Mã số 2109:

Mẹ già khốn khổ nuôi con tâm thần, cháu bại não

(Dân trí) - Khi con “điên” hẳn, bà lại thấy may bởi anh Thông không còn biết gì nữa, bà cũng không phải oằn mình bế cháu lên xe, đẩy chạy ra khỏi nhà cả đêm để tránh những trận đòn của con. Bà chỉ sợ mình chết đi, con trai, cháu nội không biết bấu víu vào đâu để sống.

Khốn khổ mẹ già nuôi con tâm thần, cháu bại não

Nghe tiếng bà về, Trần Hữu Hùng (SN 1998) đập mạnh tay chân xuống sàn, miệng la hét. Đó là cách mà Hùng thể hiện sự vui mừng của mình mỗi khi bà về hay có ai đến chơi dù rằng với người mới đến như tôi thì kiểu chào mừng ấy quả thật khiến tôi thoáng chút sợ hãi. Khi bà Đặng Thị Chinh (SN 1941, trú xóm 6, xã Diễn Lợi, Diễn Châu, Nghệ An) mở cửa mời khách vào nhà, Hùng quay mặt vào tường tỏ ý xấu hổ. “À, nó đạp tụt cả quần ra và đái giữa nhà, giờ không mặc quần nên xấu hổ ấy mà”, bà Chinh nói giúp cho cháu.

Bị bại não, chân tay co quắp, 18 năm nay Trần Hữu Hùng chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều do một tay bà nội đảm trách.
Bị bại não, chân tay co quắp, 18 năm nay Trần Hữu Hùng chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều do một tay bà nội đảm trách.

Bà lật đật lại cái bao tải đặt trên ghế, lục lấy cái quần đùi mặc vào cho cháu. Đôi chân cứng còng của Hùng khiến bà chật vật mãi mới thòng được 2 ống quần vào, để cho chắc chắn, bà lấy sợi dây vải buộc túm lưng quần lại, “buộc thế này một lát là hắn đạp tung ra hết”, bà Chinh nói.

Hùng khá đẹp trai và tỉnh táo hơn người cha của mình (là anh Trần Hữu Thông - PV). Có lẽ, chính vì tỉnh táo đầu óc nên em cảm nhận được những khiếm khuyết trên cơ thể mình, cảm nhận được vất vả nhọc nhằn của bà nên em không la hét, quậy phá, chỉ nằm trên manh chiếu trải giữa nhà, gặm nhấm nỗi cô độc bởi bà không thể ở bên em suốt ngày, còn bố thì chẳng mấy khi nhớ đường mà về nhà. Hỏi, Hùng trả lời bằng nụ cười ngoác tận mang tai hoặc “ừ” một cách gọn lỏn. Nếu không đồng ý, Hùng sẽ lắc đầu quầy quậy hoặc cười bẽn lẽn khi người hàng xóm trêu chuyện vợ con.

Con trai tâm thần, cháu ruột bại não, con dâu bỏ đi lấy chồng, cuộc đời bà Chinh là những chuỗi ngày tận cùng bĩ cực.
Con trai tâm thần, cháu ruột bại não, con dâu bỏ đi lấy chồng, cuộc đời bà Chinh là những chuỗi ngày tận cùng bĩ cực.

Nhìn đứa cháu co quắp nằm giữa nhà, bà liên tục gạt nước mắt khi kể về hoàn cảnh khốn khổ của mình. Ngoài anh con trai Trần Hữu Thông (SN 1974) bị tâm thần, bà còn một cô con gái cũng mắc bệnh giống anh trai. May là chị phát bệnh sau khi sinh con, lại được người chồng tốt bụng chăm sóc nên bà cũng bớt đi gánh nặng đè lên vai.

Sau khi đi nghĩa vụ quân sự về thì anh Thông bắt đầu có biểu hiện không bình thường. Khi anh Thông lấy vợ, bà Chinh vừa mừng vừa lo, chỉ mong sao có gia đình, có người nâng đỡ, chăm sóc thì bệnh tình của con sẽ khỏi. Cũng được vài năm sau khi lấy vợ anh Thông tỉnh táo hơn một chút nhưng khi vợ sinh con, đứa con tật nguyền ẳm ngửa thì anh Thông phát bệnh nặng hơn. Lúc đầu người vợ cũng chăm sóc chồng con nhưng nhìn chồng ngày càng điên mà con thì chỉ biết nằm một chỗ chị cũng dần sinh ra chán nản.

