Bạo hành ngành y: Ai sẽ là người chịu thiệt thòi?

(Dân trí) - Nói về những vụ tấn công bác sĩ luôn là những luồng dư luận trái chiều nhau. Người khẳng định kẻ hành hung cần nghiêm trị, người cho rằng “không có lửa làm sao có khói”. Và ai sẽ là người chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc tranh luận đang không có hồi kết này?

Bạo hành ngành y: Ai sẽ là người chịu thiệt thòi? - 1

Theo nghiên cứu về Bạo hành y tế của BS. Nguyễn Ngọc Thiệu đăng tải trên rpubs.com, đã có 36 vụ tấn công nhân viên y tế được ghi nhận từ năm 2011 đến 02/2018, xảy ra trên 20 tỉnh thành, với 50 y bác sĩ bị tấn công dẫn đến các mức độ chấn thương khác nhau, bị hiếp dâm và cả tử vong, cơ sở khám chữa bệnh bị đập phá. Tất cả các vụ hành hung trên đều xảy ra ở những cơ sở y tế công lập và do người nhà bệnh nhân gây ra.

Trong đó, chỉ riêng năm 2017 đã có 17 vụ và 2 tháng đầu năm 2018 đã có 3 vụ xảy ra.

Điều đáng chú ý là mỗi vụ việc được đăng tải trên truyền thông đều nhận được những luồng ý kiến trái chiều. Trong đó, có những ý kiến cho rằng “không có lửa làm sao có khói”. Họ đặt câu hỏi: “Thế sao lại bị đánh?”, “Làm việc sao mà bị đánh? Sao nhiều y bác sĩ lại được bệnh nhân yêu quý?”, “Phải làm sao thì mới bị đánh chứ?”. Một số khác lại chia sẻ những bức xúc về thái độ coi thường, lạnh nhạt, thiếu thân thiện mà họ từng gặp phải như một cách ám chỉ rằng bác sĩ bị đánh cũng là đáng.

Những ý kiến phản biện luôn khẳng định rằng: “Trong từng trường hợp cụ thể hãy nêu ra kết luận. Sự việc cần nhìn từ 2 phía” hay "Hàng vạn việc tốt chẳng ai thấy còn việc xấu chỉ là 1 con sâu làm rầu nồi canh lại bị mọi người lên án", "Thật quá bất công với ngành y tế, cứu sống nhiều người bệnh thì không được khen nhưng chỉ bị một lỗi nhỏ thôi là làm rùm beng lên"...

Ngay cả trên diễn đàn chống bạo hành Y tế do BS Võ Xuân Sơn lập, những tranh luận như vậy cứ lặp đi lặp lại, không có hồi kết bởi không ai đưa ra được một thông tin liên quan đến sự việc cụ thể, chủ yếu là những nhận định mang tính khái quát và nặng tính đổ lỗi cho nhau.

Theo BS Trần Văn Phúc, thuật ngữ “không có lửa làm sao có khói” đã phản ánh những sai lầm trong công tác truyền thông.

“Cách đây 5-6 năm, nếu gõ các từ khóa các lỗi của bác sĩ sẽ thấy tràn ngập các vụ tiêu cực, sai sót hiện lên. Trong khi các việc làm được không được đưa lên, dẫn tới ám thị vào đầu người bệnh, người làm chính sách và cả lãnh đạo rằng ngành y tế có nhiều sai sót.

Trên thực tế, y tế cũng nằm trong dòng chảy chung của xã hội và khi xã hội phát triển thì y tế cũng phát triển, chứ không bao giờ tách rời, lao dốc một mình”.

Một nguyên nhân khác khiến thuật ngữ trên trở nên thông dụng chính là ngành y đang rơi vào tình trạng “khủng hoảng niềm tin”.

“Niềm tin là yếu tố quan trọng nhất. Quá khứ khó khăn vậy nhưng bệnh nhân đặt trọn niềm tin, tính mạng cho người thầy thuốc. Nhưng trong thời buổi này, do ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, người bệnh trở nên nghi ngờ rằng mình bỏ tiền ra chữa bệnh nhưng chưa chắc đã mua được dịch vụ tốt”, BS Phúc chia sẻ.

Vậy nên, mặc dù an ninh được tăng cường nhưng các vụ hành hung ngày càng nhiều, các bác sĩ trở nên lẻ loi, bị cô lập, không được dư luận bảo vệ. Chưa kể, cứ có sự vụ xảy ra là bị đình chỉ công việc, kèm theo đó là những tai tiếng, hệ lụy…

Bạo hành ngành y: Ai sẽ là người chịu thiệt thòi? - 2

Bàn về giải pháp giảm thiểu tình trạng bạo hành y tế, BS Phúc cho rằng cần có chính sách phù hợp, trong đó đời sống của cán bộ y tế phải được đảm bảo. Để khắc phục “khủng hoảng niềm tin” cần nâng cao trình độ chuyên môn của bác sĩ, siết chặt đầu vào, làm sao đào tạo ra đội ngũ y bác sĩ đồng đều ở các tuyến. Trong đó, cần cả hướng dẫn giao tiếp, giáo dục y đức.

BS Phúc cũng chỉ ra việc tăng cường bảo vệ an ninh bằng đội ngũ chuyên nghiệp (vệ sĩ, công an) trước mắt là rất tốt nhưng về lâu dài sẽ cho thấy “xã hội chúng ta đang có vấn đề khi 1 nơi chăm sóc sức khỏe lại luôn phải có công an bảo vệ”.

“Đẩy mạnh nền y tế, trả y tế về là 1 lĩnh vực của xã hội, đặt đúng vào dòng chảy, ko phải là con đường riêng thì sẽ thành công”, BS Phúc tin tưởng.

Tuy nhiên, những giải pháp BS Phúc đưa ra không thể 1 sớm 1 chiều thực hiện thành công được.

Cùng với đó các kiến nghị về "sự hợp tác chặt chẽ với bên công an, có quy định cụ thể bao nhiêu giờ, bao nhiêu phút phải có mặt khi có cuộc gọi từ phía bệnh viện; kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông về cách đưa tin những tai biến y khoa, những vụ bạo hành y tế; kiến nghị Quốc hội có những sửa đổi về luật, nếu không có được bộ luật riêng về chống bạo hành trong y tế thì cũng cần sửa lại những điều khoản của Bộ Luật hình sự có liên quan đến vấn đề bạo hành y tế, tăng hình thức xử phạt lên…" của BS Xuân Sơn hiện vẫn chưa hề có hồi âm nào từ phía các cơ quan chức năng.

Hậu quả là ở thời điểm hiện tại, cách duy nhất để tự bảo vệ mình của các bác sĩ là phòng thủ - làm chặt chẽ quy trình nhất có thể, như làm thật nhiều xét nghiệm, tiến hành các hội chẩn và thực hiện chuyển "chỗ nọ chỗ kia"… để tránh bị tiếng là “tạo lửa”, giảm nguy cơ bị người nhà bệnh nhân tấn công.

Và khi đó, người cuối cùng chịu thiệt sẽ là bệnh nhân.

Trần Phương