GS.TSKH Phạm Tất Dong: "Không tham gia đào tạo, nghiên cứu nên trả lại chức danh giáo sư"

(Dân trí) - GS.TSKH Phạm Tất Dong, ngành Tâm lý học, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: "Cần soát lại chất lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư hiện nay, nếu trong vòng 5 năm trở lại đây, giáo sư nào không có công trình nghiên cứu, không tham gia đào tạo thì nên trả lại chức danh giáo sư".

Trong đợt phong giáo sư, phó giáo sư năm 2017, số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn tăng đột biến so với năm trước, trong đó, có 85 ứng viên được công nhận GS, 1.141 ứng viên được công nhận PGS (tăng 1,7 lần so với năm 2016). Số lượng tăng đột biến như vậy khiến dư luận lo ngại bởi chất lượng có đúng thực chất.

Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Phạm Tất Dong, ngành Tâm lý học, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam về vấn đề này.


GS.TSKH Phạm Tất Dong

GS.TSKH Phạm Tất Dong

Phong giáo sư phải có mục đích

Năm nay việc giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến như đã phản ánh, là người làm giáo dục, làm nghiên cứu, ông suy nghĩ điều gì?

Tôi thấy việc phong giáo sư, phó giáo sư (GS,PGS) của Việt Nam mình chưa đúng yêu cầu.

Trước hết, phong rất nhiều người không làm giáo dục, những người không làm giáo dục sao lại được gọi là nhà giáo được. Nhiều người rất lâu không thực hiện đào tạo, nghiên cứu, không bao giờ lên lớp tại sao lại phong cho họ làm giáo sư.

Thứ hai, phong giáo sư để làm gì? phong phải có mục đích. Nơi nào cần giáo sư, cần người đầu ngành đứng ra để chịu trách nhiệm quản lý về mặt khoa học thì mới phong. Chứ nhiều người phong giáo sư xong chả để làm gì. Thậm chí nhiều người lấy mác giáo sư để làm việc khác thì lại càng vô lối.

Nhà báo thử nghĩ, khi phong giáo sư toán, hóa học xong họ đi làm cán bộ quản lý thì phong có ý nghĩa gì. Bộ trưởng là một chính khách chứ ai yêu cầu bộ trưởng làm giáo sư, làm khoa học. Ví dụ, một số nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đâu có phải là nhà quân sự nhưng họ nắm đường lối quân sự của nước đó để làm, chuyên môn phải để cấp dưới họ làm. Tại sao cứ Bộ trưởng là phong giáo sư như vậy.

Vấn đề sinh viên, vấn đề trí thức và vấn đề kinh tế phải gắn liền với nhau. Phong giáo sư mà không làm cho nền kinh tế thay đổi thì phong làm gì.

Hệ thống kinh tế quốc dân cần đến sinh viên, cần đến tri thức, cần đến người có học hàm, học vị, nếu phong nhiều mà không làm được gì thì cũng không nên phong. Số lượng GS,PGS tăng đột biến lần này, tôi e sẽ có vấn đề về chất lượng.

Không nên có chức danh giáo sư vĩnh viễn

Như ông nói thì những người có chức không nên phong giáo sư?

Theo tôi, những người có chức không nên giữ chức danh giáo sư vì anh không thể đảm đương được công việc nghiên cứu, đào tạo.

Cũng giống như Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo ưu tú, người quản lý không nên nhận mà nên nhường cho những nhà giáo đang nai lưng dạy học sinh trên miền núi, vùng khó khăn.

Vậy, theo ông, việc phong giáo sư như thế nào cho đúng?

Theo tôi, một trường đại học nào đó cần giáo sư về để thúc đẩy chuyên môn khoa học trường đó lên thì chọn người phong giáo sư và yêu cầu người được phong phải chịu trách nhiệm đi đến nơi cần.

Chứ không thể phong giáo sư rồi ngồi hưởng tại chỗ chức danh đó. Người làm giáo sư thì không nên làm quản lý mà nên làm khoa học và chỉ đạo nghiên cứu. Hiện nay, phong giáo sư nhiều quá nên thật giả lẫn lộn.

Giải pháp nào quan trọng nhất để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư hiện nay, thưa ông?

Soát lại tiêu chuẩn, không thể để tiêu chuẩn thấp về GS,PGS như hiện nay được mà phải nâng chuẩn lên. Các GS,PGS phải có công bố quốc tế và Hội đồng thật chuyên ngành để xét chứ không thể liên ngành được.

Thậm chí, người tham gia xét hội đồng GSNN là người phải có công trình nghiên cứu trong thời gian gần và nên mời giáo sư nước ngoài vào đánh giá. Nếu không đội ngũ GS,PGS ngày càng đông mà chả giải quyết được gì.

Bên cạnh đó, nhà nước nên rà soát lại toàn bộ đội ngũ giáo sư hiện nay. Nếu trong vòng 5 năm giáo sư mà không có công trình, không có công bố quốc tế, không hướng dẫn nghiên cứu sinh thì nên thu hồi lại chức danh giáo sư.

Không nên phong chức danh giáo sư vĩnh viễn vì nó chỉ là chức danh. Thậm chí có người về hưu vẫn được phong GS,PGS, thật vô lối.

Ông được phong giáo sư từ năm nào? hiện tại ông có tham gia nghiên cứu không?

Tôi được phong giáo sư năm 1981, từ đó tôi lại càng phải học nhiều mà càng học lại càng thấy mình dốt. Tôi tham gia nhiều nghiên cứu khoa học. Hiện nay, tôi vẫn tham gia thực hiện nhiệm vụ của mình, luôn hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh và thạc sỹ.

Khi nào tôi không đủ sức tham gia đào tạo, nghiên cứu, tôi sẽ trả lại chức danh GS.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Thủ tướng yêu cầu rà soát việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư

Sau khi Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công bố danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017, có nhiều thông tin (kể cả trên các phương tiện thông tin đại chúng) phản ánh số lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư tăng đột biến so với các năm trước.

Bên cạnh đó là nhiều lo ngại về chất lượng như không có đủ sách hoặc bài báo khoa học, không có đủ thời gian giảng dạy, nghiên cứu khoa học...

Một số thành viên hội đồng có rất ít (thậm chí không có) công bố nghiên cứu khoa học quốc tế so với các ứng viên.

Không ít thông tin cho rằng đã có những dấu hiệu không bình thường khi thời gian nộp hồ sơ được kéo dài như một "đợt vét" trước khi có quy định mới về tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư và có ứng viên phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Văn phòng Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước...

Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước nghiêm túc xem xét, rà soát kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng theo quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/2/2018.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm