Các chuyên gia thống nhất chất phenol trong cá nục không nguy hại sức khoẻ
(Dân trí) - Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia hóa học, chuyên gia Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các tài liệu quốc tế, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế khẳng định hàm lượng Phenol trong cá nục được phát hiện ở Quảng Trị không nguy hại đến sức khỏe.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trước khi công bố thông tin Cá nục nhiễm 0,037mg/kg Phenol không gây hại sức khoẻ, Cục ATTP đã tham khảo ý kiến và có sự đồng nhất ý kiến của các chuyên gia này.
Viện nghiên cứu ung thư quốc tế, cơ quan quản lý môi trường của Mỹ không xếp Phenol vào nhóm hóa chất gây ung thư ở người. Liều gây chết cho khoảng 50% sinh vật thử nghiệm ở trên loài ngặm nhấm là dùng Phenol ở ngưỡng 300 - 600mg/1kg thể trọng.
Đến nay, Việt Nam chưa áp dụng tiêu chuẩn hàm lượng Phenol trong thực phẩm (Việt Nam tuân theo tiêu chuẩn của Codex). “Không áp dụng tiêu chuẩn hàm lượng Phenol trong thực phẩm, không có nghĩa là thực phẩm không được hiện diện của chất này bởi Phenol hoàn toàn có mặt tự nhiên trong một số loại thực phẩm phổ biến. Theo đó, Phenol có thể tìm thấy trong xúc xích, thịt hun khói, ba chỉ rán, gà rán và một số loại trái cây như cà chua, táo lạc, chuối, cam, ca cao, nho đỏ, một số loại quả có màu sẫm đều sẵn có phenol, với hàm lượng khá cao", ông Phong nói.
Trên thế giới cũng chưa một cơ quan, tổ chức nào quy định mức giới hạn của phenol trong hải sản. Duy chỉ có cơ quan quản lý thực phẩm của Châu Âu có nghiên cứu về lượng ăn vào hàng ngày của cơ thể người qua thực phẩm là 0,00018mg/1kg cân nặng của cơ thể. Như vậy, với mẫu cá nục tại Quảng Trị, phát hiện với hàm lượng 0,037mg/kg, nếu so sánh với ngưỡng mà Cơ quan Quản lý thực phẩm châu Âu nghiên cứu thì một người Việt có cân nặng khoảng 50 - 55kg ngày nào cũng ăn 200gram cá có chứa 0,037mg phenol/kg (tương đương nạp vào cơ thể 0.0074mg phenol) thì vẫn ở dưới ngưỡng này và không có ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm – ĐH Bách khoa Hà Nội, hợp chất phenol rất dễ hoà tan trong nước. Với hàm lượng 0,037mg/kg cá, 1 gia đình 4 người ăn hết 1kg cá có phenol thì chia đều cũng chỉ có 0,009mg ngấm vào cơ thể 1 người. Đây là lượng phenol rất nhỏ, có thể dễ dàng bài tiết qua da, nước tiểu nên không có khả năng gây ngộ độc cho người dân.
Do đó ông khuyên người dân không nên quá hoang mang. Tuy nhiên, để cẩn trọng có thể xử lý phenol bằng cách giã đông cá tự nhiên. Theo đó, khi giã đông, để cá không bị nát, có thể lấy nước đá lạnh ngâm cá rồi tháo nước đi, làm 2-3 lần sẽ khiến phenol giảm nồng độ. Đặc biệt nên vứt bỏ da, các mô xốp như ruột, mang cá vì những mô này dễ nhiễm độc hơn.
Trước đó, Chi Cục An toàn thực phẩm Quảng Trị công bố mẫu kiểm nghiệm cá nục đại diện cho lô hàng thu mua ngay sau thời điểm cá chết đã phát hiện có hàm lượng Phenol 0,037mg/kg. Ngay sau khi có xét nghiệm này, Chi cục An toàn thực phẩm đã báo cáo với Sở Y tế, báo cáo lên UBND tỉnh Quảng trị để xin ý kiến tiêu hủy.
Hiện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã chỉ đạo các viện chuyên môn xét nghiệm thêm các mẫu cá nục từ Quảng Trị gửi ra để có câu trả lời chính xác, thông báo đến người dân.
Hồng Hải