Suýt mất mạng vì uống nước lá chữa táo bón

(Dân trí) - Bị bệnh táo bón, anh N. hái lá lộc mại nấu nước uống. Tuy nhiên, sau hai ngày anh N. đã phải nhập viện vì bị nhiễm độc và phải cấp cứu khẩn cấp.

Ngày 2/5, khoa Hồi sức Tích cực chống độc BVHNĐK Nghệ An cho biết, những ngày qua, khoa đã tiếp nhận điều trị bệnh nhân La Thanh N. (37 tuổi, trú huyện Con Cuông) bị ngộ độc lá lộc mại.

Tại bệnh viện, anh N. cho biết: Anh có tiền sử bệnh táo bón tái phát nhiều lần. Theo kinh nghiệm truyền miệng dân gian, anh đã từng hái lá cây lộc mại về nấu canh ăn để chữa bệnh. Nhận thấy cách trị bệnh này hiệu quả, ngày 21/4 vừa qua, anh N. tiếp tục hái lá lộc mại, sắc trong ấm lớn để lấy nước uống.

Bệnh nhân N. may mắn được cấp cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch.
Bệnh nhân N. may mắn được cấp cứu kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch.

Tuy nhiên, 2 ngày sau, anh N. có biểu hiện vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, sốt 2 ngày, đi kèm triệu chứng chóng mặt, chán ăn.

Gia đình đưa anh đi cấp cứu tại bệnh viện huyện và nhanh chóng được chuyển tuyến lên bệnh viện HNĐK Nghệ An. Khi vào viện, anh N. đã bị nhiễm độc gây tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng.

Nhờ được cấp cứu kịp thời nên sau 2 ngày nhập viện anh N. đã qua cơn nguy kịch và đang được các bác sỹ theo dõi, điều trị tích cực.

Theo khuyến cáo của các bác sỹ khoa Hồi sức tích cực chống độc BVHNĐK Nghệ An, thì lá lộc mại là loại lá rất độc và có thể gây tử vong rất nhanh nếu như ăn và uống với số lượng lớn. Từ đầu năm đến nay, khoa Hồi sức Tích cực chống độc của Bệnh viện đã tiếp nhận 3 ca ngộ độc lá lộc mại.

Lá lộc mại được các bác sỹ khuyên hãy cẩn thận khi dùng nó để chữa bệnh (Ảnh mang tính chất minh hoạ
Lá lộc mại được các bác sỹ khuyên hãy cẩn thận khi dùng nó để chữa bệnh (Ảnh mang tính chất minh hoạ

Đa phần các bệnh nhân khi vào viện đều rơi vào tình trạng nguy kịch do bị tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng. Nhiều trường hợp do đến muộn, bị tan máu quá nhiều không kịp truyền máu đã dẫn đến tử vong.

Điều đáng nói là, việc sử dụng lá lộc mại và một số lá cây rừng đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin truyền thông nhưng nhiều người dân do thiếu hiểu biết vẫn sử dụng để chữa bệnh và dùng làm món ăn hàng ngày.

KHUYẾN CÁO

Cây Lộc mại có tên khoa học: Claoxylon indicum (Reinw.ex Blume) Endl.ex Hassk thuộc họ Thầu Dầu (EUPHORBIACEAE)

Ở Việt Nam, cây có nhiều tên gọi khác nhau như: Lộc mại, Lục mại, Mọ trắng, Rau mại, Rau mọi. Ngoài ra còn có một số loài khác như: Lộc mại trái láng, lộc mại lá dài, lộc mại nhỏ).

Lộc mại là cây gỗ nhỏ hay lớn, có thể cao đến 15m. Lá đa dạng, phiến hình bầu dục dài 10-14cm, gốc lá có khía hơi lõm, mép răng thưa, mỏng, có lông dày hay thưa có đốm trong, cuống ngắn hay dài đến 10cm. Cụm hoa dài có lông dày, hoa đực, dài 20cm lông thưa, ngắn ở chùm hoa cái. Hoa đực có 15-20 nhị, hoa cái có bầu 2-3 ô, mỗi ô một noãn. Quả nang có lông dày dài khoảng 1cm. Hạt dài 3mm, màu trắng. Lộc mại ra hoa tháng 5-8, kết quả vào tháng 7.

Ở nước ta, lộc mại mọc ở rừng và đồi vùng đồng bằng và trung du có độ cao dưới 700 m từ Lào cai đến Kiên Giang.

Công dụng: Lá có tác dụng tẩy. Rễ có vị nhạt, tính bình, ít độc có tác dụng khu phong, trừ thấp, tán ứ, giảm đau. (chú ý: các tư liệu về loài Mercurialis của Pháp không thể áp dụng vào loài Claoxylon của Việt Nam).

Lá lộc mại non nấu canh ăn được. Lá giã nát thêm muối và nước vo gạo, hơ nóng đem chườm chữa quai bị, thấp khớp. Người cơ thể suy nhược, phụ nữ có thai không được dùng.

Tuy nhiên, dùng lá lộc mại có thể bị ngộ độc. Đối với hệ thống tiêu hoá thì gây hiện tượng ăn không tiêu, đầy bụng, đau vùng ruột, đi ngoài lỏng hoặc táo bón. Với hệ thống tiết niệu: nước tiểu có mầu đỏ, đái vặt và buốt.

Tim đập mạnh và nhanh. Bệnh nhân mệt yếu. Viêm dạ dày và ruột, viêm thận. Muốn chữa ngộ độc cần dùng thuốc nhuận để tống hết chất độc hoặc dùng thuốc kích thích chung toàn thân. Cần chú ý là nước tiểu màu đỏ không phải là do đái ra máu mà là do một loại sắc tố của cây.

Nguyễn Duy