Thiếu sắt, trẻ nhỏ sẽ "dễ ốm" như thế nào?
(Dân trí) - Theo PGS. TS Đào Minh Tuấn, Phó Viện trưởng viện Nghiên cứu sức khỏe trẻ em, Trưởng khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi TƯ, thiếu sắt không chỉ gây thiếu máu mà còn góp phần đáng kể vào tình trạng sức khỏe ốm yếu của trẻ ngay từ khi trong bụng mẹ, trong những năm tháng đầu đời và thậm chí cả khi trưởng thành.
Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2009, tỷ lệ thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 29,2% và trẻ em 7-15 tuổi khoảng 20%; còn ở phụ nữ tuổi sinh đẻ là 28,8%, phụ nữ mang thai 36,5%.
Trong đó, tỷ lệ thiếu máu do thiếu sắt chiếm mức cao nhất, chiếm 53,2% đối với phụ nữ có thai, 27,8% cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và 49,1% đối với trẻ dưới 5 tuổi.
Vậy tình trạng trên có thể gây ra những hệ lụy gì?
Theo báo cáo khoa học trình bày tại Hội nghị khoa học Cập nhật dự phòng và điều trị thiếu sắt/thiếu máu do thiếu sắt mà bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 3/11 của PGS. TS Đào Minh Tuấn, tình trạng thiếu sắt ở trẻ em và bà mẹ mang thai này đã, đang và sẽ gây ra những hệ lụy không nhỏ:
Không tăng cân
Theo PGS. TS Minh Tuấn, hiện tượng thiếu máu thường xuất hiện khi thiếu sắt rõ rệt. Bởi 70% lượng sắt cơ thể hấp thu sẽ kết hợp protein tạo hemoglobin, đảm nhận vai trò vận chuyển ôxy đến tổ chức của hồng cầu.
Khi cơ thể thiếu máu, toàn trạng sẽ suy yếu. Do đó, ngay khi thấy trẻ dưới 1 tuổi vẫn bú mẹ tốt mà không tăng cân thì cần nghĩ tới thiếu máu và đưa trẻ đi khám.
Giảm chức năng, hiệu quả cơ bắp
Sắt tạo nên myoglobin trong cơ, chủ yếu cơ vân. Khi thiếu sắt, cơ lực và tính đàn hồi của cơ giảm rõ rệt, dẫn tới giảm hồi phục co cơ, gây ra tình trạng mỏi cơ.
Do đó, trẻ thiếu sắt, thiếu máu sẽ mệt mỏi, yếu ớt, chậm phát triển vận động.
Suy giảm chức năng nhận thức
Với vai trò vận chuyển ôxy lên não và các tổ chức thần kinh khác của hemoglobin, thiếu sắt sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến não bộ do thiếu hemoglobin.
Sắt cũng tác động trực tiếp lên hệ thần kinh qua cơ chế tham gia cấu tạo neuron thần kinh mới, cũng như tham gia vào quá trình dẫn truyền các xynap thần kinh.
Những trẻ thiếu sắt sẽ có nguy cơ chậm phát triển tinh thần, làm suy giảm khả năng học tập khi lớn lên.
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến trạng thái tâm lý, tinh thần
Sắt tham gia tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh (chất vận mạch) như Dopamin, Nor-epinerphrine, Serotonin, tạo sự hưng phấn của hệ thần kinh; đảm bảo sự cân bằng trạng thái thần kinh nhờ ổn định giữa 2 hệ giao cảm và phó giao cảm. Do đó, khi cơ thể thiếu sắt sẽ có biểu hiện bất an, mệt mỏi, dễ cáu gắt.
Suy giảm hệ miễn dịch
Sắt tham gia cấu tạo các enzym chứa sắt. Một số yếu tố miễn dịch như các globulin, bổ thể hay tế bào miễn dịch như đại thực bào, interleukin muốn hoạt động tốt phải có sự tham gia của sắt (đặc biệt IgE). Vì thế, khi cơ thể thiếu sắt sẽ dễ ốm bệnh.
