1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Campuchia thiệt hại ra sao khi Thủ tướng Hun Sen cứng rắn với EU?

(Dân trí) - Nếu Liên minh châu Âu (EU) đình chỉ các ưu đãi hiện hành về thương mại với Campuchia sau loạt động thái cứng rắn của Thủ tướng Hun Sen, Phnom Penh sẽ thiệt hại gần 700 triệu USD mỗi năm và cuộc sống của gần nửa triệu người dân nước này cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen (Ảnh: Cambodia Herald)
Thủ tướng Campuchia Hun Sen (Ảnh: Cambodia Herald)

Trong thư gửi Thủ tướng Hun Sen, Bộ trưởng Thương mại Campuchia Pan Sorasak cho biết nếu đề xuất đình chỉ quy chế ưu đãi thương mại dành cho Campuchia của EU được thực thi, Campuchia sẽ phải trả 676 triệu USD/ năm tiền thuế cho hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU. Ngoài ra, cuộc sống của 400.000 công nhân Campuchia đang làm việc trong các ngành công nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng như may mặc của Campuchia sang thị trường châu Âu đạt 6,2 tỷ USD, chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu may mặc chung của cả nước. Hiện có khoảng 700.000 người Campuchia đang làm việc trong ngành công nghiệp may mặc, do vậy việc EU và Mỹ đồng loạt áp đặt các biện pháp hạn chế ưu đãi với Campuchia có thể sẽ gây ra những thiệt hại về kinh tế và xã hội đối với quốc gia Đông Nam Á.

Trước đó, Nghị viện châu Âu (EP) ngày 13/12 đã thông qua nghị quyết kêu gọi giới chức EU xem xét lại các điều khoản ưu đãi dành cho Campuchia theo sáng kiến “Tất cả trừ vũ khí” (EBA), trong đó các quốc gia kém phát triển sẽ được hưởng đặc quyền miễn thuế và không hạn ngạch khi đến với thị trường EU.

“Việc tôn trọng quyền con người cơ bản là điều kiện tiên quyết đối với Campuchia nếu nước này muốn tiếp tục hưởng lợi từ chương trình EBA ưu đãi của EU. Nếu Campuchia vi phạm nghĩa vụ theo quy định của EBA, các ưu đãi về thuế quan mà nước này đang được hưởng sẽ tạm thời bị đình chỉ”, nghị quyết của EP cho biết.

Nghị quyết nêu rõ, EP lên án việc Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP), đảng đối lập tại Campuchia, bị buộc phải giải thể theo đề xuất của chính phủ Thủ tướng Hun Sen. EP cũng phản đối việc cấm các chính trị gia của CNRP tham gia vào hoạt động chính trị trong thời hạn 5 năm trong khi cuộc tổng tuyển cử tại Campuchia sắp bắt đầu vào năm sau. Ngoài ra, EP kêu gọi trả tự do cho thủ lĩnh CNRP Kem Sokha - người bị Thủ tướng Hun Sen cáo buộc là âm mưu chiếm đoạt quyền lực dưới sự hậu thuẫn của Mỹ.

Cả Mỹ và EU gần đây đều tuyên bố dừng viện trợ cho tiến trình bầu cử của Campuchia năm 2018. Ngoài ra, Washington cũng cảnh báo sẽ hạn chế thị thực nhập cảnh vào Mỹ đối với các lãnh đạo của Campuchia sau một loạt tuyên bố cứng rắn với phương Tây của Thủ tướng Hun Sen.

Thủ tướng Hun Sen, người lãnh đạo Campuchia trong hơn 30 năm, đã thể hiện lập trường chống phương Tây mạnh mẽ khi cuộc tổng tuyển cử tại Campuchia sắp tới gần. Ông đã có một loạt động thái nhằm cảnh cáo những người chỉ trích, các nhóm nhân quyền và truyền thông nước ngoài, trong đó có các tổ chức được chính phủ Mỹ tài trợ.

Thành Đạt

Theo Kyodo