1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"NATO Ả rập" đã định hình, 34.000 quân chuẩn bị tràn vào Syria?

Ý tưởng thành lập "liên minh chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan”, mà thực chất là khối quân sự chung các nước Ả rập đã trở thành hiện thực.

Liên minh NATO Ả rập với 34.000 quân ra đời

Hội nghị thượng đỉnh Ả rập-Hồi giáo-Mỹ đã kết thúc vào ngày 21-5 tại Riyadh, thông qua nhiều quyết định quan trọng, tiêu biểu là quyết tâm thành lập một lực lượng chống khủng bố với 34.000 binh sĩ, với nòng cốt là các quốc gia Trung Đông, hãng tin địa phương Al-Arabiya đưa tin.

Hội nghị thượng đỉnh có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo của 55 quốc gia Hồi giáo, bao gồm thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh; Vua Abdullah của Jordan; Vua Morocco Muhammed; Tổng thống Algeria và Tunisia và Thủ tướng Iraq Haydar al-Abadi…

Các nhà lãnh đạo đã nhất trí thành lập một trung tâm chống khủng bố tại Riyadh, nhằm giám sát và chiến đấu chống khủng bố và cực đoan trong khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia Adel al-Jubeir tuyên bố, nước này muốn gửi đi một thông điệp tới phương Tây rằng, không thể đánh đồng thế giới Hồi giáo với chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo và Riyadh sẽ đi thứ hai sau Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố IS.

Giới chức lãnh đạo các nước vùng Vịnh cho rằng, hội nghị thượng đỉnh được thiết kế để đánh dấu việc mở rộng quan hệ quốc phòng giữa Hoa Kỳ và các quốc gia Ả rập và Hồi giáo cho một cuộc chiến tranh tổng lực chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Ngược lại, Tehran cáo buộc các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Ảrập Xê út đang xúc tiến kế hoạch này nhằm mục đích thực sự không phải là chống lại IS mà là người Shii’te ở Iran, Iraq và Syria (tức người Alawites cầm quyền, một nhánh của người Shii’te) và Hezbollah ở Lebanon.

Cơ quan thông tin Tabnak của Iran đã cảnh báo rằng chuyến đi của Tổng thống Trump tới Riyadh và cuộc gặp của ông với các nhà lãnh đạo Ả Rập khác sẽ đặt nền móng cho liên minh Ả Rập - Sunni để chống lại chính quyền Syria và ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Còn Israel được giới truyền thông Iran đề cập đến trong một vai trò rất quan trọng của liên minh Ả Rập - Sunni (hay còn gọi là Liên minh "NATO Ả rập"), với vai trò là nhà cung cấp thông tin tình báo cho quân đội Sunni Arab mới.

Nga-Syria sẽ còn gặp nhiều khó khăn từ sự chống phá của Mỹ và đồng minh
Nga-Syria sẽ còn gặp nhiều khó khăn từ sự "chống phá" của Mỹ và đồng minh

Theo giới quan sát độc lập, hiện Mỹ đang lãnh đạo Liên minh chống khủng bố 68 nước, với lực lượng, vũ khí trang bị vượt trội IS, nếu họ muốn diệt khủng bố ở Syria và Iraq hay Ai Cập, Libya… thì thực sự không quá khó khăn, việc gì còn phải thành lập một liên minh chống khủng bố mới?

Nét khác biệt lớn nhất của Liên minh này là nó sẽ do Saudi Arabia lãnh đạo với thành viên chủ chốt là các quốc gia Ả rập và một lực lượng lượng quân sự cụ thể để sẵn sàng tung vào cuộc chiến chống khủng bố, không phụ thuộc vào các lực lượng quân sự sở tại.

Do giới phân tích nhận định rằng, rõ ràng là liên minh này được thành lập với mục đích để tung vào Syria, đánh bại khủng bố IS để chiếm đất Syria và đuổi các cố vấn quân sự Iran và nhóm vũ trang được Tehran hậu thuẫn (ví dụ như lực lượng Hezbollah của Lebanon hay các nhóm vũ trang người Shii’te khác) về nước.

Với sự thành lập của Liên minh này, tình hình Syria sắp tới đây sẽ càng phức tạp hơn nữa. Nếu chính quyền Assad không nhanh chóng giành lại những vùng đất bị IS chiếm đóng thì tới đây họ có thể sẽ mất chúng, bởi Liên minh "NATO Ả rập" sẽ lấy danh nghĩa chống khủng bố để xâm nhập nước này.

Một phần của kế hoạch “Phân rã Syria ”?

Trước đây, tạp chí New Eastern Outlook cũng có bài viết của nhà nghiên cứu địa-chính trị Mỹ Engdahl, đề cập đến việc Washington và đồng minh Trung Đông, trong đó chủ chốt là Ả rập Xê út đã âm thầm vạch ra một chiến lược kinh hoàng nhằm xé tan đất nước Syria.

Theo đó, từ hàng chục năm trước, Mỹ và đồng minh đã xây dựng một bản kế hoạch 3 giai đoạn để thực hiện chiến lược mang tên “Phân rã Syria”, với nội dung cơ bản là “Phân rã Syria; lật đổ chính quyền thân Nga; dựng chính quyền thân Mỹ”.

