1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Chạy đua vũ trang ở châu Á: Không còn đường lùi

Việc Bắc Kinh tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài về vấn đề Biển Đông đã gây ra một cú hích mới đối với cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á. Theo tác giả Ryosuke Hanafusa đăng trên Báo Nikkei, bất đồng về tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng càng khiến cho cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á leo thang.

Triển lãm hàng không Farnborough

Nhật Bản vốn đang có bất đồng với Trung Quốc tại khu vực biển Hoa Đông, đã có một động thái mới để nâng cấp kho vũ khí của mình tại Triển lãm Quốc tế Farnborough tổ chức ở Anh giữa tháng 7-2016.

Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản đang tìm kiếm một loại máy bay để thay thế phi đội máy bay F-2 lạc hậu của mình dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào khoảng năm 2030. Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries đang phát triển một loại máy bay tàng hình nội địa, đã có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên hồi tháng 8-2015. Tuy nhiên, dự án này tiêu tốn khoản kinh phí khổng lồ và Nhật Bản vẫn tụt hậu so với Mỹ trong lĩnh vực radar và các công nghệ tinh vi khác cần thiết cho một cuộc chiến tranh điện tử hiện đại. Vì vậy, tại triển lãm hàng không ở Anh, Chính phủ Nhật Bản và Mitshubishi đã có những cuộc đàm phán với Boeing.

Kế hoạch phát triển chung với Tập đoàn Boeing của Mỹ nếu thành sự thực sẽ tăng đáng kể cơ hội thành công của dự án chế tạo máy bay tàng hình của Nhật Bản.

Do Boeing sẽ chuyển giao công nghệ Mỹ cho một số nước, chính phủ nước này sẽ bật đèn xanh cấp phép cho hoạt động nói trên. Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh và marketing quốc tế về quốc phòng, vũ trụ và an ninh của Boeing, Jeffrey Kohler cho biết, ông đã đề nghị Nhật Bản bắt đầu tiến trình đàm phán giữa hai chính phủ về vấn đề chuyển giao các công nghệ cần thiết trong thời gian sớm nhất.

Trả lời phỏng vấn của Báo Nikkei tại Farnborough, ông Jeffrey Kohler nói rằng: “Theo hiểu biết của tôi thì Nhật Bản đã bắt đầu tiến trình đối thoại cấp thấp với Mỹ”.

Triển lãm hàng không Farnborough
Triển lãm hàng không Farnborough

Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản dự kiến mua khoảng 100 máy bay chiến đấu mới để thay thế đội máy bay F-2. Nhật Bản có thể sớm đưa ra quyết định sẽ mua loại máy bay nào trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4-2018. Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ cũng có phần lợi ích trong việc tham gia thay thế đội máy bay cũ F-2. Tập đoàn này đã liên doanh để phát triển F-2, vốn được phát triển từ máy bay F-16 của Lockheed Martin.

Nhật Bản hiện cũng có một thỏa thuận với Lockheed Martin mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Lockheed Martin, để thay thế cho đội máy bay F-4 già cỗi của Lực lượng phòng vệ trên không.

Một trong những ưu tiên của Nhật Bản là tăng cường khả năng bảo vệ các đảo biệt lập như quần đảo Senkaku ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Điều này giải thích vì sao Nhật Bản quyết định mua máy bay trực thăng vận tải Osprey vì loại máy bay này có thể cất cánh như trực thăng và bay như máy bay cánh, cho phép điều động binh lính một cách nhanh nhất.

Đồng thời Nhật Bản cũng mua xe quân sự đổ bộ và hối thúc Mitshubishi Heavy giới thiệu máy bay trực thăng tuần tra đời mới SH-60 với tính năng vượt trội trong việc phát hiện và tấn công tàu ngầm. Trong năm tài chính hiện nay tính đến tháng 3-2017, chi phí quốc phòng của Nhật Bản lần đầu tiên vượt qua mức 5 nghìn tỉ yên (47 tỉ USD).

Từ Aquino tới Duterte

Chính phủ Philippines ghi điểm với chiến thắng quyết định khi phán quyết của Tòa Trọng tài nói rằng, không có cơ sở pháp lý cho các yêu sách của Bắc Kinh về chủ quyền tại phần lớn Biển Đông, cũng đang tích cực tăng cường khả năng quân sự của mình.

Quốc gia này đã mua 12 máy bay chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc với kinh phí lên tới 18,9 tỉ peso (400 triệu USD) hồi năm 2014 và đang từng bước triển khai tại Căn cứ Không quân Clark, phía bắc thủ đô Manila.

Sau khi Mỹ rút quân khỏi Philippines năm 1992, lĩnh vực quốc phòng trở nên bị xem nhẹ trước những cuộc khủng hoảng chính trị và tình trạng kinh tế trì trệ của quốc gia Đông Nam Á này. Cách đây khoảng một thập niên, quân đội Philippines đã cho dừng hoạt động đội máy bay F-5 của mình, khiến cho quốc gia này không còn một máy bay chiến đấu nào. Khi Trung Quốc bắn tín hiệu vào năm 2013 rằng, quốc gia này sẽ thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông, nó càng làm nổi rõ thực tế về năng lực yếu kém của Philippines trong lĩnh vực phòng không.

