Ấn Độ nêu điều kiện chi 15 tỷ USD mua 200 máy bay chiến đấu nước ngoài
(Dân trí) - Ấn Độ đang chào mua hàng trăm máy bay chiến đấu từ các nhà sản xuất nước ngoài, với điều kiện các máy bay này được chế tạo tại Ấn Độ cùng một đối tác địa phương, giới chức không quân quốc gia Nam Á cho biết.
Reuters ngày 29/10 đưa tin, một thỏa thuận đối với 200 máy bay động cơ đơn được sản xuất tại Ấn Độ - mà giới chức không quân nói có thể tăng lên 300 chiếc khi New Delhi thay thế toàn bộ các máy bay cũ thời Liên Xô - có thể trị giá từ 13-15 tỷ USD, các chuyên gia dự đoán. Đây có thể là một trong những thỏa thuận máy bay quân sự lớn nhất của Ấn Độ.
Sau khi một thỏa thuận mua các máy bay hiện đại Rafale của tập đoàn Dassault (Pháp) bị rút xuống còn chỉ 36 chiếc hồi tháng trước, Không quân Ấn Độ đang cố gắng đẩy nhanh các vụ mua sắm khác và “hãm phanh” sự sụt giảm về sức mạnh hoạt động, hiện ít hơn 1/3 so với nhu cầu để đối phó với cả Trung Quốc và Pakistan.
Nhưng chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi muốn các máy bay chiến đấu tiếp theo phải được chế tạo tại Ấn Độ với một đối tác trong nước để khởi động ngành chế tạo máy bay nội địa và chấm dứt “cơn nghiện” nhập khẩu các sản phẩm đắt đỏ.
Tập đoàn vũ khí Lockheed Martin của Mỹ cho biết hãng này quan tâm tới việc thiết lập một dây chuyền sản xuất đối với các máy bay chiến đấu F-16 tại Ấn Độ không phục vụ máy bay Ấn Độ mà còn để xuất khẩu.
Và hãng Saab của Thụy Điển đã đề nghị một dây chuyền sản xuất cạnh tranh đối với máy bay Gripen của nước này, tạo ra một cuộc đua sớm đối với một trong những thỏa thuận máy bay quân sự lớn nhất thế giới.
“Sự thiếu hụt hiện thời là 200. Đó là con số tối thiểu mà chúng tôi sẽ xem xét”, một quan chức không quân Ấn Độ nói về các kế hoạch Make-in-India, trong đó một hãng chế tạo nước ngoài sẽ phối với các công ty địa phương để chế tạo máy bay thông qua việc chuyển giao công nghệ.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã liên lạc với vài công ty để hỏi xem họ có muốn thiết lập một dây chuyền sản xuất cho các máy bay chiến đấu động cơ đơn tại Ấn Độ và khối lượng chuyển giao công nghệ có khả năng xảy ra, một nguồn tin chính phủ khác tiết lộ.
“Chúng tôi đang kiểm tra sự sẵn sàng của các công ty nước ngoài nhằm di chuyển sản xuất tới đây và tìm hiểu kỳ vọng của họ”, quan chức trên nói.
Bù đắp sự thiếu hụt
Không quân Ấn Độ đã đặt hàng 140 máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas cho Tập đoàn nhà nước Hindustan Aeronautics (HAL) chế tạo nhưng cho tới nay chỉ 2 chiếc được bàn giao. (Ảnh: Reuters)
Không quân Ấn Độ ban đầu có kế hoạch mua 126 máy bay chiến đấu động cơ kép Rafale của hãng Dassault (Pháp), nhưng hai bên không thể nhất trí được các vấn đề của việc sản xuất tại địa phương với một công ty nhà nước của Ấn Độ. Cuối cùng, hai bên đã nhất trí hợp đồng mua bán 36 máy bay chiến đấu.
Một vấn đề nữa của quân đội Ấn Độ là nỗ lực kéo dài suốt 3 thập niên nhằm chế tạo máy bay chiến đấu động cơ đơn của chính mình, dự kiến trở thành “xương sống” của không quân. Nhưng cho tới nay, mới chỉ có 2 máy bay chiến đấu hạng nhẹ tên gọi Tejas được chuyển giao cho Không quân, trong khi lực lượng này đặt hàng 140 chiếc.
Không quân Ấn Độ hiện chỉ có 32 phi đội máy bay chiến đấu đang hoạt động, trong khi con số mà lực lượng này cần là 45. Hồi tháng 3, Phó Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ B.S. Dhanoa phát biểu trước một ủy ban quốc phòng của quốc hội rằng họ không có sức mạnh hoạt động để đối phó với một cuộc chiến 2 mặt trận với Trung Quốc và Pakistan.
Saad của Thụy Điển nói hãng này không sẵn sàng chỉ chế tạo máy bay chiến đấu Gripen tại Ấn Độ, nhưng sẽ trợ giúp để xây dựng cơ sở của ngành công nghiệp máy bay quân sự địa phương.
Lockheed Martin thì nói hãng hàng đã trả lời thư của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, với một đề nghị chuyển toàn bộ việc sản xuất máy bay chiến đấu F-16 tới Ấn Độ.
Đề nghị của Lockheed diễn ra trong bối quan hệ quốc phòng Ấn - Mỹ đang mở rộng, trong đó Washington nổi lên là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ trong những năm gần đây, "vượt mặt" Nga.
Hồi đầu năm nay, Boeing cũng đề nghị chào bán các máy bay F/A-18 Hornets động cơ kép cho Ấn Độ, nhưng không rõ mức độ chuyển giao công nghệ.
Trước đó, Ấn Độ chưa bao giờ cố gắng xây dựng một dây chuyền sản xuất máy bay hiện đại, dù là quân sự hay dân sự. Tập đoàn nhà nước Hindustan Aeronautics (HAL) đã lắp ráp các máy bay chiến đấu của Nga, trong đó có Su-30, nhưng dựa trên giấy phép sản xuất.
“Chúng tôi chưa bao giờ kiểm soát công nghệ. Đây là nỗ lực lớn nhất của Ấn Độ nhằm xây dựng một nền tảng nội địa. Việc chuyển giao công nghệ gần đầy đủ hoặc đầy sẽ đặt nền tảng cho sự phát triển tiếp theo”, Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ về hưu M. Matheswaran, một cựu cố vấn tại HAL, cho hay.
Cựu quan chức trên nói thêm, chính phủ Ấn Độ sẽ xem xét sản xuất ít nhất 200 máy bay, và sau đó có thể chế tạo thêm, để chấm dứt nhiều thập niên trì hoãn hiện đại hóa không quân.
An Bình