1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kinh hoàng con đường xương cốt trâu, bò

Bên cạnh khu vực chợ gần cầu Bắc Thăng Long ô nhiễm do giết mổ gia cầm thì dọc đường trong thôn Cổ Điển (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) là những bãi xương trâu, bò, nội tạng đổ tràn lan.

Nhiều năm nay người dân thôn Cổ Điển (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) đang phải gồng mình sống trong cảnh ô nhiễm nặng nề. Bên cạnh khu vực chợ gần cầu Bắc Thăng Long ô nhiễm do giết mổ gia cầm thì dọc đường trong thôn là những bãi xương trâu, bò, nội tạng đổ tràn lan. Mặc dù người dân đã rất nhiều lần kêu cứu, nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để.

1. Nhiều năm nay, thôn Cổ Điển giàu lên trông thấy với nghề mổ trâu, bò. Đây là nơi cung cấp một lượng thịt lớn cho khu vực chợ đầu mối và toàn TP Hà Nội.

Theo thống kê, tại đây có tới 13 lò mổ tư nhân, mỗi ngày có hàng trăm con trâu, bò được giết mổ. Tuy nhiên, hệ lụy từ việc giàu lên trông thấy này là không hề nhỏ.

Sau những ngày mưa dầm ẩm ướt, trời bắt đầu hửng nắng, có lẽ đây cũng là lúc người dân ở Cổ Điển thấy sợ nhất. Bởi chỉ cần một chút nắng thôi là mùi hôi thối của nội tạng, của xương trâu, xương bò bốc lên.

Hàng chục đống xương lớn nhỏ, cùng đủ loại chất thải, nội tạng… được đổ ngay hai bên đường làng khiến môi trường đang ở mức báo động. Hàng chục năm nay, người dân ở đây phải gồng mình chống đỡ trước sự thờ ơ của chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Văn T. (người dân thôn Cổ Điển) bức xúc: "Nói thật với các anh, hàng chục năm nay người dân chúng tôi phải chịu mùi hôi thối thế này rồi. Các anh biết đấy, mùi xương động vật, nội tạng động vật mà phân hủy thì nó kinh khủng đến thế nào.

Có khi chỉ cần để từ sáng đến chiều là đã bốc mùi nồng nặc lên rồi. Chưa kể, khi vứt ra đường ruồi nhặng kéo đến gây ô nhiễm trầm trọng. Rõ ràng là các lò mổ này mọc lên kinh tế địa phương phát triển hơn thế nhưng không thể vì sự giàu có ấy mà đánh đổi cả môi trường sống".

Qua tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các lò mổ này đều không sử dụng hệ thống xử lý chất thải. Con đường dài chưa đầy 3km nhưng hơn một nửa được các lò mổ tập kết các loại chất thải. Các bao xương trâu bò, cùng với nội tạng lẫn trong lông và phân trâu bò đều được chất đống dài ngay cuối đường của thôn.

Càng đi sâu vào trong làng, mùi hôi thối của phân trâu bò, cùng với mùi tanh tưởi của máu và nội tạng đang phân hủy khiến tất cả chúng tôi đều có cảm giác buồn nôn.

Khi mà lượng rác thải ngày càng nhiều hơn thì bất kể nơi đâu có đất trống là các chủ lò mổ tuồn ra. Xương được đổ bất cứ nơi đâu, thậm chí ngay tại bãi đất trống của công ty xử lý nước thải thuộc Công ty Phú Điền cũng được tận dụng.

Vừa lấy tay bịt mũi, vừa rón rén bước qua đống xương đã trắng bệch vì để lâu ngày, bà Nguyễn Thị H. cho hay: "Tôi chưa từng thấy nơi nào bẩn thỉu, hôi thối như nơi đây. Đường chúng tôi đi ra đồng cũng bị họ đổ chất đống, không còn khe mà bước vào nữa, ruồi muỗi thì đặc kín. Để ra được ruộng thăm lúa chúng tôi phải trèo lên đống xương để đi".

