Châu Âu nghi ngại làn sóng đầu tư từ Trung Quốc
Câu chuyện về đầu tư của Trung Quốc đang là một trong những chủ đề được nói đến nhiều nhất tại châu Âu vài năm qua.
Thương vụ tập đoàn Geely của Trung Quốc mới đây trở thành cổ đông lớn nhất của Daimler, công ty mẹ của hãng xe Đức nổi tiếng Mercedes-Benz chỉ là vụ việc mới nhất khiến châu Âu “mất ăn, mất ngủ” vài năm qua.
Từ robot đến rượu vang
Câu chuyện về đầu tư của Trung Quốc đang là một trong những chủ đề được nói đến nhiều nhất tại châu Âu vài năm qua. Lý do đơn giản: tốc độ đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu đã tăng gấp 10 lần trong 10 năm qua.
Cao điểm vào năm 2016, số vốn đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu tăng 77% so với năm trước đó, đạt mức 35 tỷ euro.
Tuy con số này trong năm 2017 đã sụt giảm do các biện pháp mà chính quyền Trung Quốc áp dụng nhằm hạn chế dòng vốn chảy ra nước ngoài quá nhiều nhưng sau gần một thập kỷ, các doanh nghiệp Trung Quốc đã thâu tóm được nhiều doanh nghiệp lớn trong nhiều ngành công nghiệp ở châu Âu, từ các cảng biển ở Hy Lạp, sân bay ở Pháp, nhà máy công nghiệp ở Đức hay các dự án bất động sản lớn tại Anh.
Tất cả những điều này tạo nên một tâm lý nghi ngại lớn ở nhiều nước châu Âu, cả trên khía cạnh lợi ích kinh tế lẫn thể diện quốc gia.
Tại Pháp, năm 2016, việc một tập đoàn Trung Quốc mua cổ phần và làm chủ sân bay Toulouse đã gây ra tranh cãi và phản đối lớn trên chính trường cũng như dư luận Pháp.
Lý do không chỉ vì sân bay Toulouse-Blagnac là sân bay lớn thứ 4 ở Pháp, mà quan trọng hơn, còn là nơi rất gần với các cơ sở của tập đoàn hàng không Airbus.
Sự gần gũi về mặt địa lý này tạo nên một lo ngại, dù tương đối phi lý, rằng sẽ có một số rủi ro an ninh về bí mật công nghệ.
Thực ra, với người Pháp thì dường như thương vụ nào có dính dáng đến Trung Quốc cũng đều đáng lo. Báo chí Pháp đưa tin các doanh nhân Trung Quốc đã mua nhiều lâu đài, nhiều vùng trồng nho ở Bordeaux, ở vùng Bourgogne, và thế là dư luận đặt câu hỏi: liệu rượu vang ở các vùng đó có đúng là từ nho được trồng ở đó hay không? Hay các nhà máy sữa, pho mát ở vùng Normandie... khi vào tay doanh nghiệp Trung Quốc cũng luôn tạo ra các tranh luận ầm ĩ rằng như thế là nước Pháp đánh mất bản sắc, đánh mất thương hiệu.
Tất nhiên, sự cảnh giác với đầu tư của Trung Quốc đang ngày càng lớn hơn ở nhiều nơi khác trên khắp châu Âu.
Tại Đức, chính phủ Đức nước này hiện cực kỳ cẩn trọng với các thương vụ công ty Trung Quốc định mua các công ty Đức, đặc biệt trong các ngành công nghiệp sản xuất máy công nghiệp mà Đức được xem là hàng đầu thế giới.
Năm 2016, chính phủ Đức đã phủ quyết thương vụ công ty Trung Quốc định mua tập đoàn sản xuất máy Aixtron dù trước đó đã thất bại trong ý định ngăn tập đoàn Midea của Trung Quốc mua tập đoàn sản xuất robot Kuka, vốn được xem là viên ngọc của công nghiệp chế tạo nước này.
Nỗi lo mất “mũi nhọn”
Việc Trung Quốc đầu tư vào châu Âu và thâu tóm các công ty châu Âu, trên thực tế, không phải là điều gì bất thường, càng không phải bất hợp pháp.
Nhiều năm trước, và nhiều thập kỷ trước, các tập đoàn của Nhật, của Mỹ hay của các nước Trung Đông giàu có nhờ dầu mỏ cũng đã tìm cách mua các công ty mũi nhọn tại các nước châu Âu.
