1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cải cách tiền lương: Phải mạnh dạn cho người yếu kém nghỉ việc

Nhiều công chức, viên chức, người lao động mong muốn sẽ có một cuộc cải cách về chế tiền lương để có thể sống được bằng lương với năng lực của mình.

Hội nghị TW7 đang diễn ra tại Hà Nội thu hút sự quan tâm theo dõi của đảng viên, quần chúng nhân dân trong cả nước. Đặc biệt, một trong những nội dung được nhiều công chức, viên chức, người lao động rất quan tâm đó là vấn đề về tiền lương. Ai cũng mong muốn, qua Hội nghị lần này, sẽ có một cuộc cải cách về chế tiền lương để làm sao đảm bảo được công bằng xã hội và người lao động sống được bằng lương với năng lực của mình.

Trong một lần trao đối với phòng viên VOV về vấn đề tiền lương và chính sách thu hút nhân lực cho bộ máy chính quyền TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Lâm, trí thức Việt Kiều Nhật Bản cho rằng: Bất cập hiện nay đối với bộ máy Nhà nước là muốn thu hút người tài nhưng lại chưa có chế độ đãi ngộ xứng đáng nên rất khó.

Cải cách tiền lương: Phải mạnh dạn cho người yếu kém nghỉ việc - 1

Bởi rất nhiều người có năng lực, chuyên môn giỏi muốn phục vụ cho thành phố cho đất nước, nhưng thu nhập được trả theo thang bảng lương nhà nước đã quá cũ, không thể đảm bảo cuộc sống cho họ thì khó thuyết phục họ gắn bó với cơ quan nhà nước.

Đó là chuyện chiêu hiền đãi sĩ với những người tài, còn với những công chức, viên chức nhà nước thì dường như chuyện tiền lương và nâng cao cuộc sống từ tiền lương là điều khát khao bao năm nay. Đơn cử, một viên chức của TPHCM gần 10 năm làm việc tại một Sở của thành phố, nhưng mức lương hiện nay của họ chỉ mới hệ số 3.0.

Vào tháng 7 tới, dự kiến lương cơ sở tăng 1,39 triệu đồng thì tiền lương của viên chức này cũng chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Cộng thêm các khoản phụ cấp thì tổng thu nhập cũng chưa tới 8 triệu đồng. Một mình thì có thể xoay sở, nhưng nếu có gia đình thì chuyện cơm áo, gạo tiền với đồng lương này quả thật rất khó khăn.

Vì vậy, công chức, viên chức và người lao động tại TP.HCM mong muốn cần phải có sự đột phá, cải thiện về tiền lương để họ có thể an tâm sống bằng lương tương xứng với khả năng đóng góp của mình. Bởi nếu lương thấp sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy, trong đó có việc không khuyến khích người lao động cống hiến, toàn tâm toàn ý cho công việc.

Chị Ngô Hồng Đào, một viên chức tại TPHCM đề nghị: “Để thu hút nhân tài và giữ được nguồn nhân lực giỏi thì nên thực hiện cải cách chính sách về tiền lương, đặc biệt là phải mạnh dạn cho thôi việc, nghỉ việc những cán bộ, công chức không làm được việc, những người không có năng lực. Bên cạnh đó nên có những khoản thưởng xứng đáng cho những người thật sự có năng lực, có những sáng kiến cống hiến cho đơn vị”.

Theo Sở Nội vụ TP.HCM, biên chế công chức của TP năm 2018 là 11.210 người, dự kiến đến năm 2019 giảm còn 10.950 người (giảm 693 người). Và từ 2019-2021, mỗi năm TPHCM giảm 260 người. Đến năm 2021 biên chế công chức dự kiến chỉ còn 10.430 người. Như vậy, từ nay đến năm 2021, TPHCM sẽ giảm từ 1,5-2% biên chế công chức và số lượng người làm việc được giao.

Trên cơ sở tinh giản biên chế này cùng với chủ trương về cải cách chế độ tiền lương mà Hội nghị TW7 đang bàn bạc sẽ mở ra những tín hiệu tích cực đối với người làm công ăn lương trong bộ máy hành chính nhà nước tại TPHCM. Bởi để thực hiện có hiệu quả đề án cải cách chính sách tiền lương thì cần phải tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, để tăng thu nhập cho cán bộ, công chức thì cần phải rà soát đánh giá lại chất lượng, số lượng của đội ngũ cán bộ công chức từ cấp TP đến cấp quận huyện, xã phường: “Chúng ta phải rà soát, đánh giá lại. Người nào làm được, hoàn thành tốt công việc thì chúng ta giữ lại, người nào không làm được, không làm tốt thì chúng ta mạnh dạn loại khỏi bộ máy của mình trên tinh thần là tinh giảm bộ máy, gọn nhẹ hiệu quả. Thì chúng ta mới có nguồn để chúng ta nâng thu nhập này lên”.

Không chỉ quan tâm đến công chức, viên chức cơ quan hành chính nhà nước, đề án cải cách chính sách tiền lương lần này cũng đề cập việc hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng đối với khu vực doanh nghiệp, cả doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Bà Võ Thị Thanh Huyền, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Rồng Việt VH cho rằng: Đảng ta thực sự đang tạo được dấu ấn quan trọng đối với nhân dân cả nước bởi nhiều nội dung quan trọng được đưa ra bàn thảo tại hội nghị TW7 lần này.

Đặc biệt, người lao động lại càng hết sức phấn khởi vì chế độ tiền lương sẽ được cải cách theo hướng doanh nghiệp được tự chủ quyết định chính sách tiền lương và trả lương phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, cũng như khả năng của doanh nghiệp. Có như vậy sẽ khuyến khích người lao động làm việc tốt hơn và gắn bó hơn với doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Theo Cao Thoa/VOV.VN