Trời thương Hùng nên trí não vẫn tỉnh táo hơn bố. Hùng biết thương mình, thương bà, chỉ nằm một chỗ chứ không quậy phá và rất ít khi ốm đau.
Trời thương Hùng nên trí não vẫn tỉnh táo hơn bố. Hùng biết thương mình, thương bà, chỉ nằm một chỗ chứ không quậy phá và rất ít khi ốm đau.

“Một lần nó nói với tôi, xin tôi cho nó đi bước nữa. Thương con, thương cháu nhưng tôi biết mần răng được, con mình, cháu mình thì mình chịu chứ răng bắt nó chịu cả đời. Tôi bảo thôi con không sống được với mẹ, với cha con thằng Thông thì con cứ đi. Rứa là nó đi lấy chồng khác. Cũng tội, lấy phải ông chồng siêng ăn nhác làm thành ra nó cũng vất vả chứ có được nhàn nhã tý nào đâu. Thỉnh thoảng nó về thăm con, mua cho con tấm bánh gói quà rồi cũng tất bật đi, lâu lắm rồi nó không về”, bà Chinh kể.

Ông Nguyễn Đức Kiên – Chủ tịch UBND xã Diễn Lợi cho biết: “Hoàn cảnh của bà Chinh thì cả xã ai cũng biết. Chồng mất sớm, anh Thông - con trai đi nghĩa vụ quân sự về thì bị tâm thần, cháu Hùng bị tàn tật, nằm một chỗ, chị vợ thấy thế cũng bỏ đi, để cha con anh Thông lại cho bà Chinh chăm sóc. Mặc dù xã, huyện cũng hết sức quan tâm, lễ Tết cũng có quà vào thăm hỏi nhưng không thấm được vào đâu. Mong các tổ chức xã hội thông qua Báo Dân trí quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ để bà Chinh có được cuộc sống thanh thản cuối đời”.

Vợ đi rồi, anh Thông có tỉnh táo hơn đôi chút, anh mang một người phụ nữ về nhà và có với chị này một đứa con gái. Nhưng rồi không chịu nổi tính khí thất thường của anh, người vợ hai ôm con về nhà ngoại ở. Vừa rồi chị ra Hà Nội làm thuê nên quyết định đưa Trần Thị Thương (con gái anh Thông) về nhờ bà Chinh chăm sóc, nuôi dưỡng, mỗi tháng chị gửi cho mẹ chồng 500 nghìn đồng. Bé Thương cũng không được nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác nên 13 tuổi mà mới học đến lớp 2, đọc chữ tác chữ tộ còn tính toán thì chẳng biết gì.

Bệnh tình anh Thông ngày càng nặng, nhất là sau 2 cú sốc tâm lý. Anh trở nên hung tợn, đập phá nhà cửa, vật dụng trong nhà. “Có lúc nó lên cơn, nhè tôi với thằng Hùng mà đập. Tôi vội vàng bế thằng Hùng lên xe đẩy, hai bà cháu đi trốn cả đêm không dám về. Giờ cái xe đẩy của thằng Hùng nó cũng đập hỏng rồi. Dạo này nó bệnh nặng hơn, điên hẳn rồi, không biết chi nữa”, bà Chinh ứa nước mắt kể.

Bón cho cháu từng miếng ăn, bà Chinh lại tất tả đi tìm con, đưa con về.
Bón cho cháu từng miếng ăn, bà Chinh lại tất tả đi tìm con, đưa con về.

Từ ngày con trai “điên” hẳn, bà lại thấy may, ít nhất là hai bà cháu không phải chịu những trận đấm đá hay phải chạy khỏi nhà giữa đêm hôm. Hàng ngày anh Thông vác bì tải lên vai, đi khắp nơi lượm lặt đủ thử nhét vào bì rồi lại tha về, chất một góc nhà. Những thứ anh tha về, có khi là nguyên cả túi rác, bỉm trẻ con hay những thứ bẩn thỉu hơn thế, cả góc vườn bốc mùi hôi thối, nước bẩn tràn khắp nơi. Bà Chinh lại hì hụi khuân rác đi vứt, dăm bữa nữa tháng vườn lại tấp đầy rác như cũ.

Có những khi anh Thông đi, đến bữa cơm cũng chẳng nhớ đường mà về, bà Chinh lại đơm cơm vào cặp lồng, đi tìm con vì sợ con đói quá mà lả đi, nằm đâu đó ngoài đường. Phút bình yên duy nhất của bà là khi đêm về, con trai, cháu nội mỗi người một góc nhà, ngủ ngáy như sấm.

