1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chính trị gia Ba Lan nghi CIA đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga

(Dân trí) - Hãng tin Sputnik dẫn lời Chủ tịch đảng Tự do (Wolność) Ba Lan Janusz Korwin-Mikke nhận định Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) có thể đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga tại Anh hồi tháng trước.

Trụ sở của CIA tại Mỹ (Ảnh: Reuters)
Trụ sở của CIA tại Mỹ (Ảnh: Reuters)

Vụ tấn công nhằm vào cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal và con gái Yulia tại thành phố Salisbury, Anh hôm 4/3 tiếp tục tạo thành những cơn chấn động trong dư luận quốc tế. Chính phủ Anh cáo buộc Moscow đứng sau vụ việc này và sử dụng chất độc thần kinh được sản xuất từ thời Liên Xô để hạ độc cha con ông Skripal. Đồng tình với Anh, một số quốc gia phương Tây cũng công bố lệnh trục xuất hàng loạt nhà ngoại giao Nga để trả đũa Moscow.

Phản ứng trước “trào lưu” trục xuất tập thể các nhà ngoại giao Nga, Bộ Ngoại giao Nga cho biết “các đồng minh của Anh đã theo đuôi mù quáng vì nguyên tắc đoàn kết châu Âu - Đại Tây Dương, phớt lờ các chuẩn mực chung, các nguyên tắc đối thoại văn minh giữa các quốc gia cũng như quy định của luật pháp quốc tế”.

Hãng tin Sputnik đã có cuộc phỏng vấn với Chủ tịch đảng Tự do (Wolność) Ba Lan Janusz Korwin-Mikke để làm rõ các câu hỏi liên quan tới vụ cựu điệp viên Nga nghi bị đầu độc ở Anh.

Sputnik: Thưa ông, vụ việc này (trục xuất các nhà ngoại giao) có tuân thủ luật pháp quốc tế không? Ý kiến của ông như thế nào?

Janusz Korwin-Mikke: Đầu tiên, không có luật pháp quốc tế quy định về việc này. Thứ hai, các nước cần đưa ra bằng chứng trước khi buộc tội ai đó. Tôi hoàn toàn đồng ý với (Tổng thống Nga) Vladimir Putin rằng, hoặc phải cung cấp bằng chứng, nếu không phải xin lỗi. Cáo buộc cho rằng (Nga) sử dụng vũ khí hóa học chỉ có thể là màn kịch hài hước.

Điều này rất nực cười. Nếu tôi đưa cho bạn một liều thuốc và bạn bị ngộ độc, liệu điều đó có được coi là sử dụng vũ khí hóa học không? Trong hoạt động điều tra có một khái niệm “is fecit, cui prodest” (nghĩa là kẻ tấn công được hưởng lợi từ việc tấn công).

Theo quan điểm của tôi, vụ việc này có thể do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thực hiện. Chính CIA đã đưa ra những dữ liệu sai lệch về các loại vũ khí của Iraq (để lấy cớ xung đột) và những vụ việc tương tự như vậy. Cũng chính CIA là tổ chức quan tâm tới việc hướng người Mỹ và dư luận thế giới theo chiều hướng chống lại Nga.

Hiện có những nhóm quyền lực và có tầm ảnh hưởng tại Mỹ đang đẩy mạnh cuộc chiến với Nga và Trung Quốc. Những nhóm này đang nỗ lực hết sức để cuộc chiến này có thể xảy ra.

Rất có thể CIA đã thực hiện vụ việc này (vụ cựu điệp viên Skripal). Tôi dám đặt cược với tỷ lệ 1/5 cho khả năng này vì Nga không hề có lợi ích gì khi hạ độc ông Skripal. CIA đang sử dụng đúng cách thức mà nước này từng áp dụng trong vụ cựu điệp viên Litvinenko trước đây để đổ lỗi cho Nga. Tôi không tin Nga đứng sau vụ hạ độc ông Sergei Skripal. Nga chắc chắn không muốn chuyện này xảy ra trước thềm World Cup (khi Nga đăng cai vào mùa hè năm nay).

Cựu điệp viên Sergei Skripal (Ảnh: Getty)
Cựu điệp viên Sergei Skripal (Ảnh: Getty)

Sputnik: Thật vô lý khi cáo buộc Nga thực hiện vụ tấn công này vì tất cả mọi thứ đều chứng minh điều ngược lại.

Janusz Korwin-Mikke: Đúng vậy. Đồng nghiệp Michalkiewicz của tôi nói rằng người Nga là những “cao thủ chơi cờ” và họ chắc chắn sẽ không làm điều ngớ ngẩn như vậy. Tôi không tin một chút nào.

Sputnik: Ba Lan cũng vừa trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Konrad Szymański nhất trí rằng Ba Lan đã thực hiện bổn phận của mình khi ủng hộ các động thái (trục xuất) chưa từng có nhằm vào Nga. Cùng lúc, Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz thông báo trước Quốc hội rằng Ba Lan vẫn mong muốn đối thoại với Nga. Liệu cách tiếp cận này của chính quyền Ba Lan có thực tế không?

Janusz Korwin-Mikke: Tôi là một chính trị gia không có thành kiến với Nga. Tôi nghĩ Nga là đồng minh tự nhiên, chứ không phải kẻ thù, của Ba Lan.

Chỉ vì sức ép của Mỹ mà chúng tôi buộc phải chống lại Nga. Đối với tôi, tôi không chống lại Nga. Nhưng chính quyền Ba Lan hiện tại chịu sự chi phối của Mỹ nên hoàn toàn theo đuổi lập trường chống Nga dù điều đó đi ngược lại với lợi ích quốc gia.

Ít nhất 29 quốc gia đã công bố quyết định trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga liên quan tới vụ cựu điệp viên Skripal và con gái nghi bị đầu độc tại Anh, trong đó Mỹ trục xuất 60 người. Đây là một trong những vụ trục xuất nhà ngoại giao lớn nhất từ sau Chiến tranh Lạnh và thể hiện rõ sự đối đầu căng thẳng giữa Nga với phương Tây.

Nga cho đến nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc từ Anh và các nước phương Tây, thậm chí Moscow “tố ngược” London đứng sau vụ tấn công cha con cựu điệp viên. Nga cũng đã gửi bản danh sách gồm hàng loạt câu hỏi tới Bộ Ngoại giao Anh, Pháp và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học để yêu cầu làm rõ các thông tin liên quan tới vụ việc.

Sergei Skripal, 66 tuổi, từng phục vụ trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU), bị bắt vào năm 2004 và kết án 13 năm tù vì tội hoạt động gián điệp cho Anh. Ông Skripal sau đó được phóng thích và được phép tị nạn ở Anh sau cuộc trao đổi gián điệp lớn nhất trong lịch sử giữa Nga và Mỹ vào năm 2010. Ông Skripal và con gái Yulia bị phát hiện trong trạng thái bất tỉnh trên băng ghế ở bên ngoài trung tâm mua sắm tại thành phố Salisbury hôm 4/3. Hiện Yulia đã hồi phục và có thể ăn uống, nói chuyện trong khi cha cô vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.

Thành Đạt

Theo Sputnik