1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bức ảnh lý giải tổ hợp phòng không Syria “bất động” trước tên lửa Israel

(Dân trí) - Một bức ảnh chụp tổ hợp Pantsir-S1 của Syria sau khi bị tên lửa Israel đánh trúng trong cuộc không kích ngày 10/5 đã lý giải cho sự bất động của hệ thống phòng không này trong tình huống “nước sôi lửa bỏng”.

Khoảnh khắc tên lửa Israel nhắm mục tiêu tới hệ thống Pantsir-S1 của Syria (Ảnh: Yahoo News)
Khoảnh khắc tên lửa Israel nhắm mục tiêu tới hệ thống Pantsir-S1 của Syria (Ảnh: Yahoo News)

Sau cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu được cho là của Iran tại Syria hôm 10/5, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã công bố đoạn video chiếu cảnh một tên lửa tấn công hệ thống phòng không Pantsir-S1 (NATO gọi là SA-22 Greyhound) của Syria. Camera hồng ngoại trên tên lửa đã ghi lại khoảnh khắc cuối cùng của một trong những hệ thống Pantsir-S1 hiện đại nhất của Syria trước khi hệ thống này bị tên lửa Israel bắn trúng.

Đoạn video do Israel công bố cho thấy radar trinh sát của tổ hợp Pantsir-S1 Syria dường như không hoạt động, trong khi đó các hệ thống vũ khí như nòng pháo hay ống phóng tên lửa cũng không chĩa thẳng về phía tên lửa đang bay đến. Ngoài ra, sự xuất hiện của 3 người đứng bên cạnh tổ hợp Pantsir-S1, được cho là kíp vận hành, có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống phòng không này không được kích hoạt vào thời điểm bị tấn công.

Để đưa ra lời giải thích cho vụ việc, Alexander Kots, một phóng viên quân sự Nga, đã đăng tải bức ảnh chụp tổ hợp Pantsir-S1 sau cuộc không kích của Israel. Đây cũng là bức ảnh được trang WaelalRussi thân chính phủ Syria tiết lộ hôm qua. Bức ảnh cho thấy tổ hợp Pantsir-S1 không ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu vào thời điểm bị tấn công.

Tổ hợp phòng không Pantsir-S1 sau khi bị tấn công trong cuộc không kích của Israel hôm 10/5 (Ảnh: Sputnik)
Tổ hợp phòng không Pantsir-S1 sau khi bị tấn công trong cuộc không kích của Israel hôm 10/5 (Ảnh: Sputnik)

“Có thể thấy (từ bức ảnh) rằng tất cả các tên lửa đã được phóng đi (có thể nhận thấy phần ống phóng tên lửa bị cháy đen), radar không ở trong trạng thái tác chiến, vị trí bị tên lửa đánh trúng, và chân chống thủy lực được nâng lên. Như vậy, đơn giản là tổ hợp này không ở trạng thái sẵn sàng tác chiến và nó đang chờ được nạp đạn”, ông Kots viết trên Twitter.

Bức ảnh được công bố cho thấy tổ hợp Pantsir-S1 nhiều khả năng đang được đưa về kho để nạp đạn sau khi phóng toàn bộ tên lửa trong một chiến dịch trước đó. Nếu thông tin này là chính xác, tên lửa Israel thực chất chỉ phá hủy một tổ hợp “không được vũ trang”, theo ông Kots.

Ngoài ra, bức ảnh cũng cho thấy loại vũ khí được Israel sử dụng để phá hủy phần đầu của tổ hợp Pantsir-S1 dường như là một máy bay không người lái (UAV) cảm tử IAI Harop, chứ không phải tên lửa hành trình Delilah hay Spike NLOS như IDF công bố.

Trước đó, hãng tin SANA dẫn một nguồn tin quân sự cho biết các hệ thống phòng không của quân đội Syria đã “bắn hạ hàng chục tên lửa của Israel, ngăn chúng không đến được mục tiêu”. Tuy vậy, một số tên lửa vẫn đánh trúng các radar và một kho đạn dược của Syria.

Israel rạng sáng 10/5 đã tiến hành một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất hàng chục năm qua nhằm vào hơn 50 mục tiêu quân sự của Iran ở Syria sau khi cáo buộc Iran tấn công tên lửa vào các tiền đồn của Israel ở cao nguyên Golan. Bộ Quốc phòng Nga cho biết khoảng 28 máy bay chiến đấu của Israel đã nã khoảng 60 tên lửa không đối đất vào các mục tiêu ở Syria.

Tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 do Nga sản xuất có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trong tầm ngắn và tầm trung. Các mục tiêu trên không mà tổ hợp này có thể tiêu diệt là các loại máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và vũ khí dẫn đường chính xác không đối đất. Theo tuyên bố của nhà sản xuất KBP, tổ hợp này có thể tiêu diệt được cả máy bay tàng hình.

Thành Đạt

Theo Sputnik