TS. Peter Geisser, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học CLB sắt châu Âu, cho biết tại Hội nghị: “Thiếu sắt làm tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ bởi sắt tham gia vào cấu tạo các enzym chuyển hóa đường”.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, thiếu sắt góp phần gây ra tình trạng dễ rối loạn tiêu hóa, dễ mắc bệnh hô hấp ở trẻ.
Tuy nhiên, PGS.TS Minh Tuấn cũng khuyên không nên bổ sung sắt ngay khi trẻ đang bị bệnh nhiễm trùng cấp tính bởi bổ sung sắt lúc này sẽ gần như không thể hấp thu.
Với những trẻ hay bị mắc các bệnh nhiễm trùng, sẽ bắt buộc phải bổ sung sắt sau khi đã qua giai đoạn cấp tính. Bởi theo BS Tuấn, yếu tố viêm gây cản trở hấp thu sắt, tạo ra vòng luẩn quẩn thiếu sắt – dễ mắc bệnh nhiễm trùng.
Mất khả năng điều hòa thân nhiệt
Khi thiếu sắt, thân nhiệt dễ bị hạ do tưới máu kém (thiếu máu) kết hợp với suy giảm chuyển hóa, trao đổi chất trong tế bào do quá trình oxy hóa trong tế bào cần có sắt tham gia (quá trình tạo ATP trong chu trình Kreb cần có 1 loạt enzym có sắt tham gia).
Tăng nguy cơ ngộ độc
Đặc biệt, theo PGS.TS Minh Tuấn, thiếu sắt sẽ tăng hấp thu chì trong đường ruột, dẫn tới nguy cơ dễ ngộ độc chì ở người thiếu sắt cao hơn hẳn những người không thiếu sắt.
Và khi cơ thể bị ngộ độc chì, hệ tạo máu và thần kinh bị tổn thương sẽ rất khó hồi phục
Về nguyên nhân thiếu sắt ở trẻ, theo PGS.TS Minh Tuấn, đây là do trẻ bị thiếu sắt ngay từ trong bụng mẹ, sữa mẹ không đủ sắt và chế độ ăn uống.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, 75% thiếu máu ở phụ nữ có thai là do thiếu sắt. Và với tỉ lệ gần 37% phụ nữ mang thai thiếu máu, trẻ sinh ra từ những người mẹ này cũng sẽ dễ bị thiếu máu, nhẹ cân, non tháng, tăng khả năng bị mắc các bệnh sơ sinh.
Khi mẹ thiếu sắt sẽ gây thiếu máu, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi; còn khi trẻ sinh ra bị thiếu sắt là do sữa mẹ không đủ sắt và sau này thiếu sắt là chế độ ăn.
Do đó, về việc cung cấp sắt cho cơ thể, khi các bà mẹ mang thai đi khám, các bác sĩ sản khoa luôn khuyến cáo sản phụ uống bổ sung sắt trong giai đoạn mang thai và sau sinh. Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Bá Quyết cũng khuyến nghị không cần thiết phải uống bổ sung sắt trong 3 tháng đầu thai kỳ, mà chỉ cần uống từ 3 tháng giữa thai kỳ trở đi, đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ và sau khi trẻ chào đời do nhu cầu sắt của thai nhi và trẻ sơ sinh cao gấp nhiều lần so với người lớn.
Việc bổ sung sắt cho trẻ nên ưu tiên chế độ ăn các thực phẩm giàu chất sắt từ động vật (thịt bò, thịt lợn…), ăn 2 - 3 bữa hải sản/tuần sẽ cung cấp đủ sắt - kẽm cho cơ thể.
Riêng các trường hợp phải bổ sung sắt (người suy thận, trẻ nhỏ bị thiếu sắt do thiếu sắt, phụ nữ mang thai và cho con bú...) cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ Vũ Bá Quyết cho biết, trước đây, nhiều thai phụ đã bỏ sắt bổ sung dù được bác sĩ chỉ định bởi các tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, táo bón....
Còn để biết chính xác cơ thể có thiếu máu do thiếu sắt thì cần làm xét nghiệm đo lượng hemoglobin và đặc biệt là lượng ferritin trong máu, trong đó nếu lượng ferritin dưới 50 ug/L là thiếu sắt.
Trần Phương
Mail: tranthuphuong@dantri.com.vn