Dứt lời, bà H chỉ ra đống rác ruồi muỗi bu kín nói: "Anh chị nhìn xem, đống gan ruột, lòng phổi kia kìa, có thấy sợ không? Chỉ 2 ngày nữa thôi, nó phân hủy rồi bốc mùi lên thì không ai có thể chịu nổi, ruồi bọ bâu kín, người lạ mà đến đây không nôn ói tôi có mà đi đầu xuống đất".

Đã từng nhiều lần bà con thôn Cổ Điển làm đơn lên chính quyền địa phương những mong giải quyết. Tuy nhiên, kết quả của những lá đơn ấy đều là sự im lặng.

Có chăng chỉ là những động thái đối phó của những lò mổ, vài ba hôm đống xương và nội tạng lại tiếp tục được đổ ra đường như không có chuyện gì xảy ra.

Bà H. cho hay: "Chúng tôi khổ quá nhiều lần kêu với trưởng thôn, kêu với xã nhưng nào có giải quyết được gì đâu. Chúng tôi là người dân, chỉ biết trông chờ vào chính quyền địa phương, họ không xử lý được thì chúng tôi còn biết dựa vào đâu nữa".

Để vào được ruộng nhà mình, nhiều hộ dân đã phải trèo lên những đống xương như thế này.
Để vào được ruộng nhà mình, nhiều hộ dân đã phải trèo lên những đống xương như thế này.

Được người dân chỉ dẫn, chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Quốc Mới - Trưởng thôn Cổ Điển. Nhắc đến bãi xương gây ô nhiễm, ông Mới lắc đầu ngán ngẩm: "Tình trạng xương trâu, xương bò, lợn được chất đống ngoài đường diễn ra từ khá lâu rồi. Cả thôn chúng tôi có 13 lò mổ, gồm cả trâu, bò, lợn nhưng chủ yếu là trâu bò, số xương này là từ các lò mổ trong thôn đổ trộm ra.

Thời gian trước, tình trạng này có diễn ra nhưng không ô nhiễm như hiện nay. Nguyên nhân chính là trước đây có công ty chế biến thu mua nay công ty đã không còn làm nữa. Chính vì thế xương trâu bò bị ùn đọng, chất đống hai bên đường đi. Hơn nữa, thời gian vừa qua là tết, các lò giết mổ nhiều hơn, lượng xương tồn đọng vì thế mà đầy hơn".

Theo tìm hiểu, cách đây ít ngày, do phản ánh của người dân quá mạnh nên UBND xã Hải Bối đã cho người xuống nhắc nhở các lò mổ. Số xương nằm dọc đường đã được thu gom vào bao tải, tuy nhiên vẫn không được di chuyển đi nơi khác.

Bản thân ông Mới, cương vị là Trưởng thôn, ông đã nhiều lần trực tiếp đến các hộ gia đình có lò mổ để nhắc nhở, đồng thời báo cáo lên UBND xã về tình trạng ô nhiễm của thôn.

Vì thế, các hộ này đều được mời lên ủy ban để ký cam kết không được đổ chất thải cùng nội tạng ra đường làng. Thế nhưng có vẻ các hộ này chỉ ký cam kết lấy lệ, việc đổ rác thải từ các lò mổ vẫn diễn ra bình thường.

"Tôi cũng không hiểu họ ký vào cam kết để làm gì, ký rồi mà đâu vẫn vào đấy. Có lẽ UBND xã chưa có biện pháp xử lý triệt để, chưa có mức phạt đích đáng nên tình trạng này vẫn cứ diễn ra. Tôi đề nghị, UBND xã cần trực tiếp xuống địa bàn, có biện pháp thật mạnh tay mới đủ sức răn đe các lò mổ tại đây".

Qua tìm hiểu, toàn thôn có 13 lò giết mổ tư nhân, tất cả đều có giấy phép bên ngành thú y cung cấp. Vậy các cơ sở này có đảm bảo vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ (quy định số 60/2010/TT - BNNPTNT) hay không? Đó là câu hỏi mà chính người dân ở Cổ Điển đều có câu trả lời!

Chia tay chúng tôi, ông Mới không giấu được sự chán nản, ông bảo: "Nói thật là tôi làm Phó thôn, rồi Trưởng thôn cũng lâu lắm rồi, có đi nhắc nhở các lò mổ, người ta đồng ý cho qua xong đâu lại vào đấy.

Tôi thì ngoài việc nhắc nhở ra không làm gì khác được vì tôi không có quyền xử lý. Tôi nhắc nhở còn có người bảo đây là đất dự án, không phải đất của thôn nên cứ đổ.

Qua đây tôi mong các cấp chính quyền có cách nào giúp thôn tôi xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm tồn tại đã hơn chục năm nay, trả lại không khí trong lành cho bà con".

Nội tạng trâu, bò phân hủy và bốc mùi hôi thối.
Nội tạng trâu, bò phân hủy và bốc mùi hôi thối.

2. Ngôi làng Cổ Điển nhỏ bé không chỉ phải gánh chịu mùi hôi thối từ bãi xương trâu bò, nội tạng mà còn cả sự ô nhiễm nặng nề của khu vực chợ gần cầu Bắc Thăng Long.

Khoảng 3- 4 năm nay, người dân phải hứng chịu một bầu không khí ngột ngạt do các hoạt động trong chợ đầu mối Hải Bối gây ra. Có tình trạng này là do khu vực giết mổ gia cầm gà vịt được bố trí ngay phía gần cổng chợ.

Theo quan sát của phóng viên, quanh khu chợ, đâu đâu cũng thấy phân gà, lông gà, lông vịt trộn lẫn với bụi đất mặt đường khiến con đường đi vào chợ trở nên nhầy nhụa. Lông gà, bùn, phân bện vào nhau thành từng mảng dày đến vài cm.

Đường đi trong chợ đã bẩn, phía trong khu vực giết mổ gia cầm còn bẩn hơn gấp nhiều lần. Khu vực này được được chia thành 2 dãy nhà nằm song song và sát lối vào chợ.

Hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước tại đây rất chậm do đã quá cũ. Vì vậy nước rửa gia cầm, trộn lẫn với tiết, phân gà, lông gà tràn khắp lối đi khiến không khí đặc quánh một mùi khó chịu.

Được biết chợ đầu mối Hải Bối có khoảng 20 hộ kinh doanh với hàng trăm người làm nghề. Mỗi người lại đảm nhận một công đoạn khác nhau.

Xương trâu, bò được các chủ lò đóng vào bao tải nhưng chậm chuyển đi nơi khác.
Xương trâu, bò được các chủ lò đóng vào bao tải nhưng chậm chuyển đi nơi khác.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - sống tại khu vực cầu Bắc Thăng Long, thôn Cổ Điển, xã Hải Bối bức xúc: "Người dân quanh khu chợ luôn phải khổ sở chịu đựng mùi hôi bốc lên nồng nặc, nhất là vào những ngày thời tiết nắng nóng, bầu không khí càng ngột ngạt. Chỉ cần mở cửa ra là theo hướng gió Tây Nam thổi vào không khí trong nhà ngập ngụa mùi hôi".

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thập - Phó trưởng Khu dân cư Bắc Thăng Long cho biết: "Trước đó, tại chợ đầu mối Hải Bối, đơn vị thu gom, vận chuyển rác của khu dân cư Bắc Thăng Long cũng đảm nhiệm luôn công tác thu gom rác và vệ sinh môi trường trong chợ.

Tuy vậy, thời gian gần đây, Ban Quản lý chợ đầu mối đã chấm dứt hợp đồng với đơn vị thu gom này. Do vậy, rác thải và cả những loại phụ phẩm từ giết mổ đều được đưa ra bãi rác phía sau chợ".

Bất bình trước tình trạng trên, trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri của khu dân cư, Hội đồng nhân dân các cấp... người dân đều kiến nghị tới các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm môi trường của chợ đầu mối Hải Bối nhưng chưa được giải quyết.

Theo Phong Anh
Công an nhân dân