So với các nước trên, đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu tương đối muộn, chủ yếu trong vài năm qua, nhằm phục vụ chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2025”, theo đó đến năm 2025, Trung Quốc sẽ nắm được hết các công nghệ tiên tiến của các nước.
Tuy nhiên, điều khiến châu Âu nghi ngại Trung Quốc là do các tập đoàn Trung Quốc có tốc độ và quy mô đầu tư rất lớn vào nhiều ngành mà phương Tây vẫn đang nắm ưu thế công nghệ.
Đồng thời, hầu hết giới kinh tế đều tin rằng các nguồn đầu tư đó có sự hỗ trợ từ nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ hơn 3000 tỷ USD của chính phủ Trung Quốc.
Khi đối mặt với một đối tác kinh tế mạnh như thế, châu Âu không có được sự bảo vệ cần thiết giống như Mỹ bởi Liên minh châu Âu có tới 27 thành viên và chưa hề có cơ chế chung nhằm kiểm soát lĩnh vực này.
Vì lý do đó, châu Âu lo ngại sẽ bị các tập đoàn Trung Quốc thâu tóm các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, từ đó bị thất thoát bí mật công nghệ và sẽ ngày càng trở nên yếu thế hơn trong cuộc đua kinh tế với Trung Quốc trong tương lai.
Hồi tháng 9/2017, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean-Claude Juncker đã đề xuất ra một đạo luật chung áp dụng cho toàn bộ các nước EU, trong đó ngăn chặn việc đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp mũi nhọn. “Nước ngoài” ở đây có đối tượng ám chỉ lớn nhất là Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 7/2017, chính phủ Đức đã ra một luật riêng của nước này về đầu tư nước ngoài, trong đó cho phép chính phủ Đức một thời hạn 4 tháng để xem xét có thông qua hay không một thương vụ mua bán một công ty Đức trong một ngành công nghiệp chiến lược.
Với hai nền kinh tế lớn khác của châu Âu là Pháp và Italia thì hai nước này đang ráo riết vận động EU sớm cho ra đời luật hạn chế đầu tư nước ngoài vào các ngành chiến lược. Tuy nhiên, so với Đức, sức ép từ đầu tư Trung Quốc tại Pháp và Italia ít hơn.
Đối với các nước khác, nhất là các nước Trung và Đông Âu, đầu tư của Trung Quốc được đón nhận nhiệt tình hơn bởi các nước này đang khát vốn đầu tư vào hạ tầng cơ sở, lĩnh vực mà các công ty Trung Quốc luôn chú trọng.
Cân bằng cuộc chơi
Có một nhận thức tương đối thống nhất trong giới chức lãnh đạo và các học giả châu Âu, đó là dù châu Âu có muốn hay không thì hiện tại và tương lai gần Trung Quốc vẫn sẽ là siêu cường về thương mại, thậm chí là siêu cường số 1 thế giới.
Vì thế, quan hệ kinh tế với Trung Quốc đóng vai trò cực kỳ quan trọng với mọi nền kinh tế châu Âu.
Nước Đức là một ví dụ. Dù cực kỳ cảnh giác với đầu tư của Trung Quốc vào các ngành công nghiệp mũi nhọn của mình, nhưng Đức luôn coi Trung Quốc là đối tác kinh tế số 1 và Thủ tướng Đức Angela Merkel hầu như năm nào cũng đi thăm Trung Quốc.
Nước Pháp dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron cũng đang đi theo hướng tương tự và trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, ông Macron cũng tuyên bố muốn mỗi năm thăm Trung Quốc một lần để đẩy mạnh hợp tác kinh tế.
Vì thế, bất chấp sự nghi kỵ và dè chừng, châu Âu và Trung Quốc vẫn sẽ phát triển quan hệ kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới. Tất nhiên, để bảo vệ các ngành công nghệ của mình thì châu Âu sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn các thương vụ mua bán có yếu tố nước ngoài.
Nhưng, để cuộc chơi được cân bằng hơn, châu Âu cũng đang gây sức ép với Trung Quốc để nước này cũng phải mở cửa thị trường nội địa của mình rộng hơn cho các doanh nghiệp châu Âu, theo nguyên tắc “có đi-có lại”.
Theo Quang Dũng
VOV-Paris