Vấn đề kinh tế tuần qua:
"Nuôi" 2,8 triệu công chức và vẫn nhập cả tăm tre, ô mai từ Trung Quốc
(Dân trí) - Trong tuần, các vấn đề nóng chủ yếu xoay quanh chuyện nền kinh tế hành chính chậm chuyển đổi, các đề xuất gia tăng thuế đối với người dân và giải pháp gì để Việt Nam không còn phải nhập cả tăm tre, ô mai từ Trung Quốc... được nhiều độc giả quan tâm.
Nuôi 2,8 triệu công chức, lãnh đạo Sở họp 300 cuộc 1 tháng
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam vừa đưa ra con số minh chứng bộ máy hành chính cồng kềnh, thiếu hiệu quả của Việt Nam, trong đó 93 triệu người dân đang phải “nuôi” 2,8 triệu cán bộ công chức, viên chức.
Ngoài ra, ông Thiên cũng lấy ví dụ về cơ chế quản lý hành chính với công việc "họp" và "họp" là chính. Ví dụ như: Tại TP.HCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư, với 4 người trong ban Giám đốc, lãnh đạo Sở trong 7 tháng đầu năm 2017, phải dự hơn... 2.000 cuộc “họp”. Sở Quy hoạch - Kiến trúc từ đầu năm đến tháng 8/2017, giám đốc và 3 phó giám đốc và lãnh đạo phòng ban, cán bộ chủ chốt của Sở này phải dự hơn 1.500 cuộc họp.
Không chỉ ở địa phương, tại mỗi bộ ở Việt Nam có 5-7 thứ trưởng mà lúc nào cũng “đầu tắt mặt tối”. Ở các nước phát triển, bộ chỉ có một, thậm chí không có thứ trưởng mà công việc vẫn chạy trơn tru. Vì vậy, theo ông Thiên, vấn đề là ở thể chế vận hành.
"Bộ máy của chúng ta tồn tại thực trạng: Thừa người nhưng không rõ chức năng, thiếu quyền, ít chịu trách nhiệm. Đây cũng là nguyên nhân vì sao Việt Nam lắm cấp phó, Việt Nam bàn nhiều về “ghế”, về biên chế, mà ít bàn về cơ chế, chức năng bộ máy – yếu tố quyết định cơ cấu nhân sự", ông Thiên nhấn mạnh.
Việt Nam nhập từ que tăm, quả ô mai Trung Quốc
Tổng kết về quan hệ thương mại Việt Nam và Trung Quốc mới đây, các chuyên gia thừa nhận, vấn đề tồn tại vẫn là tình trạng Việt Nam nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc, trong đó có nhiều mặt hàng không cần thiết, thậm chí “có hại cho nền kinh tế”.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: "Mỗi năm chúng ta nhập siêu theo thống kê chính thức từ Việt Nam là hơn 20 tỷ USD nhưng theo thống kê từ phía Trung Quốc thì con số còn lớn hơn khoảng hơn 20 tỷ USD nữa".
Ông Doanh nhấn mạnh: "Từng này nhân lên là bao nhiêu tiền và nó lấy đi bao nhiêu công ăn việc làm của chúng ta. Cần có thái độ nghiêm túc với tình trạng này bởi cứ để thế này đến lúc nào chúng ta trở thành thị trường mà Trung Quốc có thể xuất khẩu bất cứ thứ gì sang cũng được. Chúng ta nhập khẩu từ cây tăm, quả ô mai… Đây thực sự là những điều không thể giải thích được và hoàn toàn không cần thiết”.
Một hộp sữa chua 2 bộ quản lý, 3 tỷ USD mua nhà Mỹ chỉ là tin đồn
Đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định không có cơ sở nào để chứng minh dòng ngoại tệ được chuyển từ Việt Nam sang Mỹ để mua nhà ở.
"Số liệu người Việt Nam mua nhà tại Mỹ do Hiệp hội quốc gia, chuyên viên địa ốc của Mỹ thực hiện qua phiếu điều tra. Ở đây có thể là, người Việt Nam định cư ở Mỹ nhưng chưa có quốc tịch Mỹ thì được tính là người Việt Nam. Hoặc công dân Việt Nam sinh sống ở quốc gia khác đến Mỹ mua nhà cũng tính là người Việt Nam".
Số vốn thực tế chuyển ra nước ngoài đầu tư vào bất động sản chuyển vào Mỹ với tổng số vốn đăng ký hơn 215 triệu USD. Trong năm 2017 chỉ có 3 dự án được cấp phép đầu tư sang Mỹ với số vốn 15 triệu USD.
