1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

6 năm cuộc chiến Syria: Phương Tây “thất bại” - Nga chiến thắng

Đến ngày 20-3-2017, cuộc nội chiến Syria đã trải qua đúng 6 năm. Theo chuyên gia quân sự Philippe Migault, chiến tranh Syria đã đặt dấu chấm hết cho ngôi vị bá chủ của chính quyền Washington cùng các đồng minh, đồng thời cũng đánh dấu sự trỗi dậy của Nga từ sau khi Liên bang Xôviết tan rã.

Cuộc nội chiến sắp hạ màn

Về tình hình hiện nay tại Syria. Ngày 18-3, các tay súng nổi dậy cùng gia đình của họ đã bắt đầu rời khỏi thành phố Homs - thành trì cuối cùng của phe nổi dậy tại Syria - theo một thỏa thuận sơ tán do Nga làm trung gian, được cho là có quy mô lớn nhất mà lực lượng đối lập đạt được với chính quyền Damascus.

Việc các tay súng của lực lượng nổi dậy phải sơ tán khỏi những cứ điểm, địa bàn do mình kiểm soát sau khi thất bại hay mất ưu thế trên chiến trường đã diễn ra nhiều lần và cùng với đó là việc thay đổi nơi sinh sống của gia đình họ, từ đó tạo ra những đợt di cư cục bộ trên đất nước Syria thời nội chiến.

Trên bàn cờ chính trị, ngày 20-3, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov thông báo rằng chính quyền Syria sẽ cử đại diện tham gia các cuộc đàm phán tìm kiếm hòa bình ở Geneva, Thụy Sỹ. Ông Mikhail Bogdanov nói rằng chính quyền Nga hy vọng lực lượng vũ trang đối lập ở Syria cũng có cơ hội tham gia các cuộc đàm phán này. Đại diện ngoại giao Nga tiết lộ thêm, Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc ở Syria - Staffan de Mistura đã có chuyến thăm và làm việc với Moskva ngay trước khi các cuộc đàm phán ở Geneva diễn ra.

Ông Staffan de Mistura cho biết sẽ cố gắng làm tốt vai trò trung gian để các bên tham chiến ở Syria có thể đạt được một thỏa thuận chính trị. Trong khi đó, theo Reuters, hôm 3-3 vừa qua, các cuộc đàm phán thủ tục cũng đã diễn ra và ông Mistura đã có kế hoạch đưa các bên đàm phán đến những cuộc thảo luận sâu rộng hơn vào ngày 23 tháng này.

Ngoại trưởng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ họp báo sau hội đàm về Syria.
Ngoại trưởng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ họp báo sau hội đàm về Syria.

Một kết thúc dành cho “Cuộc nổi dậy Mùa xuân Arập”

Syria “nổi tiếng” với tấn bi kịch nội chiến kéo dài suốt 6 năm nay, cùng với tổn thất khủng khiếp về con người: hơn 300 000 người chết, hàng trăm nghìn người bị thương, hàng triệu người tị nạn. Các khu tự trị Deir Ezzor, Raqqa, Idlib vẫn nằm trong tay các nhóm Hồi giáo cực đoan, với hàng nghìn sinh mạng. Thực tế, quy mô bản tổng kết thiệt hại trong xung đột tại Syria còn đồ sộ hơn nhiều. Cuộc chiến này cũng đánh dấu nhiều khúc cua trên chính trường quốc tế.

"Cuộc nổi dậy Mùa xuân Arập", còn được biết đến với tên gọi "Mùa xuân Arập", là làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình của dân thường, ở các quốc gia Arập (như: Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen và Jordan, Mauritanie, Arập Saudi, Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya và Maroc); cũng là mầm mống phát sinh một loạt cuộc nội chiến, tiếp theo đó là sự trỗi dậy của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Sự thất bại của Mùa xuân Arập đến từ sự thay đổi chính sách của Mỹ và các nước đồng minh, nhất là Pháp với vị thế ngày càng bị suy yếu, đồng nghĩa với việc Mỹ không còn là số một toàn cầu kể từ khi Liên bang Xôviết sụp đổ.

