1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyến đi giữa lúc căng thẳng của ông chủ Lầu Năm Góc tới Trung Quốc

(Dân trí) - Chuyến đi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tới Trung Quốc vào tuần tới diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang ở trong trạng thái căng thẳng liên quan tới vấn đề Đài Loan và tình hình Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore. (Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore. (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis ngày 20/6 thông báo ông sẽ có chuyến đi tới Bắc Kinh vào tuần tới trước khi đến Hàn Quốc. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Trung tá Christopher Logan, đã xác nhận thông tin này và sẽ sớm công bố thông tin chi tiết.

Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Mattis tới Trung Quốc trên cương vị lãnh đạo Bộ Quốc Phòng và là chuyến đi thứ hai tới châu Á trong tháng này. Trước đó, Bộ trưởng Mattis từng dừng chân tại Singapore hồi đầu tháng để dự Đối thoại Shangri-La - một diễn đàn an ninh với sự tham gia của bộ trưởng quốc phòng các nước được tổ chức thường niên tại Singapore.

Theo SCMP, chuyến đi của Bộ trưởng Mattis diễn ra trong bối cảnh quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đang xấu đi nhanh chóng trong những tháng gần đây liên quan tới vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Giới phân tích cho rằng cả hai nước cần nhận thức được sự cần thiết của việc tăng cường đối thoại nhằm giữ cho tình hình không vượt tầm kiểm soát.

Vấn đề Biển Đông

Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ dẫn đầu nhóm tàu quốc tế tham gia tập trận hải quân RIMPAC năm 2010 (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ dẫn đầu nhóm tàu quốc tế tham gia tập trận hải quân RIMPAC năm 2010 (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Mỹ gần đây tuyên bố sẽ tiếp tục thách thức hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc tại các thực thể tranh chấp trên Biển Đông, đồng thời nâng cao năng lực phòng vệ cho Đài Loan trong khi Bắc Kinh đang tăng cường các cuộc tập trận quân sự xung quanh hòn đảo này.

Theo ông Pang Zhongying, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Tôn Dật Tiên ở Quảng Châu, Trung Quốc, nếu căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, nó có thể dẫn tới một cuộc xung đột giữa lực lượng hải quân hai nước.

“Đây là thời khắc quan trọng để xử lý mối quan hệ ngày càng xấu đi. Vì vậy chúng ta cần chờ xem ông Mattis sẽ gặp ai (tại Trung Quốc), người đồng cấp với ông hay là một nhân vật cấp cao hơn”, Giáo sư Pang nói.

Tại Trung Quốc, giới phân tích cho rằng Bộ trưởng Mattis cần tiến hành các cuộc hội đàm chân thành với các quan chức của nước sở tại về mối liên kết quân sự giữa hai bên. Mối quan hệ này ngày càng căng thẳng từ sau khi Mỹ quyết định không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Ven Thái Bình Dương (RIMPAC) - cuộc tập trận hải quân đa phương lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Mattis cũng từng công khai chỉ trích các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông tại Diễn đàn Shangri-La hồi đầu tháng. Ông lên án việc Bắc Kinh “triển khai các tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không, hệ thống gây nhiễu điện từ và đưa máy bay ném bom” tới Biển Đông, gọi đây là các hành động “với mục đích đe dọa và cưỡng bức”. Bộ trưởng Mattis thậm chí tuyên bố Mỹ sẽ “đấu tranh mạnh mẽ” với các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông nếu cần thiết.

Ngay sau đó, Không quân Mỹ triển khai 2 máy bay ném bom B-52 tới bãi cạn Scarborough - khu vực tranh chấp với Philippines hiện do Bắc Kinh kiểm soát. Hồi tháng 4, Hải quân Mỹ cũng tiến hành các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải gần các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông.

Vấn đề Đài Loan

Viện Mỹ tại Đài Loan vừa mới được khai trương (Ảnh: Reuters)
Viện Mỹ tại Đài Loan vừa mới được khai trương (Ảnh: Reuters)

Ngoài Biển Đông, Đài Loan cũng là vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ Trung - Mỹ gần đây. Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho năm 2019 mới được Thượng viện Mỹ thông qua gần đây đã cho phép các lực lượng Mỹ tham gia cuộc tập trận thường niên quan trọng nhất của Đài Loan.

Lầu Năm Góc được cho là đang cân nhắc triển khai tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan và tăng cường các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan sau khi Không quân Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận xung quanh hòn đảo này với sự tham gia của máy bay ném bom chiến lược H-6K của Bắc Kinh. Hồi đầu tháng, Viện Mỹ tại Đài Loan, nơi được coi như đại sứ quán trên thực tế của Mỹ tại hòn đảo này, đã được khai trương bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.

Bộ trưởng Mattis khẳng định cam kết của Mỹ đối với Đài Loan, nói rằng Washington sẽ hỗ trợ cho hòn đảo này để có thể duy trì khả năng phòng vệ. Trong khi đó, Trung Quốc luôn coi Đài Loan như một vùng lãnh thổ không thể tách rời và từng nhiều lần phản đối mối quan hệ gần gũi giữa Đài Loan và Washington.

Chuyên gia phân tích quân sự Yue Gang nhận định việc duy trì mối liên lạc và trao đổi cấp bộ trưởng giữa Mỹ và Trung Quốc là điều cần thiết. Ngoài ra, việc đảm bảo dòng chảy thông tin đầy đủ giữa hai bên cũng rất quan trọng trong bối cảnh quan hệ song phương đang ở trong trạng thái căng thẳng.

“Việc coi Trung Quốc như một đối thủ chiến lược là chính sách đã được chính quyền Trump xác nhận và sẽ không thay đổi. Việc trao đổi thông tin là cần thiết để ngăn chặn tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát”, Yue Gang, đại tá về hưu của quân đội Trung Quốc, nhận định.

Theo Diplomat, mặc dù cạnh tranh là yếu tố không thể tránh khỏi trong quan hệ Trung - Mỹ hiện nay, song Bộ trưởng Mattis chắc chắn sẽ tìm kiếm sự tập trung vào các lĩnh vực hợp tác với Bắc Kinh. Mỹ và Trung Quốc vẫn có những giao kết quân sự song phương và sự trao đổi giữa hai bên chắc chắc sẽ còn tiếp diễn.

Thành Đạt

Tổng hợp