1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thủ tướng: Tại sao người giàu lại ra nước ngoài chữa bệnh đông như vậy?

(Dân trí) - Tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2017, Thủ tướng Chính phủ biểu dương 13 thành tựu mà ngành y tế đã nêu. Ông cũng chỉ ra 9 vấn đề còn hạn chế và đặt ra 12 câu hỏi để ngành y tế phải trả lời năm 2017. Dưới đây là một số câu hỏi mà Thủ tướng đặt ra cho ngành y tế:

Thủ tướng trăn trở đặt câu hỏi: “Làm sao rút ngắn chênh lệch chất lượng y tế giữa các vùng miền, đặc biệt tiếp cận thông tin đến người dân, rất nhiều người không biết chế độ mình được hưởng”.

Ông cũng đặt tiếp: “Bao giờ sẽ giảm giá thuốc? Bao giờ tình trạng kháng kháng sinh để Việt Nam không còn ở top cao”?.

Thủ tướng Chính phủ đặt ra 12 câu hỏi nóng để ngành y trả lời trong năm 2017.
Thủ tướng Chính phủ đặt ra 12 câu hỏi nóng để ngành y trả lời trong năm 2017.

“Tôi đặt nhiều câu hỏi lớn, để ngành y tế tìm giải pháp. Chăm sóc sức khỏe là vấn đề quan trọng”, Thủ tướng phân trần.

Theo người đứng đầu Chính phủ, hiện nay ngân sách Y tế còn hạn hẹp, dự án ODA giảm mạnh, ngành y đã có sự đổi mới cơ chế tài chính nhưng việc này còn nhiều bất cập.

“Muốn cho bác sĩ, ngành y tế toàn tâm toàn ý với người bệnh, không mong tới phong bì, phong bao, quà tặng thì làm sao lương bác sĩ phải khá hơn? 1 ca trực tiền công không bằng miếng vá xe làm sao sống nổi”, Thủ tướng nói.

Hơn nữa, Thủ tướng cho rằng ngành y tế mới quan tâm bệnh nhân nhưng chưa quan tâm tới người nhà bệnh nhân. Làm sao để người nhà bệnh nhân không phải vạ vật, ảnh hưởng sức lao động ngày đi làm tối chăm người ốm, giờ 3 người nhà đi nuôi 1 người bệnh vừa vất vả, vừa lãng phí. Vậy làm cách nào để người nhà bệnh nhân không phải sống vật vã ở hành lang? Ngành y tế cần phải đưa ra giải pháp này.

Thủ tướng tiếp tục nêu vấn đề, trong chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam đứng 61/140, trong đó chỉ số y tế 81/140, giáo dục là 56/140. Đây là chỉ số rất quan trọng, tại sao chỉ số y tế lại thấp như thế?

Thủ tướng cũng cho rằng, hệ thống y tế mới tập trung khám chữa bệnh, trong khi đó rõ là phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng ngừa thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Nếu làm tốt khâu phòng ngừa, quá tải cũng sẽ giảm đi nhưng người dân vẫn nghĩ có bệnh mới đi khám. Làm sao để tuyên truyền, thay đổi tư duy này?

Thủ tướng đặt câu hỏi: “Tại sao người giàu lại ra nước ngoài chữa bệnh đông như vậy? Hàng vạn người chữa bệnh Singapore, chúng ta mất bao nhiêu đô la? Ngành y tế phải tìm phương pháp để giải quyết vấn đề mất nguồn ngoại tệ lớn của đất nước”.

Tiếp đến, Thủ tướng bày tỏ trăn trở, hiện tại hệ thống trạm y tế đã phủ khắp nhưng chưa có cơ chế hoạt động hiệu quả. Giờ trạm xá vắng hoe, nhiều bệnh viện tuyến dưới dù được đầu tư nhưng người dân vẫn vượt tuyến lên hẳn tuyến Trung ương. Giờ làm sao để mười mấy nghìn trạm y tế này hoạt động có hiệu quả, cơ chế nào? Bộ Y tế có giải pháp gì để người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại những nơi này?

“Ngành y tế làm sao để người dân thấy khám tuyến dưới hiệu quả hơn, dù tôn trọng quyền tự quyết của người bệnh. Nếu không giải quyết tình trạng này thì dù có xây bao nhiêu BV tuyến trung ương cũng không chịu nổi”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, tình trạng nhiều bệnh viện ở các thành phố lớn thường xuyên quá tải vì phải gánh người nhập cư, lân cận, nên thành ra bao cấp chéo cho người dân các nơi khác. Theo Thủ tướng, đây là bài toán không phải đơn giản, làm sao giải quyết mâu thuẫn?

Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng, một trong những bất cập của hệ thống chăm sóc là chất lượng dịch vụ, còn ban ơn, thậm chí đôi khi coi thường bệnh nhân, cần thay đổi. “Tôi đề nghị câu hỏi lớn toàn ngành là tiếp tục đổi mới toàn ngành, chuyển tư duy bao cấp hàng chục năm sang tư duy kinh tế thị trường coi bệnh nhân là khách hàng quan trọng, cần chăm sóc khách hàng theo đúng nghĩa từ này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Liên quan đến tỉ lệ bà mẹ tử vong khác biệt ở thành thị, nông thôn, Thủ tướng đặt câu hỏi tại sao tử vong ở nông thôn gấp 4 lần thành thị. Vậy Bộ Y tế có vai trò, trách nhiệm như thế nào trong vấn đề này.

“Tại sao lại có nghiên cứu nói rằng Việt Nam tỉ lệ ung thư cao nhất có đúng ko? Giờ quá trời ung thư, giải pháp nào?”, Thủ tướng chất vấn.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, trước vấn đề ung thư ở Việt Nam, Chính phủ cũng phải suy nghĩ. “Tôi và anh Đam cũng phải suy nghĩ. Nếu thành công trong các lĩnh vực mà để người ta nói rằng Việt Nam tỉ lệ ung thư cao nhất thế giới thì có đáng suy nghĩ ko?”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tại hội nghị.

Trước những câu hỏi lớn của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ đây là những câu hỏi vừa mang tính chiến lược vĩ mô, vừa sâu sát, cụ thể vào mọi ngóc ngách của ngành y tế. “Có những cái sẽ phải thực hiện trong thập niên này nhưng có cái có lẽ phải vài thập niên mới thực hiện được. Và cũng có những câu hỏi tôi sẽ cố gắng hoàn thành ngay trong nhiệm kỳ này”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Hồng Hải