Bệnh viện thiếu thuốc, mua thuốc ngoài bệnh nhân có được BHYT thanh toán?

(Dân trí) - Thực tế tại nhiều bệnh viện đôi lúc xảy ra tình trạng hết thuốc điều trị. Bệnh viện vay thuốc không được, nhiều bệnh nhân phải bỏ tiền túi mua thuốc ngoài dù họ có thẻ BHYT khám đúng tuyến. Vậy thiệt thòi này của người bệnh sẽ được bù đắp như thế nào?

Thiếu nhiều loại thuốc

Theo phản ánh của một số bệnh viện, thời gian qua loại thuốc điều trị ung Vincran bị hết hàng, khiến bệnh viện lao đao đi vay thuốc của nhau mới có đủ thuốc điều trị cho bệnh nhân.

Ông Vũ Đình Tiến, Trưởng khoa Dược (Bệnh viện K) cho biết, thời gian qua, có ít nhất đã có 3 bệnh viện thiếu thuốc Vincran hoạt chất Vincristine có đề nghị bệnh viện K cho vay thuốc, trong đó có 2 bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Ung bướu TP Hồ Chí Minh và một bệnh viện tuyến Trung ương.

Một số bệnh viện đang thiếu thuốc Vincran, phải vay mượn lẫn nhau. Ảnh: H.Hải
Một số bệnh viện đang thiếu thuốc Vincran, phải vay mượn lẫn nhau. Ảnh: H.Hải

Dù bệnh viện K dự trữ đủ thuốc, bệnh nhân không phải ra ngoài điều trị nhưng cũng không dám “vung tay” giúp đỡ để đảm bảo đủ nhu cầu, nên chỉ hai bệnh viện được đáp ứng vay thuốc.

Riêng BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh mong muốn vay số lượng lớn, 100 lọ nên bệnh viện không thể hỗ trợ. Đến nay, số vay của BV Ung bướu Hà Nội cũng được đơn vị này trả lại cho BV K.

Theo TS Tiến, thuốc Vincran hoạt chất Vincristine có giá 92.000 đồng/1 lọ đã bao gồm thuế, phí và lệ phí. Thuốc này dùng trong điều trị u lympho ác tính, u nguyên bào thần kinh và một số bệnh khác.

Loại thuốc này chỉ có duy nhất có một nhà sản xuất của Hàn Quốc tham gia đấu thầu, cung cấp sản phẩm có tên thương mại là Vincran nên rất khó xoay xở nếu thiếu.

Tương tự, thuốc giảm đau dành cho bệnh nhân ung thư thời gian qua một số bệnh viện cũng bị thiếu thuốc. Điều này liên quan đến Luật Dược mới, yêu cầu các đơn vị kinh doanh thuốc đặc biệt phải có giấy phép của Chính phủ. Nhưng do nghị định chưa ban hành cụ thể nên đơn vị cung ứng cũng có công văn tạm dừng cung ứng thuốc vì chưa có giấy phép, gây ra tình trạng thiếu thuốc trên.

“Tại viện K may mắn không xảy ra tình trạng này vì đã dự trù trước đó”, ông Tiến nói.

Được biết, sau khi Cục Dược có công văn hướng dẫn tiếp tục thực hiện, các viện khác kịp thời giải quyết, viện K không vướng vì đã có dự trữ trước.

Mua thuốc ngoài bệnh nhân có được BHYT thanh toán?

Theo TS Hà Văn Thúy, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), thực tế có xảy ra tình trạng bệnh viện hết thuốc trong những giai đoạn chuyển giao. Theo quy định, các bệnh viện phải đảm bảo cung ứng đủ thuốc điều trị cho bệnh nhân, nên vẫn có tình trạng khi thiếu thuốc, các bệnh viện vẫn vay mượn lẫn của nhau, thậm chí vay trước từ đơn vị cung ứng thuốc. Trường hợp bất khả kháng, người bệnh đi khám đúng tuyến mà phải mua thuốc ngoài, họ sẽ được thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH nơi họ đăng kí khám chữa bệnh ban đầu.

“Chúng tôi cũng tiếp nhận đơn thư của người bệnh, gần đây họ nhận thư của một người bệnh ở Thái Bình phàn nàn bệnh viện hết thuốc điều trị bệnh u tiền liệt tuyến. Trong những trường hợp bệnh viện hết thuốc nên chuyển bệnh nhân lên tuyến trên còn thuốc điều trị”, TS Thúy nói.

Ông Thúy giải thích cụ thể hơn, theo thông tư 40/2014 của Bộ Y tế, bệnh viện phải có trách nhiệm cung ứng đủ thuốc, không để bệnh nhân tự mua. Khi thiếu thuốc, bệnh viện có thể đi vay, trường hợp không đủ thuốc thì cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, không để bệnh nhân phải tự mua thuốc.

Trong trường hợp không chuyển bệnh nhân, người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc trong danh mục mà bệnh viện hết thuốc thì người bệnh có thể mua thuốc ở ngoài, bệnh viện thanh toán lại với người bệnh theo hóa đơn mua thuốc, sau đó bệnh viện thanh toán lại với cơ quan bảo hiểm. Hoặc bệnh nhân được thanh toán tiền trực tiếp với cơ quan Bảo hiểm xã hội sau khi xuất trình hóa đơn và bệnh viện có trách nhiệm cung cấp các chứng từ phục vụ việc thanh toán.

Trước câu hỏi trong tình huống người bệnh mua thuốc bên ngoài với giá cao hơn thuốc bảo hiểm có được thanh toán khoản chênh lệch này? Chuyên viên Vụ BHYT cho biết, trên thực tế có thể người dân phải mua thuốc ngoài chợ đen với giá cao hơn rất nhiều, nhưng hiện chưa có quy định nào cho phép thanh toán cao hơn giá thuốc trúng thầu nên người bệnh bị thiệt thòi. Cơ quan BHXH sẽ thanh toán dựa vào từng trường hợp cụ thể.

Hồng Hải