Bài 15:
Kỳ án khởi tố xong 14 năm mới tuyên án giữa thủ đô: Người bào chữa nói gì?
(Dân trí) - Ngày 19/12 tới đây, TAND thành phố Hà Nội sẽ đưa vụ án Quản Đắc Quý - Quản Đắc Thúy ra xét xử phúc thẩm để xét kháng cáo kêu oan của các bị cáo này. Phóng viên Dân trí đã có buổi gặp làm việc với một trong số các luật sư bào chữa miễn phí cho hai bị cáo là Luật sư Đào Liên (Công ty luật Tiền Phong - Đoàn luật sư TP. Hà Nội).
PV: Là người nhận trách nhiệm bào chữa cho 02 bị cáo, luật sư có đánh giá các bị cáo có dấu hiệu bị oan?
Luât sư Đào Liên: Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, về hiện trường, trực tiếp gặp gỡ các nhân chứng là những người có mặt tại hiện trường ngày 19-7-2003 xảy ra vụ án, tôi thực sự nhận thấy có nhiều dấu hiệu cho thấy hai bị cáo bị oan.
Quá trình kết tội hai bị cáo kéo dài 14 năm qua, thời gian điều tra bất chấp hạn định cũng phản ánh sự lúng túng, khó khăn cho CQĐT trong việc thu thập chứng cứ buộc tội bị can.
Luật sư Đào Thị Liên cùng nhiều luật sư bào chữa miễn phí cho 2 bị cáo vì tin rằng vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai.
Đến nay, nhiều chứng cứ chứng minh tội phạm không thể khắc phục được. Chẳng hạn: tang vật không thu giữ được; sau hơn một năm kể từ thời điểm khởi tố vụ án và bị can, CQĐT mới xác minh hiện trường nên nhiều dấu vết, đặc điểm các đồ vật, dấu mốc đã không còn nguyên vẹn như ban đầu; chủ yếu chứng cứ buộc tội là lời khai của bị hại và một vài nhân chứng phía bị hại lại có nhiều mâu thuẫn, cơ chế vết thương không phù hợp với lời khai của bị hại về việc bị sử dụng hung khí tấn công, bị hại nhập viện điều trị vào tháng 7/2003 nhưng lại ra viện từ tháng 4/2003...Rất nhiều tình tiết “lạ kỳ” và "bất thường" trong hồ sơ vụ án sẽ được người bào chữa chúng tôi chỉ ra và phân tích kỹ lưỡng tại phiên tòa để xác định sự thật trong vụ án này.
PV: Theo luật sư, vì sao bản án sơ thẩm của TAND huyện Hoài Đức vẫn tuyên phạt các bị cáo phạm tội?
LS Đào Liên: Tôi không tham gia vụ án ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, tuy nhiên, nghiên cứu hồ sơ vụ án, đặc biệt là các chứng cứ lời khai buộc tội, kết luận giám định, biên bản hiện trường... so sánh với Biên bản phiên tòa sơ thẩm, Biên bản nghị án và Bản án sơ thẩm tôi thấy rằng chưa đủ căn cứ để buộc tội các bị cáo, hồ sơ chưa phản ánh toàn diện sự thật vụ án, chưa đáp ứng yêu cầu trả hồ sơ của cơ quan tiến hành tố tụng nhưng Toà án cấp sơ thẩm vẫn kết tội dẫn đến việc xét xử không khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.
PV: Luật sư có định hướng giải oan cho các bị cáo như thế nào?
LS Đào Liên: Tôi cũng như các luật sư đồng nghiệp sẽ căn cứ vào chính hồ sơ vụ án, các quy định của Hiến pháp, BLHS, BLTTHS chứng minh cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm tròn “trách nhiệm chứng minh tội phạm” của mình. Khi hồ sơ chưa đủ cơ sở buộc tội mà bản án sơ thẩm đã kết tội thì Toà án cấp phúc thẩm cần thiết phải huỷ bản án sơ thẩm và trả hồ sơ để điều tra lại. Việc điều tra lại sẽ phải được làm một cách cẩn trọng, có sự tham gia của luật sư, có sự tham gia giám sát của các cơ quan giám sát để đảm bảo sự khách quan, đúng pháp luật.
Nguyên cán bộ và nhân dân thôn Vân Côn đồng loạt đề nghị minh oan cho các bị cáo và sẵn sàng ra làm chứng trước tòa.
PV: Luật sư đánh giá thế nào khi cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH, VP Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội...đều nhận được đơn kêu oan của các bị cáo và chuyển đơn đề nghị cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát tuân thủ pháp luật để giải quyết vụ án?
LS Đào Liên: Đây là một vụ án mà hai bị cáo nhất mực kêu oan, không nhận tội trong suốt 14 năm qua. Có thể thấy,hơn một thập kỷ của thanh xuân, các bị cáo đã dành để đi gõ cửa, cầu cứu các cơ quan chức năng. Việc các cơ quan Quốc hội, các ĐBQH, VP Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội... nhận được đơn kêu oan của các bị cáo và chuyển đơn đề nghị cơ quan Toán án, Viện kiểm sát tuân thủ pháp luật nhằm giải quyết vụ án cho thấy sự quan tâm và yêu cầu của các cơ quan hữu quan và cấp trên đối với việc giải quyết vụ án phải bảo đảm tuân thủ pháp luật. Tôi tin tằng Toà án cấp phúc thẩm sẽ thận trọng và có phán quyết đúng pháp luật.
PV: Vì sao Luật sư quyết định bào chữa miễn phí cho 02 bị cáo?
Góc khuất phía sau vụ án các bị cáo đang khẩn thiết kêu oan.
LS Đào Liên: Tôi nhận trách nhiệm bào chữa cho hai bị cáo trong vụ án xuất phát từ sự thương cảm tận đáy lòng của con người đối với con người. Thực tế cho thấy, 14 năm hai anh em Quản Đắc Quý và Quản Đắc Thúy mang thân phận "bị can, bị cáo" đã khiến cho hai cuộc đời trai trẻ, hai thanh niên đang độ tuổi xuân rạng ngời nhất (một là sinh viên trường ĐH Bách Khoa và một là sinh viên trường trung cấp Việt Hung) đã bị mất đi cơ hội học tập, cơ hội nghề nghiệp, cơ hội phát triển, quan trọng hơn tất cả là 14 năm qua, hai anh em họ đã bị tước đi sự sống bình an bởi cả 14 năm qua hai anh em - trong nỗi niềm mặc cảm họ đã thấp thỏm âu lo, gõ cửa kêu oan các cơ quan từ trung ương đến địa phương, qua hàng trăm lá đơn, hàng nghìn trang tài liệu...
Là người bình thường, chưa nói đến trách nhiệm của người hành nghề luật, chúng ta sẽ thấy liệu có gì để bù đắp nổi sự mất mát của họ? Các luật sư chúng tôi quyết tâm đi đến tận cùng vụ án, chứng minh rõ những vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, sai lầm trong đường lối xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng tại cấp sơ thẩm, nhằm đấu tranh cho một bản án đúng ở giai đoạn sắp tới.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế (thực hiện)