1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Toà án tối cao đang làm rõ “cú điện thoại can thiệp án” ở Hà Tĩnh

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết, cơ quan này đang làm rõ vụ việc lãnh đạo TAND tỉnh Hà Tĩnh “gọi điện” can thiệp quá trình xử án xảy ra tại TAND Thị xã Hồng Lĩnh đang gây bức xúc dư luận.

 

TAND Tối cao đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Thắng - Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh, giải trình những nội dung trả lời trên báo chí (Ảnh: Pháp luật TPHCM).
TAND Tối cao đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Thắng - Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh, giải trình những nội dung trả lời trên báo chí (Ảnh: Pháp luật TPHCM).

“Ngay sau khi báo chí phản ánh về vụ việc, TAND Tối cao đã thành lập một đoàn công tác vào Hà Tĩnh để làm rõ sự việc. Chúng tôi đang chờ đoàn công tác về báo cáo xem tình hình như thế nào. Báo chí đã phản ánh như thế thì phải làm triệt để vì không khéo sẽ gây dư luận, ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống tòa án, đặc biệt ở đây là liên quan đến nguyên tắc độc lập của hội đồng xét xử, liên quan đến quy định thực hiện pháp luật như thế nào”- ông Nguyễn Sơn nói với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội ngày 24/10.

Theo ông Nguyễn Sơn, câu chuyện xảy ra ở Hà Tĩnh vừa qua liên quan đến một trong những nội dung đã được TAND Tối cao đề cập, chú ý đến khi xây dựng Luật Tổ chức TAND.

“Chúng tôi đã cố gắng xây dựng tòa án sơ thẩm đặt tại tòa án cấp huyện, tòa án cấp tỉnh, tòa cấp cao và TAND tối cao để độc lập trong xét xử. Hiện nay, ngành cũng đang xây dựng quy chế nghiêm cấm trong một tòa án, lãnh đạo tác động đến hoạt động xét xử; không đề cập đến vấn đề quản lý lãnh đạo liên quan đến nội dung vụ án, mà chỉ quy định về thời hạn, chấp hành pháp luật của thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án” - ông Sơn nói.

“Trả lời báo chí, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh đã thừa nhận trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, ông này đã gọi điện thoại cho lãnh đạo TAND thị xã Hồng Lĩnh nhờ xem xét các tình tiết giảm nhẹ để kết án “vừa có lý vừa có tình”. TAND Tối cao đã yêu cầu Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh giải trình việc này?”- PV Dân trí đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Sơn đáp: “Tất cả thông tin báo chí nêu chúng tôi đều yêu cầu phải làm rõ, có hay không có, cụ thể thế nào. Hiện tại chúng tôi đang yêu cầu Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh giải trình nội dung mà báo chí đã nêu, trả lời báo chí là có hay không những việc như phản ánh để xem xét bản chất sự việc như thế nào”.

Ông Sơn nhận định, sự việc này ảnh hưởng cả đến hệ thống tòa án, sẽ phải xử lý nhanh chóng, kịp thời.

Trước đó, một số tờ báo phản ánh việc VKSND Thị xã Hồng Lĩnh kháng nghị bản án sơ thẩm vụ án đánh bạc do TAND Thị xã Hồng Lĩnh xử ngày 12/8/2015 (tuyên cho bị cáo có tiền sự được hưởng án treo). Dự kiến ngày 2/11 tới đây, TAND tỉnh Hà Tĩnh sẽ xử phúc thẩm vụ án này.

Trước thắc mắc về việc tại sao lại xử án treo thay vì án tù giam, ông Lương Sỹ Nam - Thẩm phán TAND Thị xã Hồng Lĩnh (chủ tọa phiên tòa) nói: “Các anh đọc bản án thì thấy nếu không có chỉ đạo thì không ai làm việc này cả”. Còn ông Bùi Xuân Cần - Chánh án TAND Thị xã Hồng Lĩnh, nói thêm: “Vụ án này quá rõ ràng rồi, phải xử tù giam nhưng trong tỉnh có điện thoại ra nên tôi trao đổi với thẩm phán tinh thần đó”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thắng - Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh, trần tình: “Không có tiền bạc, không có chạy án đâu, bản án phúc thẩm vào ngày 2/11 sắp tới sẽ trả lời tất cả”. Ông Thắng cũng thừa nhận trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra đã gọi điện thoại cho lãnh đạo TAND Thị xã Hồng Lĩnh nhờ xem xét các tình tiết giảm nhẹ để kết án “vừa có lý vừa có tình”.

Ông Thắng phân trần thêm: “Trong việc này không có chuyện tư lợi, tư túi, không có chuyện lồng việc cá nhân vào đây. Tôi nói thẳng ra là không có chạy án, không vòi vĩnh, không có tiền bạc. Sau khi có kháng nghị, tôi đã lên lịch xét xử phiên phúc thẩm vào ngày 2/11 và đã gửi giấy triệu tập rồi. Về mặt nguyên tắc, vụ án này chưa có hồi kết, án chưa có hiệu lực pháp luật”.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm