa vào các máy bay Mỹ, người của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng" - Tổng thống Atambayev nói.


Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev

Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev

Căn cứ quân sự của Mỹ xuất hiện tại sân bay quốc tế Manas ở Bishkek vào năm 2001, bắt nguồn từ ý tưởng chương trình chống khủng bố ở Afghanistan "Tự do Bền vững".

Lực lượng của Lầu Năm Góc ở Manas có nhiệm vụ chuyển tiếp binh lính và hàng hóa. Ngoài ra, các máy bay phục vụ tiếp xăng trên không cho chiến đấu cơ NATO ở Afghanistan cũng xuất phát từ đây. Quân đội Mỹ đã rút khỏi Kyrgyzstan năm 2014.

"Người dân của chúng tôi đang gặp nhiều nguy hiểm từ khi nó (căn cứ quân sự Mỹ- PV) đóng cửa", ông Atambayev cho biết.

Trong khi đó, Kyrgyzstan có một căn cứ không quân Nga trên lãnh thổ của họ - căn cứ Kant - và gần đây Tổng thống Kyrgyzstan đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông sẽ chấp nhận một căn cứ khác nữa trên lãnh thổ quốc gia của mình.

"Tôi sẽ không sợ nếu Nga triển khai căn cứ thứ hai ở Kyrgyzstan trên biên giới Tajikistan" - ông nói thêm. "Nga không sẵn sàng chiếm lãnh thổ của chúng ta. Giữa chúng ta không có nguy cơ gì và chúng tôi sẽ chọn cách này để tự vệ, đương nhiên, Nga sẽ quyết định tính khả thi của họ".

Tổng thống Kyrgyzstan bày tỏ về lo ngại trên khi ông thấy được các mối nguy tiềm tàng từ khi căn cứ quân sự của Mỹ đóng cửa tại đây, cùng sự hờ hững của Nga khi đề cập tới việc triển khai một căn cứ thứ hai trên biên giới giáp Tajikistan và Uzbekistan.

Tình hình thực tế ở Trung Á vốn đã trở nên phức tạp trong vài năm gần đây.

Từ hồi tháng 7/2016, Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Warsaw (Ba Lan) đã đi đến một khẳng định, tiếp tục ủng hộ chính quyền hiện nay tại Afghanistan - quốc gia vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn cho khu vực, là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nhưng lại có sự kết nối quan trọng đối với khu vực Trung Á.

Trong khi đó, chính sách đối ngoại của Mỹ trong không gian hậu Xô Viết đã có sự thay đổi đáng kể.

Tình hình ở Afghanistan sẽ ảnh hưởng cục bộ tới những diễn biến tại khu vực Trung Á bởi các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ có chung đường biên giới khá dài, an ninh lỏng lẻo đối với quốc gia này.

Một cơ chế đối thoại mới mang tên Hội nghị Bộ trưởng cấp cao C5 1 bao gồm 5 quốc gia trong khu vực là Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đã được thiết lập trong chuyến thăm của cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới khu vực này vào tháng 11/2015, cho thấy sự thay đổi về quan điểm của Washington đối với Trung Á.

Với sự trợ giúp của Moscow, Mỹ đã được Kyrgyzstan và Uzbekistan cho phép sử dụng các căn cứ và sân bay quân sự của họ cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở Afghanistan.

Tuy nhiên vào thời điểm hiện nay, Mỹ đang phải xem xét lại toàn bộ chính sách của mình trong không gian hậu Xô Viết bởi Washington sẽ phải tìm cách tiếp cận trực tiếp với các nước trong khu vực.


 Quân đội Mỹ từng được triển khai tại căn cứ ở Kyrgyzstan.

Quân đội Mỹ từng được triển khai tại căn cứ ở Kyrgyzstan.

Mỹ đã có kế hoạch sử dụng viện trợ hoặc bán các thiết bị quân sự hiện đang được sử dụng tại Afghanistan với mức giá ưu đãi cho các nước Trung Á thay vì vận chuyển nó về Mỹ với chi phí rất cao.

Một khi kế hoạch trên của Washington trở thành hiện thực, Mỹ sẽ thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với một số quốc gia Trung Á và dễ dàng xâm nhập vào nơi được coi là “sân sau”của Nga.

Giới quan sát cho rằng, chính sách mới của Mỹ tại Trung Á là nhằm mục tiêu làm giảm ảnh hưởng của Nga tại khu vực này. Với họ, việc yêu cầu các nước Trung Á lựa chọn “đứng về phía Nga hay phương Tây” sẽ tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định tại khu vực.

Theo Huy Vũ

Báo Đất việt