Cũng trả lời chất vấn cử tri, đại biểu Quốc hội tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận quản lý chuyên ngành liên quan đến các hàng hóa tại Việt Nam còn chồng chéo, nhiều quy định, lắm hình thức quản lý.
Ông này lấy ví dụ: sữa chua, sữa bột phải kiểm định thực phẩm của Bộ Nông nghiệp, nhưng kiểm tra chất lượng của Bộ Công Thương. Nghĩa là một mặt hàng đang chịu 2 giấy phép. Một phần do không đáp ứng yêu cầu nhưng cũng yếu về quy chuẩn, tiêu chuẩn ở các bộ, nên chồng chéo.
Doanh nghiệp Việt không lớn được vì phải lo đối phó với chính quyền
Trong phát biểu bàn về cải cách thể chế và xây dựng môi trường kinh doanh tốt hơn, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế đánh giá: Cái DN muốn nhất hiện nay không phải là việc Chính phủ ra liên tiếp các Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh nữa mà phải làm sao khiến DN yên tâm làm ăn.
“Làm sao đối phó với chính quyền không phải là mối quan tâm hàng đầu của DN mà đó phải là cạnh tranh với bên ngoài, tận dụng thị trường để phát triển”, chuyên gia Lan nói.
Bà Lan thừa nhận môi trường kinh doanh Việt Nam đã có cải thiện song chưa đủ lớn, chưa tạo đột phá. Vị chuyên gia thẳng thắn nói: Hàng loạt các giấy phép con đang nhằm vào DN nội là chính, các biểu hiện nhũng nhiễu của công quyền chủ yếu nhắm vào đối tượng DN nội, còn các DN ngoại họ không dám động vào.
Cũng liên quan tới lĩnh vực kinh tế, thảo luận tại Quốc hội tuần qua, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. HCM) lo ngại doanh nghiệp Việt đang phải đổ mồ hôi, khóc trên sân nhà trong khi đó doanh nghiệp ngoại có biểu hiện trốn thuế, thu lợi bất chính.
Ông Nghĩa cho biết: Doanh nghiệp Việt không chỉ vất vả để giữ thị phần trên các thị trường nước ngoài, mà còn đang phải đấu tranh gian khổ để tồn tại trong nước, trước sức ép của các nhà đầu tư, tập đoàn bán buôn, bán lẻ, các nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài.
Ông này chia sẻ: Nhiều doanh nghiệp nước ngoài hầu như không đóng thuế thu nhập hàng chục năm, vì họ luôn khai lỗ trong khi doanh số vẫn tăng đều, cơ sở luôn mở rộng. Nhưng sau đó chuyển nhượng lại với giá cao và số lãi không nhỏ.
Trưởng ngành thống kê: Phát biểu về thống kê phải có trách nhiệm
Tại một hội thảo tại Hà Nội, trả lời câu hỏi về nghi vấn các số liệu của Tổng cục Thống kê khi công bố bị làm đẹp, nghi vấn không chuẩn xác với thực tế, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định: các số liệu của ngành là chuẩn theo thông lệ quốc tế và không ai can thiệp trước khi công bố.
"Có người hỏi tôi là số liệu anh làm ra có phải đưa cho Chính phủ duyệt hay không? Đấy người dùng tin còn chưa hiểu thì nói làm gì? Tổng cục làm ra số liệu thống kê, Tổng cục trưởng chịu trách nhiệm về số liệu thống kê. Tổng cục Thống kê khi đưa số liệu thống kê không phải gửi ai duyệt cả", ông Lâm khẳng định.
"Chúng tôi khẳng định ngành thống kê sử dụng đúng phương pháp luận và theo đúng thông lệ quốc tế", ông Lâm khuyên: "Nhóm sử dụng số liệu thống kê cần công bằng, bình tĩnh và cẩn trọng xem xét số liệu thống kê rồi hẵng phát biểu. Hay nói cách khác là chưa hiểu thì phát biểu phải có trách nhiệm".
Lo đánh thuế nhà đất tạo cú sốc cho thị trường
Trước đề xuất đánh thuế nhà ở thứ 2 và Thuế tài sản của Bộ Tài chính, thảo luận ở tổ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dù đã được đề cập trong kế hoạch tài chính 3 năm nhưng Quốc hội lại chưa ban hành luật. Chủ tịch Quốc hội lo ngại, cho thí điểm về loại thuế tài sản, có thể gây cú sốc trước hết với thị trường bất động sản, làm thị trường này lao dốc.
An Linh (Tổng hợp)