Quảng Bình: Nỗ lực dập ổ dịch lở mồm long móng trên diện rộng

(Dân trí) - Sáng 31/3, trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Bình cho biết, lực lượng thú y đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương dập tắt ổ dịch gia súc nghi nhiễm bệnh lở mồm long móng.

Trước đó, vào những ngày cuối tháng 3, trên địa bàn các xã An Ninh, Tân Ninh và Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh) nhiều đàn gia sức có biểu hiện các triệu chứng nghi nhiễm bệnh lở mồm long móng (LMLM).

Theo báo cáo nhanh của Chi cục Thú y Quảng Bình, hiện trên địa bàn thôn Nguyệt Áng (xã Tân Ninh) có 11 con trâu, bò (của 5 hộ dân); thôn Hoành Vinh (xã An Ninh) có 16 con trâu bò (của 8 hộ dân), thôn Trường Dục (xã Hiền Ninh) có 8 con trâu, bò (của 5 hộ) biểu hiện một số triệu chứng như chảy nước bọt, nổi mụn nước ở miệng.

Chi cục Thú y đã kiểm tra, xác minh và chẩn đoán lâm sàng, đồng thời xác định số trâu bò nói trên có biểu hiện điển hình của bệnh LMLM, nhưng đang ở mức độ nhẹ.

Nhiều người dân ở huyện Quảng Ninh chủ quan thả trâu bò ở vùng có ổ dịch (Ảnh: V.M)
Nhiều người dân ở huyện Quảng Ninh chủ quan thả trâu bò ở vùng có ổ dịch (Ảnh: V.M)

Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Bình nhận định, nguyên nhân có thể là do nguồn bệnh từ các ổ dịch cũ trong những năm trước, khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi nên đã xuất hiện trở lại. “Hiện lực lượng thú y đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan sớm dập tắt ổ dịch, hạn chế mức thiệt hại thấp nhất cho bà con chăn nuôi gia sức”, ông Sơn cho hay.

Trước thực trạng trên, Chi cục Thú y tỉnh này đã đề nghị UBND các xã nói trên tuyên truyền cho người chăn nuôi về tình hình gia súc mắc bệnh; yêu cầu các hộ dân chăn nuôi không được thả rong gia súc; không được buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc trong vùng xảy ra dịch bệnh.

Đồng thời, tiến hành tiêm phòng vắc xin LMLM đợt 1 năm 2016 tại các thôn tiếp giáp với thôn có gia súc bị mắc bệnh, nhằm thu hẹp nguồn bệnh, tổ chức tiêu độc, khử trùng 2 lần/ngày tại các tuyến đường thôn, nơi có gia súc bị bệnh.

“Để xảy ra tình trạng trên, ngoài yếu tố khách quan là do ý thức của người dân còn chủ quan trong việc phát hiện bệnh và không báo cáo kịp thời với cơ quan thú y và chính quyền địa phương. Mặt khác, chính quyền một số địa phương phản ứng hơi chậm khi phát hiện gia súc bị bệnh”, ông Sơn phát giác.

Đặng Tài