1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

4 lý do Nga không đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh

(Dân trí) - Bất chấp các cáo buộc từ Anh và các nước phương Tây, Nga được cho là không có động cơ cũng như ý định để tiến hành vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông hồi đầu tháng.

Các quân nhân Anh mặc đồ bảo hộ vận chuyển các đồ đạc có liên quan tới vụ cha con cựu điệp viên Nga nghi bị đầu độc ở Anh (Ảnh: AFP)
Các quân nhân Anh mặc đồ bảo hộ vận chuyển các đồ đạc có liên quan tới vụ cha con cựu điệp viên Nga nghi bị đầu độc ở Anh (Ảnh: AFP)

Theo Andranik Migranyan, nhà khoa học chính trị Nga đồng thời là giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế Nga, Moscow không có động cơ và cũng không có ý định hạ độc cựu đại tá tình báo Sergei Skripal và con gái Yulia tại thành phố Salisbury, Anh hôm 4/3. Trước đó, Thủ tướng Anh Theresa May đã cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm về vụ mưu sát cha con ông Skripal và nói rằng chất độc thần kinh được sử dụng trong vụ việc này do Moscow phát triển.

Sputnik dẫn lời chuyên gia Andranik Migranyan cho biết, có ít nhất 4 lý do để giải thích cho việc Nga không phải là nước đứng sau vụ tấn công nhằm vào cha con ông Skripal.

Thứ nhất, cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal, người từng là gián điệp cho Cơ quan Tình báo Mật (MI6) của Anh với mật danh “Tức thì”, không phải là người đào tẩu nên Moscow không có lý do để hạ độc. Ông này từng bị bắt ở Nga năm 2004 và bị kết án 13 năm tù vì tội làm gián điệp cho Anh năm 2006. Tới tháng 7/2010, Skripal được trả tự do sau một cuộc trao đổi điệp viên giữa Nga và Mỹ.

Thứ hai, Sergei Skripal không phải là mối đe dọa với Nga và cựu điệp viên này gần như không biết thêm bất kỳ điều gì ngoài những thông tin ông từng cung cấp cho MI6 trước khi bị bắt. Nếu Skripal còn giá trị, Nga đã không thả ông này mà sẽ thay bằng người khác trước khi trao đổi với Mỹ.

Thứ ba, vụ đầu độc cựu điệp viên 66 tuổi và con gái của ông được cho là không mang lại lợi ích gì cho chính quyền Tổng thống Vladimir Putin cũng như các cơ quan tình báo Nga, đặc biệt trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng 3 và giải bóng đá thế giới World Cup do Nga đăng cai vào mùa hè năm nay.

Thứ tư, chính quyền Nga luôn theo đuổi cách tiếp cận thực tế trong chính sách đối ngoại cũng như các vấn đề toàn cầu. Nga sẽ không bao giờ “tự bắn vào chân” nếu thực hiện vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây vốn luôn chờ cơ hội bùng nổ.

Ai đứng sau vụ việc?

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal (Ảnh: Getty)
Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal (Ảnh: Getty)

Theo chuyên gia Andranik Migranyan, vụ Skripal có thể là cách thức mà Anh và Mỹ sử dụng để làm tổn hại uy tín của lãnh đạo Nga cũng như gây sức ép đáng kể lên Điện Kremlin trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Nga đang diễn ra.

“Khi không thể can thiệp hiệu quả vào chính trị nội bộ và tiến trình bầu cử của Nga thông qua các thể chế trong nước, do hầu hết các “điệp viên có ảnh hưởng ở nước ngoài” đều nằm dưới sự theo dõi của đặc vụ Nga, các cơ quan tình báo Mỹ-Anh quyết định tiến hành một chiến dịch nhằm hạ thấp uy tín của Nga và Tổng thống Putin, đồng thời phủ bóng đen lên cuộc bầu cử Nga và tính hợp pháp của tổng thống Nga nói chung”, chuyên gia Migranyan nhận định.

Không lâu sau khi xảy ra vụ tấn công nhằm vào cha con cựu điệp viên Nga tại Salisbury, giới chức Anh đã nhanh chóng đặt ra nghi vấn Moscow sử dụng chất độc thần kinh Novichok để thực hiện vụ tấn công này. Liên quan tới vấn đề này, Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko hoài nghi về việc làm thế nào các nhà chức trách Anh có thể nhanh chóng xác định loại chất độc được sử dụng là Novichok như vậy, trong khi Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) nói rằng phải mất ít nhất từ 2-3 tuần mới có thể phân tích được mẫu chất độc và xác định xem đó là loại gì.

“Liệu điều đó có nghĩa là Anh từ trước đó đã sở hữu loại chất độc thần kinh này trong phòng thí nghiệm hóa học của họ ở Porton Down, căn cứ quân sự bí mật lớn nhất tại Anh chuyên chế tạo các loại vũ khí hóa học, hay không?”, Đại sứ Yakovenko đặt câu hỏi, đồng thời cho biết căn cứ quân sự này chỉ cách thành phố Salisbury, nơi xảy ra vụ tấn công, hơn 12 km.

Thủ tướng Anh Theresa May (phải) tới thành phố Salisbury sau vụ việc của cựu điệp viên Nga (Ảnh: AFP)
Thủ tướng Anh Theresa May (phải) tới thành phố Salisbury sau vụ việc của cựu điệp viên Nga (Ảnh: AFP)

Đại sứ Yakovenko kêu gọi các nhà chức trách Anh chia sẻ thông tin về cuộc điều tra liên quan tới vụ hạ độc cha con ông Skripal cho Nga, đồng thời cảnh báo Anh đã vi phạm Công ước Vienna 1963 về Quan hệ lãnh sự khi không cho phép lãnh sự quán Nga được tiếp cận cha con ông Skripal sau khi họ bị tấn công mặc dù cả hai đều là công dân Nga.

Trong cuộc họp với các đại sứ nước ngoài tại Moscow hôm 21/3 về vụ đầu độc cựu đại tá tình báo Sergei Skripal, Vụ trưởng Vụ không phổ biến và kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Yermakov cho biết Anh có thể chính là nước đã “đạo diễn” vụ việc gây chấn động này.

“Logic của vụ việc cho thấy chỉ có hai giả thuyết xảy ra. Một là, các nhà chức trách Anh không đủ khả năng để bảo vệ cho chính công dân nước mình trước một vụ tấn công khủng bố ngay trên lãnh thổ Anh. Hai là, bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp, chính họ đã đạo diễn vụ tấn công nhằm vào công dân Nga”, ông Yermakov cho biết.

Ông Yermakov cũng tỏ ra hoài nghi về việc Anh không sẵn sàng tạo điều kiện cho Nga được gặp cha con ông Skripal và cho rằng đây là hành động vi phạm luật quốc tế. Theo ông Yermakov, Moscow từng yêu cầu London “cung cấp tất cả các thông tin” về vụ việc, song cho đến nay vẫn không nhận được bất kỳ điều gì.

Liên quan tới tình hình sức khỏe của cha con ông Skripal, một thẩm phán tại Anh ngày 22/3 cho biết cựu điệp viên Nga và con gái có thể đã bị tổn thương não lâu dài và sẽ không bao giờ hồi phục hoàn toàn. Ngoài ra, tòa án Anh cũng đã cho phép lấy mẫu máu của cha con ông Skripal để các chuyên gia của tổ chức OPCW xét nghiệm và xác minh kết luận của Anh về việc hai người này đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh được sản xuất tại Nga.

Thành Đạt

Tổng hợp