Về phần Nga, không thể phủ nhận là trong mười năm trở lại đây đã liên tiếp đạt được nhiều thành tựu to lớn, và với tư cách là người kế thừa của Liên Xô, họ đã sẵn sàng tiếp nhận lại vị trí dẫn đầu trên trường đua chính trị.

Ngay từ đầu, Nga đã dự đoán được sự thất bại của Mùa xuân Arập tại Syria. Vì trước hết, nền dân chủ phương Tây không thể dung nhập được với Hồi giáo bởi vì mọi quy chuẩn của phương Tây đều đi ngược với luật Hồi giáo Sharia. Cho đến nay, kể cả ở những nơi có ít người Hồi giáo, không có một mô hình dân chủ nào có thể phát triển được.

Mặt khác, chính quyền Syria không hề mềm yếu. Đây là một nhà nước chuyên thi hành những chính sách khắt khe để kiểm soát đất nước nên không thể dễ dàng sụp đổ. Đó chính xác là điều mà phương Tây vẫn tưởng.

Bấy giờ, giới cầm quyền Damas vẫn thờ ơ với những cổ động "tinh thần dân chủ" lan truyền trên Facebook, Twitter và các trang mạng xã hội khác, đến khi họ nhận thức được hiểm họa thì cư dân mạng cho rằng đường lối lãnh đạo của Tổng thống Syria Bachar al-Assad là sai lầm, từ đó tăng thêm nghi ngờ về những nhà lãnh đạo khác trong vùng Vịnh Ba Tư.

Nhưng cũng bởi những đăng tải trên mạng xã hội mà nhiều người bị lừa, trong đó có cả những chính trị gia Pháp như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Alain Juppé, người đã nhận định thất bại của Tổng thống Syria "gần như không thể tránh khỏi"; và Ngoại trưởng đương nhiệm Laurent Fabius cũng cho rằng kỳ hạn của Bachar đang gần kề. Do vậy, sự thay đổi chính quyền là cần thiết...

Từ đó, người dân và giới lãnh đạo phương Tây cho là tại Syria chỉ đang diễn ra những vụ phản đối vũ trang "ôn hòa" để đòi thay thế một chính quyền mới, trong khi tất cả các chuyên gia đều nhận thấy sự nổi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Họ không ngăn chặn vì cảm thấy tình hình "nổi loạn" ở Syria vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát mà không ai biết được mình đã tạo cơ hội cho các chiến binh khủng bố như Al-Nusra nổi dậy.

Các nhà cầm quyền của Pháp nhiệt liệt hùa vào hưởng ứng và cho biết đội ngũ máy bay chiến đấu Rafale của họ đã sẵn sàng để tấn công vào Syria. Ảo tưởng của Pháp là muốn thể hiện tiếng nói và tầm ảnh hưởng của mình, và sau đó cũng muốn kiếm chác một số lãnh địa tại đây. Một quan chức cấp cao của Pháp còn bày tỏ: "Sẽ phải có một thỏa thuận, chính quyền Bachar tồi tệ nên không được lòng dân". Họ muốn nhanh chân hơn Anh và Mỹ, để rồi nhận thấy mình hoàn toàn đơn độc trên chiến tuyến và rút lui một cách thảm hại.

Tuy nhiên, Pháp không phải là người duy nhất thất bại vì ngay chính "anh cả" là Mỹ cũng gặp hết thất bại này đến thất bại khác trong vấn đề Syria. Cựu Tổng thống Barack Obama đã thừa nhận điều này. Nhưng lịch sử sẽ không chỉ ghi nhận sự bất lực của Mỹ mà điều tồi tệ là chính Mỹ đã cung cấp vũ khí cho các chiến binh Al-Qaeda và để cho Nhà nước Hồi giáo lên cầm đầu đòi thay đổi chính quyền Syria.

