1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc tính bỏ giới hạn nhiệm kỳ, Chủ tịch Tập có thể tại chức sau 2023

(Dân trí) - Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc hôm nay 25/2 đã đề xuất loại bỏ quy định chỉ giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ đối với các chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AFP)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AFP)

Theo Tân Hoa Xã, Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc hôm nay đã đề xuất bỏ nội dung quy định mỗi chủ tịch “không được phục vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 5 năm, vốn được nêu trong hiến pháp Trung Quốc.

Ngoài ra, Ủy ban Trung ương cũng đề xuất đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc trong thời đại mới” vào hiến pháp. Nếu tên và tư tưởng Tập Cận Bình được nêu trong hiến pháp Trung Quốc, thẩm quyền của nhà lãnh đạo Trung Quốc được cho là sẽ nâng cao hơn.

Những đề xuất sửa đổi hiến pháp có thể được đưa ra xem xét tại phiên họp đầu tiên của kỳ họp quốc hội Trung Quốc, dự kiến bắt đầu vào ngày 5/3 tới. Nếu đề xuất của Ủy ban Trung ương đảng về việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ được thông qua, ông Tập Cận Bình có thể sẽ tiếp tục được giữ cương vị Chủ tịch sau năm 2023, sau hai nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 2013.

Đề xuất trên được đưa ra sau phiên họp của Bộ Chính trị Trung Quốc hôm qua 24/2 và trước phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc kéo dài 3 ngày, dự kiến bắt đầu từ ngày mai. Phiên họp này dự kiến sẽ xem xét những thay đổi liên quan tới nhân sự và tổ chức trước khi được đưa ra thảo luận tại kỳ họp quốc hội thường niên sắp tới.

Hồi tháng 10/2017, đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhất trí nêu tên Chủ tịch Tập Cận Bình và tư tưởng của ông vào Điều lệ đảng. Điều này đã đưa ông sánh ngang với cố lãnh đạo Mao Trạch Đông - người đặt nền móng cho đất nước Trung Quốc và Đặng Tiểu Bình - người khởi xướng chính sách cải cách và mở cửa cho Trung Quốc.

Trước ông Tập Cận Bình, chỉ có ông Mao Trạch Đông là lãnh đạo còn đương chức khi được đưa tên và tư tưởng vào Điều lệ đảng, trong khi “Lý luận Đặng Tiểu Bình” chỉ được nêu trong Điều lệ đảng sau khi ông qua đời.

Thành Đạt

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm