Cà Mau: Bệnh tay chân miệng tăng gần 100%

(Dân trí) - Theo ngành y tế tỉnh Cà Mau, qua thống kê đến hết tháng 10/2017, toàn tỉnh có số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng gần 100% so với cùng kỳ.

Báo cáo tháng 10/2017 của UBND tỉnh Cà Mau cho biết, công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm và bệnh dịch được tập trung thực hiện, tuy nhiên các bệnh truyền nhiễm tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong đó, bệnh sốt xuất huyết trong tháng 10 có giảm (28%) so với tháng trước, nhưng tăng 2% so cùng kỳ. Trong 10 tháng năm 2017, bệnh này tăng 68,3% so cùng kỳ.

Theo ngành y tế, tính đến nay đã có hơn 2.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết và hiện mỗi ngày chỉ ghi nhận khoảng 1-2 ca.

Trong khi đó, số ca bệnh tay chân miệng lại tăng khá mạnh, khi tính đến hết tháng 10/2017 đã có khoảng 1.800 ca bệnh.

Qua thống kê, chỉ trong tháng 10, bệnh tay chân miệng tăng trên 52% so với tháng trước và tăng 6,4 lần so cùng kỳ; trong 10 tháng năm 2017, bệnh này tăng đến 96% so cùng kỳ.

Báo cáo cho thấy, tỉnh Cà Mau chưa phát hiện trường hợp nào tử vong do bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng.

Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ em nên các bậc phụ huynh cần chủ động trong công tác phòng, chống. (Ảnh minh họa)
Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ em nên các bậc phụ huynh cần chủ động trong công tác phòng, chống. (Ảnh minh họa)

Các trường hợp bệnh tăng cao nói trên cũng là một trong những nguyên nhân khiến một số bệnh viện bị quá tải. Qua thống kê có 6/14 đơn vị bị quá tải từ 1,9% - 68,7% (so với tháng trước là 3/14 đơn vị), gồm các bệnh viện: Sản – Nhi (101,9%), huyện Cái Nước (125,3%), TP Cà Mau (119,6%), huyện Trần Văn Thời (149,6%), huyện Đầm Dơi (168,7%), huyện Năm Căn (110%).

Trong khi đó, có một số đơn vị có công suất sử dụng giường bệnh chưa đến 90%, gồm các bệnh viện: Y học cổ truyền (64%), Hoàn Mỹ Minh Hải (80,6%), Medic (38,1%); các Trung tâm Y tế huyện: Ngọc Hiển (44,9%), huyện Phú Tân (67,9%).

Trước tình hình bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh tay chân miệng vẫn còn diễn biến khá phức tạp, ngành y tế tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục, nhất là mầm non, tiểu học,… để bảo vệ sức khỏe học sinh.

Ngoài ra, ngành y tế các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo trong nhân dân các biện pháp an toàn vệ sinh đối với trẻ tại nhà, nhằm tránh mắc bệnh tay chân miệng, cũng như kịp thời xử lý khi có bệnh xảy ra.

UBND tỉnh Cà Mau cũng chỉ đạo các ngành chức năng tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó lưu ý đối với các bệnh theo mùa.

H.H