1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lý do tổ hợp phòng không Syria “bất lực” trước tên lửa Israel

(Dân trí) - Đoạn video ghi lại cảnh tên lửa hành trình Israel tấn công hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Syria do Nga sản xuất đã đặt ra nhiều giả thuyết về hiệu quả thực sự của loại vũ khí này.

Khoảnh khắc tên lửa Israel nhắm mục tiêu tới hệ thống Pantsir-S1 của Syria (Ảnh: Yahoo News)
Khoảnh khắc tên lửa Israel nhắm mục tiêu tới hệ thống Pantsir-S1 của Syria (Ảnh: Yahoo News)

Sau cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào các mục tiêu được cho là của Iran tại Syria hôm 10/5, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã công bố đoạn video chiếu cảnh một tên lửa hành trình Spike NLOS tấn công hệ thống phòng không Pantsir-S1 (NATO gọi là SA-22 Greyhound) của Syria. Camera hồng ngoại trên tên lửa đã ghi lại khoảnh khắc cuối cùng của một trong những hệ thống Pantsir-S1 hiện đại nhất của Syria trước khi hệ thống này bị tên lửa Israel bắn trúng.

Pantsir-S1 là tổ hợp phòng không do Nga sản xuất và được biên chế trong lực lượng phòng không Syria. Hình ảnh từ đoạn video cho thấy hệ thống Pantsir-S1 của Syria dường như không ở trong trạng thái sẵn sàng tác chiến khi bị tên lửa hành trình của Israel nhắm mục tiêu. Khi tên lửa đánh trúng Pantsir-S1, tín hiệu hình ảnh từ camera cũng biến mất.

Theo ông Aytech Bizhev, cựu Phó Tư lệnh Không quân Nga, chỉ có 2 giả thuyết được đưa ra để giải thích cho việc tên lửa Israel bắn hạ thành công hệ thống Pantsir-S1 của Syria.

“Giả thuyết thứ nhất là hệ thống (Pantsir-S1) đã sử dụng hết vũ khí dự trữ. Giả thuyết thứ hai đơn giản hơn, đó là hệ thống này đã bị tắt đi và nó không ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu vào thời điểm bị tấn công”, ông Bizhev nhận định.

Các mục tiêu của Israel trong đợt không kích Syria vào sáng 10/5. (Ảnh: IDF)
Các mục tiêu của Israel trong đợt không kích Syria vào sáng 10/5. (Ảnh: IDF)

Tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trong tầm ngắn và tầm trung. Các mục tiêu trên không mà tổ hợp này có thể tiêu diệt là các loại máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và vũ khí dẫn đường chính xác không đối đất. Theo tuyên bố của nhà sản xuất KBP, tổ hợp này có thể tiêu diệt được cả máy bay tàng hình.

Theo cựu Phó Tư lệnh Không quân Nga, “sẽ không có giả thuyết thứ ba” để giải thích cho việc hệ thống phòng không của Syria "án binh bất động” khi tên lửa Israel đang bay tới. Ông Bizhev cho rằng nếu được kích hoạt trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, Pantsir-S1 sẽ “không bao giờ bị tên lửa Israel phá hủy.

“Khi ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, hệ thống này sẽ liên tục theo dõi vật thể bay của đối phương và sẽ có thời gian phản ứng rất nhanh. Nó sẽ bắn hạ các tên lửa hành trình của đối phương bằng pháo, hoặc bằng chính tên lửa của hệ thống này”, ông Bizhev cho biết.

Đoạn video do Israel công bố cho thấy radar trinh sát của tổ hợp Pantsir-S1 Syria dường như không hoạt động, trong khi đó các hệ thống vũ khí như nòng pháo hay ống phóng tên lửa cũng không chĩa thẳng về phía tên lửa đang bay đến. Ngoài ra, sự xuất hiện của 3 người đứng bên cạnh tổ hợp Pantsir-S1, được cho là kíp vận hành, có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống phòng không này không được kích hoạt vào thời điểm bị tấn công.

Không sẵn sàng chiến đấu?

Tổ hợp phòng không Pantsir-S1 (Ảnh: RT)
Tổ hợp phòng không Pantsir-S1 (Ảnh: RT)

Theo nhận định của cựu Phó Tư lệnh Không quân Nga, Không quân Israel có thể đã tận dụng chính lợi thế về địa lý để bắt được khoảnh khắc quân đội Syria sơ hở hôm 10/5.

“Dù cho các nhân sự được huấn luyện tốt đến mức nào đi chăng nữa và vũ khí hiện đại đến đâu đi chăng nữa, một điều có thể nhận thấy là máy bay Israel và Syria gần như không mất thời gian để tiếp cận không phận của nhau (do hai nước có biên giới chung). Hơn nữa, các máy bay chiến đấu F-15 và F-16 của Israel có thể tiến hành không kích mà không cần đi vào vùng phòng không của Syria. Chúng có thể tiếp cận (Syria) ở tầm thấp sau đó vọt lên từ phía sau cao nguyên Golan, tiến hành tấn công và rời đi”, ông Bizhev nhận định.

Theo ông Bizhev, Pantsir-S1 “cần từ 3-5 phút để kích hoạt” và việc đặt hệ thống phòng không này trong trạng thái hoạt động liên tục mọi thời điểm là không thể vì điều đó sẽ khiến kíp vận hành bị kiệt sức.

Đại tá nghỉ hưu Mikhail Khodorenok, một quan sát viên quân sự cho trang Gazeta.ru, cũng chỉ ra rằng hệ thống phòng không do Nga sản xuất đã không được ngụy trang hoặc triển khai ở vị trí được chuẩn bị đặc biệt vào thời điểm Israel không kích. “Điều này cho thấy Pantsir-S1 lúc đó chưa sẵn sàng đánh chặn”, Đại tá Khodorenok cho biết.

Israel rạng sáng 10/5 đã tiến hành một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất hàng chục năm qua nhằm vào hơn 50 mục tiêu quân sự của Iran ở Syria sau khi cáo buộc Iran tấn công tên lửa vào các tiền đồn của Israel ở cao nguyên Golan. Bộ Quốc phòng Nga cho biết khoảng 28 máy bay chiến đấu của Israel đã nã khoảng 60 tên lửa không đối đất vào các mục tiêu ở Syria.

Trong đợt không kích kéo dài nhiều giờ đồng hồ này, các máy bay chiến đấu của Israel cũng phải đối mặt với "mưa" tên lửa phòng thủ của Syria, dẫn đến việc các máy bay chiến đấu của Israel phá hủy 5 hệ thống phòng thủ SA-22 của Syria.

Spike NLOS (Non line of sight) là phiên bản mới nhất của dòng tên lửa Spike do quân đội Israel phát triển trong thời gian dài. Đây là tên lửa hành trình đa năng được vận hành bằng hệ thống truyền lệnh quang điện, có thể được phóng từ trên bộ, trên không cũng như các cơ sở hải quân và có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở phạm vi lên tới 25km. Spike NLOS có thể được gắn nhiều loại đầu đạn khác nhau, đủ khả năng tiêu diệt nhiều loại mục tiêu như xe bọc thép, xe tăng, lực lượng bộ binh và các cơ sở trên mặt đất của đối phương.

Thành Đạt

Tổng hợp