Hà Nội: Lây thủy đậu từ con trẻ, nhiều người lớn nhập viện

(Dân trí) - ​Tại miền Bắc đang bước vào thời kỳ nhiều bệnh truyền nhiễm mùa đông - xuân, trong đó có thủy đậu, tay chân miệng… Chỉ riêng tại bệnh viện E Hà Nội đã tiếp nhận khoảng nhiều bệnh nhân vào viện điều trị, đa phần bệnh nhân người lớn, trong 1 tháng qua.

Mẹ nhiễm thủy đậu từ con

Bệnh nhân nhập viện điều trị vì thủy đậu đa phần là người lớn, do lo ngại nguy cơ bội nhiễm, viêm não (do có đau đầu) có thể xảy ra. Ảnh: T.X
Bệnh nhân nhập viện điều trị vì thủy đậu đa phần là người lớn, do lo ngại nguy cơ bội nhiễm, viêm não (do có đau đầu) có thể xảy ra. Ảnh: T.X

Hôm 6/2, bệnh nhân V.T.T.H (SN 1987, tại Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đến BV E khám trong tình trạng sốt cao, nổi mụn nước mặt và lan toàn thân, lại thêm dấu hiệu đau đầu, mệt mỏi. Vì thế, bệnh nhân H. đã phải nhập viện điều trị, theo dõi biến chứng.

Khi khởi phát bệnh, người bệnh có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân trong vòng 12-24 giờ.

Theo bệnh nhân H., ngày 5/2 chị bắt đầu xuất hiện các mụn phỏng toàn thân. Trước đó, đứa con 2 tuổi của chị vừa khỏi thủy đậu hôm 31/1/2017. Bé cũng mắc bệnh do lây từ các bạn học cùng mầm non.

Một bệnh nhân khác là N.M.H (SN 1994, Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng đến bệnh viện E khám vì thủy đậu hôm 4/2 và phải nhập viện điều trị viện. Trước thời điểm vào viện 3 ngày, H. có tiếp xúc với cháu bé 4 tuổi cũng bị mắc thủy đậu nhưng đang trong thời gian khỏi bệnh.

BS Cường cho biết, cả hai bệnh nhân người lớn này đều chưa tiêm phòng thủy đậu và có tiếp xúc với nguồn lây là bệnh nhân thủy đậu.

Trong khi đó, căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vắc xin, ngay cả khi trong gia đình có người mắc thủy đậu bởi tiêm phòng hiệu quả với ngay cả người có tiếp xúc với nguồn lây trong 3 ngày đầu.

Người lớn thường bị nặng hơn

ThS.BS Vũ Mạnh Cường (khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E) cho biết, trong 1 tháng gần đây, khoa tiếp nhận và điều trị hơn 20 ca mắc bệnh thủy đậu. Các bệnh nhân phải nhập viện vì đều có biểu hiện nặng nề.

Như trường hợp của bệnh nhân V.T.T.H, sau khi nhập viện, diễn biến của bệnh nhân vẫn nặng lên, vẫn tiếp tục sốt, nổi ban toàn thân đa hình thái. Sau một ngày điều trị những nốt bội nhiễm, dịch đục, mủ trắng không đỡ nên tiếp tục được giám sát, kiểm soát nhiễm khuẩn.

Trong khi đó, tại khoa Nội Nhi của bệnh viện này và khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhi đến khám thủy đậu rải rác và đa phần biểu hiện nhẹ, được hướng dẫn giữ vệ sinh, bôi thuốc tại nhà...

Theo BS Vũ Mạnh Cường, thủy đậu thường xuất hiện vào mùa đông xuân kéo dài cho tới hết mùa xuân, nguy cơ gặp cao nhất ở lứa tuổi 2 - 8. Bệnh cũng xuất hiện ở người lớn và thường biểu hiện nặng hơn vì đa phần người lớn chưa được tiêm phòng, không có miễn dịch.

TS.BS Lương Thị Thu Hiền cho biết, đây là bệnh dễ lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp. Dịch tiết ra từ người bệnh có thể lây gián tiếp cho người khác qua các đồ vật.

Những người chưa mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc xin đều cảm nhiễm với bệnh, 10-14 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bỏng nước đầu tiên và sau 7 - 10 ngày là khỏi hoàn toàn, không để lại sẹo nếu nhẹ nhưng nếu bị nhiễm trùng nốt bỏng nước có thể để lại sẹo.

Tuy nhiên, bệnh cũng có biến chứng bội nhiễm (vi khuẩn có thể xâm nhập từ bỏng nước vào máu gây nhiễm trùng huyết) hay viêm phổi, não, tiểu não... và nặng hơn ở phụ nữ mang thai.

Hồng Hải