1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tuổi thọ người Việt tăng liên tục, vượt trung bình thế giới

(Dân trí) - Là quốc gia có tỷ lệ người sống thọ cao trong khu vực, tuy nhiên chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người cao tuổi của Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết người cao tuổi đang phải tự lao động kiếm sống, số cụ được hưởng lương, trợ cấp rất ít.

Thông tin trên được BS Mai Xuân Phương, Phó vụ trưởng Vụ Truyền thông thuộc Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình (Bộ Y tế), cho biết trong buổi gặp gỡ báo chí về các vấn đề dân số diễn ra ngày 23/11 tại TPHCM.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tuổi thọ của người Việt Nam trong những thập kỷ qua liên tục tăng, nếu năm 1960 tuổi đời của người Việt trung bình chỉ đạt 40 năm (thế giới là 48 năm) thì đến nay tuổi thọ của người Việt đã tăng lên 73,2 (tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm gần 7% dân số) vượt tuổi thọ trung bình của thế giới (trung bình thế giới là 69 tuổi). Dự báo, đến năm 2050, tuổi thọ trung bình của người Việt sẽ tăng lên 80,4 tuổi.


Đa số người cao tuổi Việt Nam sống ở nông thôn, sống chủ yếu dựa vào con cháu

Đa số người cao tuổi Việt Nam sống ở nông thôn, sống chủ yếu dựa vào con cháu

Theo phân tích của BS Mai Xuân Phương, đây là một trong những thành quả chứng minh cho sự phát triển xã hội trong điều kiện kinh tế đất nước được nâng lên, điều kiện sống, sinh hoạt, dinh dưỡng và chăm sóc y tế được cải thiện. Cùng với mức tăng vệ tuổi thọ, tỷ lệ người sống thọ của nước ta đang ngày một nhiều thêm, hiện nay có khoảng 7.200 cụ thọ trên 100 tuổi.

Từ năm 2011, dân số Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa. Trước thực tế số người cao tuổi ngày càng nhiều, nhu cầu được chăm sóc về mặt xã hội và về sức khỏe ngày càng cao, tuy nhiên, những chính sách an sinh xã hội gần như chưa theo kịp. Chế độ trợ cấp cho người cao tuổi còn thấp, cả nước chỉ mới có một số bệnh viện tại Hà Nội và TPHCM lập đơn vị Lão khoa phục vụ công tác chăm sóc người già.

Mặt khác, phần lớn người cao tuổi vẫn phải vất vả kiếm sống. Số liệu điều tra quốc gia về người cao tuổi năm 2011 chỉ ra, Trên 70% người cao tuổi phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình, chỉ có hơn 25,5% người cao tuổi sống bằng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội.

Trong khi đa số người cao tuổi trên cả nước sinh sống chủ yếu ở nông thôn, gắn với nghề nông thì tỷ lệ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, thiên tai, dịch họa dẫn đến thu nhập của người nông dân nói chung, người cao tuổi nói riêng còn thấp, khiến đời sống vật chất gặp khó khăn.

Tuy tuổi thọ trung bình cao, nhưng bệnh tật lúc tuổi già đang là nỗi lo chung của các cụ. Thống kê y tế chỉ ra, khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây. Do điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu sự hỗ trợ của gia đình và xã hội nên chỉ có 13% người cao tuổi ở nông thôn bị đau ốm, chấn thương trong 12 tháng được điều trị bởi cán bộ y tế.

Vân Sơn