1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc chiến chống tham nhũng đầy thách thức của Tổng thống Hàn Quốc

(Dân trí) - Đương kim Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong cuộc chiến chống tham nhũng sau khi nhà lãnh đạo thứ 5 của nước này vừa đối mặt với các cáo buộc sai phạm trong thời gian cầm quyền.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Ảnh: Korea Times)
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (Ảnh: Korea Times)

Đối với những vị khách du lịch tới Hàn Quốc, họ có thể ấn tượng đây là quốc gia trung thực nhất thế giới. Một chiếc ví nếu không may bị bỏ quên trên bàn tại một nhà hàng nào đó thì vẫn ở nguyên vị trí đó, và sẽ không có ai chạm vào bên trong dù chiếc ví bị để quên hàng giờ sau khi mất. Tuy vậy, sự trung thực này dường như không được lan rộng sang lĩnh vực chính trị và kinh doanh khi những vụ bê bối tham nhũng liên tiếp bị lật tẩy và được xem là chuyện phổ biến tại Hàn Quốc, theo SCMP.

Tham nhũng đã bị đẩy lên cấp cao nhất khi những vụ bê bối liên tiếp “phủ bóng” Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, hay còn gọi là Nhà Xanh, ở thủ đô Seoul. Vụ bắt giữ cựu Tổng thống Lee Myung-bak gần đây đã đưa ông trở thành cựu tổng thống Hàn Quốc thứ 5 vướng vào vòng lao lý với các cáo buộc về hàng loạt sai phạm trong nhiệm kỳ công tác. Vụ bắt giữ này đồng nghĩa với việc tất cả các cựu tổng thống còn sống của Hàn Quốc đều từng bị điều tra, kết án hoặc buộc tội vì các cáo buộc pháp lý.

Kể từ khi lên nắm quyền, đương kim Tổng thống Moon Jae-in đã xem chống tham nhũng là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, “căn bệnh” cố hữu này của chính trường Hàn Quốc chỉ có thể được giải quyết triệt để nếu cả xã hội đồng lòng ủng hộ sự thay đổi.

Chiến dịch chống tham nhũng của Tổng thống Moon nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng. Người Hàn Quốc từ lâu vẫn hy vọng có thể chấm dứt vấn nạn tham nhũng cũng như chủ nghĩa thân hữu vốn làm xói mòn hệ thống chính trị của nước này. Người dân cũng ủng hộ cam kết của Tổng thống Moon về việc giải thể các chaebol - những tập đoàn gia đình khổng lồ với sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên nền kinh tế cũng như xã hội Hàn Quốc.

Quy mô của vụ bê bối tham nhũng khiến cựu Tổng thống Park Geun-hye, nhà lãnh đạo tiền nhiệm của Tổng thống Moon Jae-in, và các quan chức cấp cao Hàn Quốc “ngã ngựa” khiến công chúng cảm thấy bất ngờ. Sự bất ngờ này tiếp tục lan sang vụ việc của cựu Tổng thống Lee Myung-bak khi ông Lee phải đối mặt với hơn 12 cáo buộc, bao gồm lạm dụng quyền lực, trốn thuế và nhận hối lộ.

Mặc dù những nỗ lực của Tổng thống Moon là cần thiết để đảm bảo một đất nước Hàn Quốc trong sạch và minh bạch cũng như duy trì một nền kinh tế ổn định, song ông chủ Nhà Xanh dường như không nhận được nhiều sự ủng hộ từ giới chính trị. Nhiều chính trị gia đối lập cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng thống Moon xuất phát từ mục đích cá nhân.

Mối quan hệ chính trị - kinh tế

Đêm đầu tiên trong nhà giam của cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak

Từ trên xuống dưới và từ trái qua phải: Các cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak (2008-2013), Park Geun Hye (2013-2017), Chun Doo Hwan (1980-1988), Roh Tae Woo (1988-1993), Roh Moo Hyun (2003-2008). (Ảnh: EPA-EFE)
Từ trên xuống dưới và từ trái qua phải: Các cựu Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak (2008-2013), Park Geun Hye (2013-2017), Chun Doo Hwan (1980-1988), Roh Tae Woo (1988-1993), Roh Moo Hyun (2003-2008). (Ảnh: EPA-EFE)

Việc tách rời mối quan hệ giữa chính trị với các tổ chức kinh tế lớn không phải là vấn đề đơn giản khi sự thành công của nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc vào các tập đoàn khổng lồ - những doanh nghiệp tạo hàng loạt công ăn việc làm cho người dân để đổi lấy các hợp đồng của chính phủ. Ngoài ra, việc đề cao sự trung thành hơn tất cả các yếu tố khác đã trở thành tâm lý “thâm căn cố đế” tại Hàn Quốc. Tâm lý này dẫn đến tình trạng các quan chức cấp cao của chính phủ và lãnh đạo các công ty tại Hàn Quốc đều có “vây cánh” xung quanh là người thân họ hàng, bạn bè và bạn học hơn là bổ nhiệm dựa theo năng lực.

Gần đây nhất, cựu Tổng thống Park Geun Hye bị phế truất năm 2017 sau vụ bê bối tham nhũng liên quan tới người bạn thân lâu năm Choi Soon Sil. Bà Park và bà Choi bị cáo buộc nhận hối lộ 59,2 tỷ won (hơn 55 triệu USD) từ 3 tập đoàn gồm Samsung, Lotte và SK. Bà Park bị cho là đã cấu kết với bạn thân để gây sức ép, buộc các tập đoàn lớn tài trợ hơn 77 tỷ won cho hai tổ chức phi lợi nhuận do Choi lập ra. Cựu lãnh đạo Hàn Quốc cũng bị cáo buộc để bà Choi, một người không có chức vụ trong chính phủ và cũng không được phép tiếp cận các thông tin mật, được tham gia vào công việc quốc gia, bao gồm việc bổ nhiệm nội các và hoạch định chính sách.

Sau bà Park Geun-hye, cựu Tổng thống Lee Myung-bak, người giữ nhiệm kỳ từ năm 2008 đến năm 2013, cũng bị cáo buộc tham ô và sử dụng sai mục đích hơn 32 triệu USD. Ngoài ra, ông Lee cũng bị nghi ngờ chiếm đoạt trái phép các khoản quỹ được cấp cho một cơ quan chính phủ và nhận các khoản tiền bất hợp pháp từ các công ty tư nhân, bao gồm tập đoàn Samsung. Trước đó, các cựu Tổng thống Chun Doo Hwan, Roh Tae Woo, Roh Moo Hyun cũng đều vướng vào các cáo buộc nhận hối lộ và bị bắt giữ hoặc tống giam. Thậm chí cố Tổng thống Roh Moo Hyun còn tìm đến cái chết chỉ 3 tuần sau cuộc thẩm vấn của các công tố viên.

Những cáo buộc nhằm vào cựu Tổng thống Lee Myung-bak được cho là đã hàm chứa tất cả các “căn bệnh” đang ảnh hưởng tới đất nước Hàn Quốc. Trong khi đó, Tổng thống Moon Jae-in phải đối mặt với nhiều rào cản khổng lồ khi tìm cách vượt qua những thông lệ và văn hóa tồn tại suốt hàng chục năm qua tại quốc gia Đông Bắc Á này.

Thành Đạt

Theo SCMP