Cựu Tổng thống Benigno Aquino, người vừa hoàn thành nhiệm kỳ 6 năm của mình, đã khởi động chương trình 75 tỉ pesos để hiện đại hóa quân đội trong vòng 5 năm. Chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Rodrigo Duterte, nhậm chức cuối tháng 6-2016, tiếp tục duy trì chương trình này.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết, chính phủ có kế hoạch tiếp tục những gì mà bộ trưởng quốc phòng tiền nhiệm đã thực hiện trong 6 năm ông đảm nhận cương vị này, vì “điều này là nhằm tăng cường năng lực và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Philippines, tăng thêm tàu và cải thiện năng lực của lực lượng hải quân để chúng tôi có đủ khả năng bảo vệ tốt hơn các nguồn tài nguyên biển của mình”.

Bộ trưởng Lorenzana nói: “Chúng tôi cần thêm tàu, có thể không nhất thiết là tàu lớn mà là những tàu cỡ vừa có thể tuần tra vùng biển sâu trong nội địa”. Theo Bộ trưởng Lorenzana, các tàu lớn hơn có thể chỉ tuần tra được ở giới hạn trong vùng kinh tế đặc quyền 370km của Philippines...

Năng lượng cho một cuộc chiến

Biển Đông được cho là nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt rất lớn và điều này đã làm bùng lên cuộc chiến lợi ích giữa các đối thủ.

Được ước tính có trữ lượng dầu khí lớn nhất châu Á, mỏ khí đốt ở đảo Natuna ngoài khơi Indonesia vẫn chưa được khai thác. Indonesia chưa tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông song các vùng biển của Indonesia quanh đảo Natuna dường như chồng lấn với vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, được đánh dấu bằng cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc.

Nhiều tàu đánh cá của Trung Quốc đã bị bắt giữ trong vài tháng gần đây sau khi đi vào vùng lãnh hải gần Natuna. Trung Quốc gọi khu vực đó là “ngư trường truyền thống”, một định nghĩa không được luật quốc tế công nhận.

Một ngày sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết, Indonesia nói rằng, sẽ đưa ra các chương trình khuyến khích kinh tế cho 400 ngư dân định cư tại đảo Natuna, một phần của kế hoạch xây dựng chợ cá lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Nguy cơ đụng độ trên biển liên quan đến các ngư dân, hay giữa hải quân của Trung Quốc với các nước vẫn rất cao. Căng thẳng ở Biển Đông sẽ tiếp tục làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang tại châu Á. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, 6 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm qua thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Chạy vũ trang ở châu Á là cuộc chạy đua lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh và nó đang tăng tốc trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng không thuận lợi.

Nếu có thể, đây nên là thời điểm để châu Á đảm nhiệm vai trò lãnh đạo toàn cầu. Nhưng những xung đột địa chính trị gay gắt trong khu vực đang ngáng đường, do sự thiếu vắng của một khuôn khổ mang tính thể chế để ngăn chặn, giảm nhẹ và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Cho đến khi một khuôn khổ như thế được thiết lập, rủi ro về xung đột sẽ tăng lên, gây nguy hại cho quá trình chuyển biến kinh tế trong khu vực, vốn giúp một tỉ người châu Á thoát khỏi đói nghèo trong những thập niên gần đây.

Tạo dựng một khuôn khổ an ninh khu vực có thể đứng vững được là điều không dễ dàng, trong bối cảnh các xung đột địa chính trị tại châu Á dường như đều rất khó giải quyết. Giải quyết các cuộc tranh chấp này tối thiểu cần các luật chơi cơ bản của trò chơi, có thể được phát triển và thực hiện chỉ trên cơ sở đa phương, không phải đơn phương theo cách mà Trung Quốc đòi hỏi.

Chẳng hạn, ASEAN đang soạn thảo một Bộ Quy tắc ứng xử để quản lý Biển Đông, nhưng nỗ lực này đạt được rất ít tiến triển vì sự ngoan cố của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không nhận ra sự nguy hiểm trong thái độ hung hăng của mình và sẵn sàng hơn để đàm phán một thỏa thuận khu vực, leo thang hơn nữa cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á sẽ tiếp tục và không đem lại lợi ích cho bên nào cả.

Châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng chi tiêu quân sự là do khu vực Biển Đông ngày càng căng thẳng. Nhà phân tích hàng đầu Craig Caffrey của tờ Jane’s cho rằng: “Các nước xung quanh Biển Đông hầu như đang phản ứng với tư thế cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông và xu thế này hầu như không có dấu hiệu giảm đi”. Ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc có ngân sách quốc phòng nhiều nhất, lên tới 146 tỉ USD. Jane’s dự đoán, đến năm 2020, ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ lên tới 233 tỉ USD.

Theo

PetroTimes