Chủ tịch Hà Nội yêu cầu trả lời việc "phun thuốc nhưng muỗi không chết"
Theo Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.195 ổ dịch, hầu hết là ổ dịch nhỏ. Có 2.361 ổ dịch chỉ có 1-2 bệnh nhân; 437 ổ dịch có 3-5 bệnh nhân; 117 ổ dịch có 6 bệnh nhân trở lên. Đến nay đã có 2.204 ổ dịch được khống chế.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, dịch SXH ở Hà Nội đến sớm hơn mọi năm nhưng công tác dự báo, phối hợp của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và ngành y tế triển khai chậm trễ.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, hướng dẫn diệt bọ gậy còn chậm, còn chủ quan nên số ổ dịch, số ca mắc mới tăng cao. “Nếu triển khai việc thông tin, cảnh báo từ sớm, chắc chắn tình hình SXH sẽ không lan rộng như hiện nay. Dịch bệnh diễn biến cả năm, không lúc nào được chủ quan”, ông Chung phân tích.
Chủ tịch Hà Nội đã phê bình hai đơn vị này cũng như nêu lên việc các Bệnh viện chưa làm tốt công tác phân loại khi bệnh nhân SXH nhập viện dẫn đến tình trạng quá tải ở nhiều nơi.
Đặc biệt, ông Chung yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội trả lời về băn khoăn, phản ánh của người dân, dư luận báo chí về việc phun hóa chất diệt muỗi mà muỗi không chết, như vậy thuốc có đảm bảo chất lượng ?
Về việc này, theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm, hiện Hà Nội sử dụng thuốc sản xuất trong nước, đã được Bộ Y tế công nhận. Ông Cảm cho hay, đây là loại thuốc phun không gian, khi muỗi gặp hóa chất là chết. Thuốc chỉ có tác dụng 1 tiếng đồng hồ, sau thời gian này muỗi vào thì không chết. Đồng thời, thuốc này chỉ diệt muỗi mang virus SXH, các loại muỗi mang mầm bệnh khác sẽ không chết.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu ngành y tế phải kiểm tra thường xuyên xem thuốc có được pha đúng liều lượng không. Theo ông Chung thuốc chỉ có giá trị trong một giờ thì cần kiểm tra xem xét lại, nếu cần thiết thì đổi loại khác.
Theo Tú Anh
Tiền phong