1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyện gặp cấp cao của tổng thống Mỹ xưa nay

Mới đây, ở Singapore đã diễn ra cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Đây là cuộc thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên.

Trong thế giới ngoại giao, các cuộc gặp cấp cao này được phân loại rất rõ ràng và cụ thể. Giữa các nước có quan hệ ngoại giao với nhau thì chuyện gặp cấp cao song phương vốn đơn giản và thường được tiến hành ở nước này hay nước kia, chỉ trong những trường hợp rất đặc biệt thì mới diễn ra ở nước thứ ba.

Cấp cao song phương diễn ra ở nước thứ ba đối với các nước có quan hệ ngoại giao chính thức với nhau là những trường hợp bên này hay bên kia không mời nhau sang thăm chính thức, không muốn sang nước kia để tránh bị coi là "hạ cố".

Đối với những nước chưa có quan hệ ngoại giao chính thức thì các cuộc cấp cao song phương thường diễn ra ở nước thứ ba. Như vừa rồi giữa Mỹ và Triều Tiên vì hai nước này chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với nhau.


Năm 1919, Woodrow Wilson (người ngồi) là tổng thống Mỹ đầu tiên có cuộc thượng đỉnh giữa Mỹ với các bên khác ở châu Âu và không thu được kết quả gì.

Năm 1919, Woodrow Wilson (người ngồi) là tổng thống Mỹ đầu tiên có cuộc thượng đỉnh giữa Mỹ với các bên khác ở châu Âu và không thu được kết quả gì.

Điểm lại lịch sử các cuộc thượng đỉnh xưa nay qua những thời tổng thống Mỹ sẽ thấy không phải cuộc nào cũng thành công.

Năm 1919, Woodrow Wilson là tổng thống Mỹ đầu tiên tiến hành cuộc thượng đỉnh giữa Mỹ với các bên khác ở châu Âu trong khuôn khổ Hội nghị Verseilles. Ông Wilson lưu lại tận nửa năm ở châu Âu. Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, các bên thắng trận phân chia chiến lợi phẩm và cùng nhau gây dựng trật tự thế giới theo ý tưởng và lợi ích của họ.

Bên thua trận phải bồi thường chiến tranh. Ông Wilson không thực hiện được ý tưởng của mình về "Hoà bình chung cho cả thế giới trong khuôn khổ Liên đoàn các quốc gia". Hội nghị kết thúc. Mấy năm sau, phe quốc xã và phát xít lên nắm quyền ở nước Đức.

Tháng 2/1945, tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đến Yalta để tiến hành cuộc thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin và thủ tướng Anh Wiston Churchill, mấy tháng trước khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai.

Ông Roosevelt khi ấy đã rất yếu về sức khoẻ và chỉ còn sống thêm được mấy tháng nữa. Kết quả hội nghị này là vẽ lại bản đồ châu Âu. Sau đó là chiến tranh lạnh trên khắp cả thế giới chứ không chỉ ở châu Âu.


 Tháng 2/1945, tổng thống Mỹ Roosevelt (giữa) đến Yalta họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin (phải) và thủ tướng Anh Wiston Churchill (trái)

Tháng 2/1945, tổng thống Mỹ Roosevelt (giữa) đến Yalta họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin (phải) và thủ tướng Anh Wiston Churchill (trái)

Đầu tháng 6/1961, tổng thống Mỹ John F. Kennedy, vừa lên cầm quyền được có mấy tháng và sau thất bại với cuộc đổ bộ vào Vịnh Con lợn ở Cuba, có cuộc gặp nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Chrutshow ở thủ đô Viên của nước Áo.

Cuộc thượng đỉnh này diễn ra không được thuận buồm xuôi gió, không đạt được kết quả gì. Hai tháng sau, phía CHDC Đức xây dựng bức tường ở Berlin và một năm sau xảy ra vụ việc được coi là cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba.

Năm 1972, tổng thống Mỹ Richard Nixon là tổng thống Mỹ đầu tiên tới Trung Quốc. Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Việc này được coi là có tác động làm thay đổi cả cục diện tình hình chính trị an ninh thế giới. Sau 46 năm, Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất của Mỹ về nhiều phương diện trên thế giới.

Năm 1978, tổng thống Mỹ Jimmy Carter làm trung gian cho cuộc thượng đỉnh giữa tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và thủ tướng Israel Menachem Begin ở Trại David (Mỹ). Kết quả cuộc thượng đỉnh này là hoà giải và hoà bình giữa Ai cập và Israel. Tuy nhiên, hoà bình cho cả khu vực Trung Đông đến tận ngày nay vẫn không có được.

Reykjavik, thủ đô của Iceland, năm 1986. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Michail Gorbatschow gặp nhau để bàn về giải trừ vũ khí hạt nhân. Sang đến ngày thứ hai, cuộc thượng đỉnh thất bại vì Reagan kiên quyết không nhượng bộ Gorbatschow về huỷ bỏ chương trình vũ trang "Sáng kiến phòng thủ chiến lược " (SDI), còn được gọi là Chiến tranh giữa các vì sao. Mãi một năm sau đó, hai bên mới đạt được thoả thuận về huỷ bỏ tất cả tên lửa hạt nhân tầm trung.


 Năm 1978, tổng thống Mỹ Jimmy Carter làm trung gian cho cuộc thượng đỉnh giữa tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và thủ tướng Israel Menachem Begin

Năm 1978, tổng thống Mỹ Jimmy Carter làm trung gian cho cuộc thượng đỉnh giữa tổng thống Ai Cập Anwar Sadat và thủ tướng Israel Menachem Begin

Năm 2001, tổng thống Mỹ George W. Bush và tổng thống Nga Vladimir Putin gặp nhau ở lâu đài Brdo (Slovenia). Ông Bush tỏ ra hiểu và tin cậy ông Putin hơn. Giữa Mỹ và Nga tưởng có được cơ hội phát triển quan hệ hợp tác tốt đẹp và tin cậy. Nhưng rồi Mỹ và Nga bất đồng quan điểm và xung khắc lợi ích về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Iraq năm 2003, về chuyện xảy ra ở Ucraine năm 2004 và về cuộc chiến tranh giữa Grudia với Nga năm 2008.

Qua những ví dụ trên có thể thấy tiến hành được cuộc gặp cấp cao đã là chuyện lớn, nhưng sau đó như thế nào còn quan trọng và đáng kể hơn.

Theo Thiên Nhai

Pháp luật Việt Nam