1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Thi hành án tử hình hung thủ thảm sát 6 người ở Bình Phước

(Dân trí) - Sáng 17/11, Nguyễn Hải Dương, kẻ chủ mưu và trực tiếp ra tay thảm sát 6 người trong một gia đình tại Bình Phước gây chấn động cách đây hơn 2 năm bị cơ quan chức năng thi hành án tử hình bằng cách tiêm thuốc độc.

Tử tù Nguyễn Hải Dương
Tử tù Nguyễn Hải Dương

Chánh án TAND tỉnh Bình Phước Nguyễn Hữu Trí cho biết, hôm nay Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Bình Phước sẽ thi hành án đối với tử tù Nguyễn Hải Dương bằng hình thức tiêm thuốc độc. Địa điểm thi hành bản án này được thực thi tại Bình Dương.

Dương là một trong hai người gây ra vụ thảm sát 6 người trong gia đình ông Lê Văn Mỹ (huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) vào rạng sáng 7/7/2015. Đồng phạm của Dương là Vũ Văn Tiến cũng bị TAND tỉnh Tối cao tuyên phạt án tử hình, sau đó gia đình Tiến có đơn xin giảm án gửi Chủ tịch nước và đang chờ xem xét nên chưa xác định ngày thi hành án với tử tù này.

Án tử hình với Nguyễn Hải Dương được cơ quan chức năng xác định là đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, dư luận đang khá quan tâm đến thông tin Dương xin hiến xác cho y học, vậy nguyện vọng cuối cùng của tử tù này có được toại nguyện?

Theo lãnh đạo TAND tỉnh Bình Phước, nguyện vọng của Nguyễn Hải Dương khó thực hiện vì rất nhiều lý do liên quan đến khoa học, việc tử tù muốn hiến xác đặt ra từ lâu nhưng còn nhiều vướng mắc vì hiện nay tử tù bị thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc nên cơ thể, nguồn nội tạng sẽ không được đảm bảo.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) nhìn nhận, theo Điều 5 Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác quy định rõ như sau:

Người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác. Như vậy, tử tù không bị cấm hiến mô, bộ phận cơ thể hay hiến xác sau khi thi hành án tử.

Về mặt pháp lý, việc Dương hiến xác sẽ không có một quy định nào cấm. Tuy nhiên, tử tù vẫn có thể không thực hiện được nguyện vọng của mình.

Theo Điều 59 Luật Thi hành án hình sự năm 2010 thì Thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc.

Khi bị tiêm thuốc độc vào cơ thể liệu các cơ quan nội tạng của tử tù còn đáp ứng được yêu cầu y học hay không? Việc cấy ghép mô, nội tạng trên cơ thể tử tù có ảnh hưởng đến sức khỏe của người được cho hay không?. Nếu chất độc được tiêm vào trong quá trình thi hành án tử hình ảnh hưởng đến nội tạng, cơ thể tử tù thì khả năng việc hiến mô, bộ phận cơ thể hay hiến xác sẽ không thể thực hiện được.

"Để phục vụ mục đích khoa học hoặc cứu sống người bệnh thì các cơ quan chức năng nên xem xét để dù thực hiện đúng quy định pháp luật, song vẫn “hợp lý, hợp tình”, luật sư Chánh chia sẻ quan điểm.

Trung Kiên