Người đàn bà 75 tuổi này chỉ sợ mình chết đi, con trai, cháu nội không biết bấu víu vào đâu để sống.
Người đàn bà 75 tuổi này chỉ sợ mình chết đi, con trai, cháu nội không biết bấu víu vào đâu để sống.

Bà già rồi, ruộng nương chẳng làm được nữa nên cho người làng mượn đất cày cấy. Ngoài số tiền 500 nghìn mẹ bé Thương gửi hàng tháng, mọi chi tiêu trong nhà đều dựa vào khoản trợ cấp dành cho hai cha con anh Thông. Khéo co kéo thì cũng không phải chịu cảnh đói khát nhưng bà như ngọn đèn sắp hết dầu, chẳng biết sống được mấy hơi nữa: “5 đứa con thì 2 đứa ngớ ngẩn, 3 đứa còn lại thì chật vật lo cho các con ăn học nên cũng không đỡ đần được mẹ. Nói dại, trời cho tôi cái sức khỏe nên còn có sức mà chăm con, chăm cháu. Mai mốt tôi mà chết đi, ai chăm cho cha con thằng Thông, thằng Hùng…”, bà kéo ống tay áo sờn rách quẹt hàng nước mắt lăn ra từ hai hốc mắt trũng sâu. Dường như hiểu được bà nói, thằng Hùng gác mặt lên đống giẻ rách kê trên chiếu lặng thinh…

Bà lật đật chạy ra, vo gạo cắm cơm rồi tất tả đi tìm con trai. Đội mê nón trên đầu, khoác tấm ni lông tận dụng từ vỏ bao đạm, bà bước như chạy dưới mưa rét, bỏ lại sau lưng tiếng gào rú của đứa cháu tội nghiệp…

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1.Mã số 2109: Đặng Thị Chinh – xóm 6, xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu, Nghệ An

ĐT: 0166. 716. 1404

2. Quỹ Nhân ái - Báo Khuyến học & Dân trí - Báo điện tử Dân trí.

Ngõ 2 nhà số 48 Giảng Võ, Đống Đa, Hà Nội

Tel: 04. 3. 7366.491/ Fax: 04. 3. 7366.490

Email: quynhanai@dantri.com.vn

Bạn đọc ủng hộ qua các tài khoản sau:

* Tài khoản VNĐ tại VietComBank:

Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 045 100 194 4487

Tại: Ngân Hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành Công - Hà Nội.

* Tài khoản USD tại VietComBank:

Account Name:Bao Khuyen hoc & Dan tri

Account Number: 045 137 195 6482

Swift Code: BFTVVNVX

Bank Name: THE BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM (VietComBank)

* Tài khoản VNĐ tại VietinBank:

Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 10 201 0000 220 639

Tại: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hoàn Kiếm

* Tài khoản VNĐ tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 0721100356359

Tại Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Thái Thịnh - Hà Nội

* Tài khoản USD tại Ngân hàng Quân đội (MB)

Tên TK:Báo Khuyến học & Dân trí

Số TK: 0721100357002

Swift Code: MSCBVNVX

Bank Name: MILITARY COMMERCIAL JOINT STOCK BANK - MCSB ( No.3, Lieu Giai str., Ba Dinh Dist., Hanoi, Vietnam)

* Tài khoản VND tại Ngân hàng Agribank:

- Tên tài khoản: Báo Khuyến học và Dân trí

- Số tài khoản VND: 1400206027950.

- Tại Ngân hàng: Agribank CN Láng Hạ

* Tài khoản USD tại Ngân hàng Agribank:

- Account Name: Bao Khuyen hoc & Dan tri

- Account Number: 1400206027966

- Swift Code: VBAAVNVX402

- Bank Name: Vietnam Bank for Agriculture and Rural Development, Lang Ha Branch

3. Văn phòng đại diện của báo:

VP Hà Tĩnh: 46 Nguyễn Công Trứ, Phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Tel: 039.3.857.122

VP Đà Nẵng: 25 Nguyễn Tri Phương, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Tel: 0511.3653.725

VP TPHCM: số 39L đường 11 (Miếu Nổi), phường 3, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Tel: 0866786885

VP Cần Thơ: 53/13 Lý Tự Trọng, Q Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tel: 0710.3.733.269

Hoàng Lam