Ngay từ năm 2008, Jeffrey D. Feltman - cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Trung Đông - tân Đại sứ Hoa Kỳ tại Israel David Friedman là người trực tiếp phát triển bản kế hoạch bí mật để thực hiện chiến lược này, với sự cố vấn của cựu Đại sứ Ảrập Xê út tại Mỹ là Hoàng tử Bandar bin Sultan, nên nó còn được gọi là “Kế hoạch Feltman-Bandar”.

Kế hoạch này được chia là 3 phần. Phần 1 là phát động cuộc nội chiến ở Syria, đánh bại quân chính phủ, khiến thực lực đất nước suy yếu; phần 2 là can thiệp quân sự, lật đổ chính quyền Assad và phần 3 là dựng lên một chính quyền mới từ các “phần tử ưu tú nhất” trong các nhóm đối lập.

Sau đó, “Syria dân chủ” sẽ được tổ chức theo cơ chế Nhà nước Liên bang, chia tách thành các thực thể chính quyền địa phương, quy hoạch theo khu vực sinh sống của các nhóm dân tộc và giáo phái khác nhau, đặc biệt là người Alawite, người Sunni, người Shiite, người Kurd và tín đồ Thiên chúa giáo.

Đồng thời, bản kế hoạch cũng tập trung vào việc chia đất nước Trung Đông bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh này thành ba nhóm khu vực hành chính, bao gồm: khu vực các thành phố lớn, khu vực các thành phố nhỏ hơn và các làng mạc.

Chuyên gia Engdahl chỉ ra, với cây gậy chỉ huy của Washington, các nhân vật chóp bu Mỹ, Ảrập Xê út, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, UAEW… đã hợp lực “gom thuốc súng, chế tạo ngòi nổ” cho cuộc nội chiến ở Syria, để mưu đồ phá nát nước này, lật đổ chính quyền Assad.

Tuy nhiên, khi bản kế hoạch này đã thực hiện được hoàn tất phần 1 (phát động nội chiến, khiến chính quyền Assad suy yếu) thì gặp phải sự “phá đám” của Nga. Việc Moscow hỗ trợ chính quyền Assad đứng vững đã khiến Mỹ và đồng minh buộc phải đẩy nhanh phần 2 là “can thiệp quân sự”.

Hồi năm 2016, nhà lãnh đạo khối đối lập Iraq (Irada) là bà Hanan al-Fatlawi đã tiết lộ một kế hoạch lớn của Washington và đồng minh. Theo đó, Mỹ, Ảrập Xê út và các đồng minh Ả Rập đang chuẩn bị một hoạt động chống IS trên quy mô lớn, với sự tham gia của 100.000 quân.

Quân đội Syria sắp bước vào một giai đoạn vô cùng khó khăn
Quân đội Syria sắp bước vào một giai đoạn vô cùng khó khăn

Theo đó, liên minh quân sự đa quốc gia do Mỹ lãnh đạo bao gồm khoảng 100.000 quân, trong đó, Mỹ đóng góp 10.000. lực lượng Mỹ sẽ chỉ tham gia các hoạt động cung cấp hỗ trợ hậu cần, kỹ thuật, còn lực lượng tham chiến trực tiếp sẽ là quân đội các nước Ả Rập.

90.000 quân còn lại của lực lượng chống khủng bố quốc tế sẽ lấy từ các quốc gia Ả Rập dòng Sunni xung quanh như: Ảrập Xê út, United Arab Emirates (UAE), Qatar, Jordan và đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ.

Tất nhiên là Mỹ và các nước Ả Rập đã bác bỏ thông tin do vị nữ chính khách Iraq tiết lộ nhưng diễn biến trên chiến trường Syria đã cho thấy, mặc dù không hoàn toàn chính xác về quy mô và cấp độ, nhưng tiết lộ của bà Hanan al-Fatlawi là hoàn toàn có cơ sở thực tiễn.

Trong thời gian qua, Mỹ-Anh và Thổ Nhĩ Kỳ đã tung tới gần 10.000 quân đến Syria, trực tiếp hỗ trợ các nhóm phiến quân đối lập chiếm đóng các vùng lãnh thổ phía Bắc, phía Đông, phía Đông Nam Syria, sắp tới có thể là phía Tây Nam với sự hiện diện của Isarel.

Việc thành lập Liên minh “NATO Ả rập” càng là cơ sở thực tiễn cho thấy rằng, trong thời gian tới, Mỹ và các đồng minh Ả rập sẽ tăng cường can thiệp trực tiếp vào Syria, không loại trừ khả năng họ sẽ điều động một lượng lớn binh lực xâm nhập vào đất nước này.

Tuy nhiên, khả năng các nước này trực tiếp tham chiến đánh IS là rất thấp, nhiều phần là họ sẽ điều quân đến trấn thủ các khu vực phiến quân “đối lập ôn hòa” mới giành được quyền kiểm soát từ tay khủng bố IS, để chúng rảnh tay tiếp tục đánh chiếm những vùng đất khác.

Do đó, trong thời gian tới, tình hình ở Syria sẽ có thêm những biến động lớn rất khó lường.

Theo Thiên Nam

Đất Việt