Nga lại xử lý vấn đề một cách dễ dàng

Giới truyền thông phương Tây chỉ trích hành động của điện Kremlin. Cho rằng, Bachar al-Assad là một người độc tài và phải chịu trách nhiệm về cái chết của hàng chục nghìn người. Nhưng lựa chọn của chính quyền Moskva là ủng hộ Tổng thống Assad, cũng có thể quy về “hành vi đồng lõa” với một loạt các hỗ trợ (?)

Tuy nhiên, Nga chỉ dừng lại ở mức độ hỗ trợ và tranh thủ tính toán âm mưu với phương Tây. Giải thích cho hành động của mình, chính quyền Nga cho rằng mặc dù ông Assad thi hành những chính sách khắt khe, nhưng một nhà lãnh đạo thực thụ buộc phải chấp nhận điều đó để có thể bảo vệ lợi ích sống còn của đất nước mình.

Đất nước Syria hoang tàn sau 6 năm nội chiến.
Đất nước Syria hoang tàn sau 6 năm nội chiến.

Nga hỗ trợ chính quyền Assad với tư cách là một đồng minh, và tất nhiên cũng để ngăn chặn nguy cơ nổi loạn uy hiếp đến nền an ninh quốc gia của mình, do khoảng cách từ tỉnh Aleppo (Syria) đến Cộng hòa Chechnya (căn cứ cũ của Hồi giáo cực đoan Al Qaeda tại Liên bang Nga) chỉ có 800 km. Trong hoàn cảnh đó, nếu Nga không giúp chính quyền Assad thì lực lượng hàng nghìn chiến binh Hồi giáo một khi giành được chiến thắng ở Syria sẽ tiến quân đến gần lãnh thổ Liên bang Nga.

Nhờ có sự can thiệp của Nga, lực lượng Bashar đã xoay chuyển được tình hình và đưa cuộc chiến vào thế cân bằng. Đây cũng là dịp mà các nhà chức trách Nga chứng minh được công dụng của các khoản đầu tư lớn để hiện đại hóa thiết bị quân sự. Loạt đạn tên lửa hành trình Kalibr có thể xuyên biển Caspian đến Địa Trung Hải, đem lại sức mạnh to lớn cho quân đội phòng không Nga và làm nhiều chuyên gia quân sự - quốc phòng phải bất ngờ.

Ngay lập tức, máy bay ném bom Sukhoi-34 và hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cũng nổi danh trên thị trường vũ khí, Nga đạt được 3 mục đích: thành công quân sự, thương mại, ngoại giao.

Nga đã thành công củng cố địa vị của mình trước các nước gặp khủng hoảng, tăng cường hợp tác quân sự - công nghiệp với nhiều nước trong số họ (Syria, Ai Cập, Iraq, Algeria...) và đạt được tín nhiệm của nhiều đối tác.

Hơn nữa, Nga luôn nhanh trí hơn phương Tây trong tư duy các vấn đề của cuộc khủng hoảng. Nga là người đầu tiên khẳng định sự ra đi của Tổng thống Bachar al-Assad không phải là giải pháp của cuộc khủng hoảng. Mà mãi đến mùa thu 2015, khi tình thế đã xoay chuyển, các nước phương Tây mới nhận ra vấn đề này.

Khi các cường quốc phương Tây cho rằng tình hình Syria chỉ là vụ phản đối "ôn hòa" và "dân chủ" thì Nga lại nhận định đây là một cuộc nổi dậy. Nga cũng là nước xoa dịu cuộc khủng hoảng vũ khí hóa học của Syria bằng đề xuất tháo dỡ các kho vũ khí của nước này, trong sự ngỡ ngàng của Tổng thống Mỹ lúc đó Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Tuy Nga không trực tiếp can dự vào cuộc chiến nhưng luôn theo sát diễn biến tình hình để kịp thời bảo vệ lợi ích của mình và ghi điểm nhờ khai thác sai lầm của đối thủ. Chính sách thực dụng của Nga đã đem lại cho họ chiến thắng như ngày hôm nay.

Theo Mộc Thạch (tổng hợp)

An ninh thế giới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm