Chấm Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2017: Toát mồ hôi với màn "hỏi xoáy đáp xoay"
(Dân trí) - Hôm nay (14/11), tác giả của 17 sản phẩm lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 đã “đối mặt” với Ban giám khảo đầy kinh nghiệm với những câu hỏi xoáy đầy hóc búa. Phần đối đáp của các thí sinh cũng được hy vọng sẽ tạo ra những bất ngờ lớn của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay.
Nhân tài Đất Việt 2017: Chấm Chung khảo lĩnh vực công nghệ thông tin.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 đã bước vào giai đoạn nước rút. Ngày 31/10, 17 sản phẩm CNTT đã được chọn ra từ 289 sản phẩm, vào vòng Chung khảo của Giải thưởng. Sau 1 tuần hội đồng khảo sát về ý tưởng, tính thực tiễn của các sản phẩm, hôm nay (14/11), các tác giả của 17 sản phẩm đã trực tiếp bảo vệ trước Hội đồng chấm thi Chung khảo là những chuyên gia hàng đầu về CNTT. Đây là phần thi được xem là hóc búa đối với tất cả các thí sinh từng dự thi Giải thưởng Nhân tài Đất Việt vì sẽ phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa từ hội đồng.
Trước khi bước vào buổi chấm Chung khảo của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017, ông Nguyễn Long - Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Nhân tài Đất Việt 2017 đã gửi lời tri ân tới tất cả các nhà giáo trên khắp cả nước và gửi những lẵng hoa tươi thắm tới những thành viên trong hội đồng Chung khảo là những nhà giáo từ các trường đại học hàng đầu.
Nhà báo Phạm Huy Hoàn, Trưởng BTC Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017, khẳng định Giải thưởng NTĐV đã phát sáng ở tầm cỡ thế giới.
Phát biểu tại buổi chấm Chung khảo, nhà báo Phạm Huy Hoàn, Trưởng BTC Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017, chia sẻ: “Tôi là người được may mắn vinh dự gắn bó với giải thưởng ngay từ thời gian đầu. Và, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã phát sáng ở tầm cỡ thế giới như ngày hôm nay là niềm tự hào của đơn vị đồng tổ chức là VNPT trong vai trò là người tạo vinh quang cho các bạn trẻ, các doanh nghiệp tiềm năng và ý tưởng sáng tạo”.
Trưởng BTC đã gửi lời cám ơn hội đồng Ban giám khảo, cám ơn những người đã theo giải thưởng đi từ ngày đầu của Giải thưởng từ 13 năm trước.
Ông Nguyễn Long - Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2017 - cho biết trong những năm đầu tiên tất cả sản phẩm đều được xếp cùng vào một hạng mục. Tuy nhiên, nhận ra những sự nhược điểm của cách chia này, năm sau số hạng mục được chia làm 2, bao gồm nhóm sản phẩm có tiềm năng và nhóm sản phẩm đã áp dụng thành công. Sau đó, giải thưởng đã có thêm vào hạng mục cho các sản phẩm thuộc lĩnh vực di động.
Ông Nguyễn Long - Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Nhân tài Đất Việt 2017 - trao đổi qua với hội đồng trước khi bước vào vòng chấm Chung khảo.
Ông Long cũng nhấn mạnh năm nay, nhằm hưởng ứng theo xu thế chung và theo định hướng của Chính phủ, giải thưởng đã thêm 1 nhóm mới đó là khởi nghiệp. Đúng như kỳ vọng, nhóm sản phẩm này được đông đảo các bạn trẻ tham gia, và đây cũng là điểm mới của giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay.
“Cảm ơn hội đồng từ tất cả mọi nơi đã hội tụ về đây để giúp BTC tạo môi trường tốt cho các bạn trẻ trong giai đoạn chính phủ đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo. Hy vọng hội đồng sẽ làm việc để giúp BTC chọn ra những sản phẩm tốt nhất để vinh danh vào tối 16/11 tới”, vị Chủ tịch Hội đồng Chung khảo NTĐV 2017 bày tỏ.
Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc VNPT, tự hào vì đã đồng hành cùng với Giải thưởng Nhân tài Đất Việt suốt 13 năm qua.
Không giấu được niềm tự hào khi đồng hành cùng với Giải thưởng NTĐV 2017, ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc VNPT, cho biết: “Trong một chiều dài lịch sử của NTĐV, trong vai trò của đơn vị đồng tổ chức VNPT, tôi tự hào rằng giải thưởng đã đi vào cuộc sống, đc tôn vinh, được xã hội công nhận. Cần phải nói rằng lý do giải thưởng phát huy được tiếng vang lớn trong thời gian qua là nhờ vai trò rất lớn từ BGK”.
Ông Liêm nói thêm: “Chúng tôi kỳ vọng với vai trò trách nhiệm và chuyên môn của mình, BGK sẽ công tâm và có những đánh giá rõ ràng để chúng ta chọn ra những sảm phẩm đánh giá cao, được xã hội công nhận”.
Toàn cảnh buổi chấm chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017.
Đúng 9h, 17 nhóm tác giả của những sản phẩm lọt vào vòng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 bắt đầu thuyết trình trước hội đồng. Hội đồng được chia thành 3 phòng với các nhóm sản phẩm tiềm năng, sản phẩm di động và nhóm sản phẩm khởi nghiệp.
Nhân tài Đất Việt 2017: "Quay cuồng" trong phòng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017.
Theo quy định của BTC, mỗi nhóm tác giả sẽ có 35 phút để bảo vệ trước Hội đồng Chung khảo. Thời gian trình bày về sản phẩm không quá 20 phút và 15 phút còn lại là phần hỏi đáp giữa hội đồng và các thí sinh. Rất nhiêu câu hỏi hóc búa xoay quanh các sản phẩm, đặc biệt là về tính trí tuệ của sản phẩm. Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng nhưng không ít nhóm thí sinh tỏ ra bối rối trước những câu hỏi "chưa từng nghĩ tới" của hội đồng.
Các thí sinh thuyết trình về sản phẩm của mình.
Hội đồng Chung khảo thích thú trước những thông tin từ thí sinh.
Không khí căng thẳng của hội đồng chấm Chung khảo NTĐV 2017.
Nhóm tác giả đầu tiên bảo vệ ở Hội đồng Sản phẩm CNTT khởi nghiệp nhóm tác giả là công ty TNHH VLAB với ứng dụng Công khai và Cung cấp thông tin quy hoạch trực tuyến Vlab của
Thí sinh trình bày câu chuyện khởi nghiệp của một dự án, qua đó vẽ ra một bức tranh cho thấy sự thay đổi sâu sắc trong quy hoạch nhà đất. Hiện sản phẩm đang áp dụng tại quận Thủ Đức. Sản phẩm ra đời với mục tiêu tăng cường hiệu quả việc công khai thông tin quy hoạch đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp, đồng thời trực tuyến hóa thủ tục cung cấp thông tin quy hoạch nhằm tạo sự tiện lợi cho người dân và nâng cao năng suất xử lý hồ sơ của cơ quan hành chính nhà nước.
Đại diện nhóm tác giả cho rằng với ứng dụng Vlab, doanh nghiệp sẽ được lợi từ hệ thống bởi như trước đây để đưa ra 1 quyết định đầu tư, các doanh nghiệp phải đi tới nhiều địa chỉ như UBND phường, UBND quận, sở quy hoạch. Giờ đây doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định dễ dàng hơn vì biết được thông tin khu đất đầu tư.
Phút trao đổi giữa thí sinh và hội đồng chấm chung khảo NTĐV 2017.
Đánh giá về sản phẩm, TS. Phùng Văn Ổn, Phó chủ tịch Hội tin học Việt Nam cho rằng thí sinh đã đưa ra mô hình sản phẩm thuộc nhóm lĩnh vực "nóng" tại thời điểm hiện nay, nhằm giải quyết bài toán khai thác chính xác, đầy đủ thông tin quy hoạch đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Qua đó cũng thu được một dữ liệu lớn thông tin từ người dùng, thói quen người dùng, từ đó cải thiện sản phẩm tốt hơn và mang đến những tính năng hỗ trợ tốt hơn trong tương lai.
Tuy nhiên vấn đề chung được ban giám khảo quan tâm đó là điểm độc đáo về mặt công nghệ được sử dụng trong hệ thống, cũng như tính triển khai quy mô rộng lại dường như đang gặp phải những vấn đề lớn do chưa chủ động được nguồn thu nhập.
Hội đồng liên tục đưa ra những câu hỏi khó liên quan tới bảo mật, định hướng kinh doanh, và khả năng hoạt động nếu phải cạnh tranh với các dự án được đầu tư tiền tỉ của nhà nước chính phủ. Thí sinh dường như gặp vấn đề về tâm lý nên chưa thể trả lời một cách trôi chảy và đầy đủ cho phần trình bày của mình.
Những câu hỏi xoáy của hội đồng khiến các nhóm tác giả bối rối.
Tại phòng chấm nhóm sản phẩm triển vọng ứng dụng, tranh tô màu 4D Kolorfun của nhóm tác giả là công ty cổ phần phát triển công nghệ thực tế ảo Việt Nam . Đây là quyển Tô màu 4D đầu tiên do Việt Nam sản xuất, sách được xuất bản vào quý I/2017. Sản phẩm này gây sự chú ý của hội đồng vì sự kết hợp giữa tranh tô màu vốn quen thuộc với công nghệ thực tế ảo để biến một bức tranh trở nên sinh động thông qua ứng dụng trên điện thoại.
Trong khi đó, tại hội đồng chấm nhóm sản phẩm CNTT kết nối - di động cũng cho thấy sức nóng của lĩnh vực ứng dụng di động. Nhóm tác giả là Công ty TNHH Công Nghệ Tự Do đã thuyết trình về sản phẩm Smart Solver. Anh Phạm Khắc Cảnh đại diện cho nhóm cho biết đây là phần mềm có thể tự học tập, suy nghĩ như con người. Có thể giải được những bài toán mà con người chưa giải được (ví dụ giả thuyết Riemann).
Tuy nhiên, hội đồng Ban giám khảo băn khoăn, phần mềm này có làm cho học sinh lười đi và phụ thuộc quá vào công nghệ, và các kết quả của bài giải có chính xác 100%?. Ông Cảnh trả lời: “Phần mềm sẽ cho ra các cách giải khác nhau và nhanh nhất, hỗ trợ sinh viên, học sinh. Phần mềm chỉ có thể giải được hoặc không giải được chứ không có chuyện giải sai”.
Ban giám khảo thắc mắc về cách gõ dữ liệu vào phần mềm, anh Cảnh thừa nhận, phần mềm đang còn hạn chế khâu nhận diện bằng hình ảnh, trong thời gian tới, thay vì gõ dữ liệu vào, người dùng chỉ cần đưa điện thoại lên chụp lại là phần mềm sẽ nhận dạng được và xử lý bài toán.
Hội đồng Chung khảo tiếp tục “nóng” khi nhóm tác giả công ty cổ phần Rada thuyết trình về ứng dụng kết nối dịch vụ Rada. Đây là ứng dụng kết nối người dùng với các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp trên cơ sở phát triển hệ thống ứng dụng di động. Nhóm này cho biết 2 nhóm sản phẩm là sửa chữa thiết bị gia dụng, sửa chữa nhà cửa được khách hàng quan tâm nhiều.
17 sản phẩm lọt vào Chung khảo đã được hội đồng khảo sát thực tế để hiểu rõ hơn nhằm đưa ra những đánh giá, tư vấn có ích cho các nhóm thí sinh.
Hội đồng cho biết ấn tượng với mô hình ứng dụng, nhưng lo ngại về sự cạnh tranh với các nhà tổng hợp tổng thể (như Google), và nhỏ hơn là các chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể. Lý do là bởi Rada tham gia vào quá nhiều nhóm dịch vụ.
Hội đồng cũng cho rằng sản phẩm hướng tới các tình huống khẩn cấp thì đúng, nhưng đối với các tình huống cố định thì nghi ngại về khả năng tiếp tục triển khai, bởi người dân thường có xu hướng chỉ sử dụng 1-2 dịch vụ sửa chữa, sau khi quen rồi thì tiếp tục sử dụng dịch vụ đó nếu thấy tốt. Như vậy thì không có lý do nào để quay lại Rada để tìm đến các dich vụ khác.
Đối với nhóm sản phẩm 123Xe - hệ thống quản lý, điều hành xe tự động và đặt xe online của nhóm tác giả: Nguyễn Trung Thành, Phạm Tuấn Anh, Bùi Quang Hiếu, Hoàng Văn Đạt. Ông Nguyễn Trung Thành đại diện nhóm cho biết mục tiêu của sản phẩm là giúp khách hàng tìm xe dễ dàng hơn, tiết kiệm tiền hơn; đối với đối tác giúp họ có nhiều khách hàng hơn.
Ông Thành thông tin thêm, hiện tại đã có 500 xe từ 4-45 chỗ hợp tác với 123xe, đã có khoảng 10.000 người dùng trên di động ở hệ điều hành Android, 10.000 hệ điều hành iOS. 123xe đã kết nối 2.000 chuyến đi thành công (từ tháng 12/2016 đến nay).
“Mục tiêu của 123xe là phục vụ khách đi đường dài với giá tốt nhất và hợp tác với các hãng taxi. Các hãng taxi tự do kinh doanh trên 123xe với bảng giá riêng biệt, chất lượng cạnh tranh” - ông Thành nói.
Trước trình bày trên, Hội đồng giám khảo bày tỏ băn khoăn, liệu 123xe có cạnh tranh được với các sản phẩm tương tự như của Uber, Grab? Ông Thành cho biết, sẽ không cạnh tranh trực tiếp mà sẽ đi vào các phân khúc, ngách nhỏ như đi vào các dịch vụ vận tải đường dài ở các xe từ 16-45 chỗ.
Hội đồng giám khảo tiếp tục chất vấn, nếu xe đi đường dài mà gặp sự cố như nổ lốp lúc đó sẽ giải quyết cho hành khách như nào? Ông Thành trả lời, lúc đó hành khách hoặc lái xe sẽ kết nối với tổng đài, để tổng đài sẽ điều xe khác và 123xe sẽ có cơ chế bù lỗ cho khách.
Nhóm sản phẩm Giải pháp phòng chống tấn công mạng Cyber APT của công ty cổ phần Công nghệ An toàn mạng Cyberlab đã trình bày trước hội đồng chung khảo về ý tưởng và định hướng của sản phẩm. Đại diện nhóm cho biết CyberAPT là một giải pháp thuộc dòng sản phẩm mới nhằm bảo vệ các hệ thống mạng chống lại một trong các dạng tấn công nguy hiểm và khó phát hiện nhất hiện nay là tấn công có chủ đích APT. Về tính ứng dụng, sản phẩm có thể tương thích với hầu hết các hệ thống mạng của tổ chức và đón đầu được xu thế mới của An toàn thông tin là "Chủ động phát hiện sớm tấn công".
TS. Phùng Văn Ổn, Phó chủ tịch Hội tin học Việt Nam đánh giá mô hình kinh doanh chưa rõ ràng. Ông cho rằng khởi nghiệp ngày nay phải tìm được 1 đường lối phát triển nào đó mang tính ổn định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thì đánh giá cách tiếp cận phù hợp với xu thế tấn công APT dựa trên các hạ tầng sẵn có. Cũng là một nhu cầu mà Việt Nam đang cần rất nhiều, nơi mà các phần mềm diệt virus không phát hiện ra các cuộc tấn công đó.
Trước câu hỏi của ban giám khảo về việc “phát hiện sớm” cuộc tấn công mạng là sớm như thế nào, đại diện của nhóm dự thi cho biết yếu tố sớm mà nhóm đánh giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, nhưng thường chỉ phát hiện sớm đối với các cuộc tấn công APN nhằm vào Việt Nam. Trong đó, cuộc tấn công sớm nhất mà nhóm ngăn chặn được đã sớm hơn từ 5-6 tháng so với các hệ thống public khác và các hãng khác phát hiện được.
Trước câu hỏi của ban giám khảo về tại sao chỉ tập trung phát triển ở thị trường chính phủ, công ty nhà nước, mà không triển khai ở những công ty doanh nghiệp - vốn sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn hơn, đại diện của nhóm sản phẩm cho biết sau khi tìm hiểu, nhóm thấy thị trường TMĐT Việt Nam hiện vẫn chưa sẵn sàng để trả tiền để trang bị một hệ thống bảo vệ an ninh chống lại APT. Trái lại, hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày nay chỉ quan tâm tới các dạng tấn công như virus mã độc tống tiền, vốn dễ gây ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của họ. Do vậy, nhóm không dám mạo hiểm với nhóm người dùng này.
Nhân tài Đất Việt 2017: "Ban giám khảo làm việc rất công tâm"
Trong trình bày của mình, anh Nhật Quang cho biết, phần mềm Chebi Chat còn được tích hợp nhiều tính năng khác như hỗ trợ nhận dạng lời nói, ngôn ngữ cho các tổng đài, các dịch vụ công…nhưng chính việc này lại bị Hội đồng giám khảo “bắt lỗi” vì cho rằng, sản phẩm này có tên là “Trợ lý ảo học ngoại ngữ”, chủ yếu phục vụ người học ngoại ngữ mà lại “ôm đồm” nhiều thứ như vậy, cần phải khoanh vùng vào việc học cho trọng tâm hơn.
Không khí căng thẳng của quá trình chấm Chung khảo NTĐV 2017.
Công tác chấm Chung khảo Giải thưởng NTĐV 2017 lĩnh vực CNTT sẽ được hoàn thành vào cuối ngày hôm nay. Sau đó Hội đồng chấm thi Chung khảo tiến hành họp bàn, đánh giá để lựa chọn sản phẩm xứng đáng nhất tôn vinh tại đêm trao giải vào ngày 16/11 tới. Kết quả chấm thi sẽ được bảo mật đến phút chót và chỉ công bố vào đêm trao giải.
Khôi Linh - Nguyễn Nguyễn - Nguyễn Dương
Ảnh: Hữu Nghị
Video: Trọng Trinh