Ai chịu trách nhiệm về chuyện Bạc Liêu, Cà Mau "vỡ nợ"?

(Dân trí) - Khẳng định quan điểm của Bộ Tài chính là phải thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước cho biết, việc để mất cân đối thu chi, điều hành chi vượt dự toán là trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị dự toán, Chủ tịch UBND các cấp, bao gồm cả cấp xã.

Liên quan đến vấn đề thu, chi ngân sách của hai địa phương Cà Mau, Bạc Liêu gây xôn xao dư luận thời gian gần đây, phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính.

Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính (ảnh: TBTC)
Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính (ảnh: TBTC)

Tỉnh chi ngân sách cho tạm ứng

Năm 2015, thặng dư ngân sách nhà nước chủ yếu là nhờ ngân sách địa phương (NSĐP). Tuy nhiên, vừa qua một số địa phương như Thành ủy Bạc Liêu và TP. Cà Mau lại nổi lên việc mất cân đối ngân sách, trở thành con nợ. Bộ Tài chính có nhận được báo cáo của các địa phương trên hay không và tình hình xử lý hiện được thực hiện như thế nào?

Ngay sau khi nhận được thông tin đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng về tình hình tài chính ngân sách của Thành phố Cà Mau và Thành ủy Bạc Liêu, Bộ Tài chính đã trao đổi với 2 địa phương này.

Theo báo cáo của Cà Mau và Bạc Liêu, ước thực hiện thu cân đối NSĐP cả năm của hai tỉnh này đều sẽ đạt và vượt dự toán Trung ương giao, như vậy, đủ nguồn để đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán.

Để xử lý thiếu hụt tạm thời ngân sách của Thành phố Cà Mau, UBND tỉnh đã ứng kinh phí cho Thành phố; đồng thời, yêu cầu Thành phố phải phấn đấu thu và sử dụng toàn bộ số thu của mình đến hết năm để thanh toán lương cho cán bộ, công chức, viên chức, thanh toán nợ bảo hiểm xã hội, sự nghiệp môi trường, điện chiếu sáng công cộng.

Tỉnh cũng chỉ đạo UBND Thành phố đẩy mạnh tiến độ thu tiền sử dụng đất để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, bố trí dự toán năm 2016 để hoàn trả các khoản nợ; không bố trí phát sinh dự án đầu tư mới khi chưa có nguồn.

Với tình hình xử lý nêu trên, về cơ bản Thành phố Cà Mau sẽ đủ nguồn để đảm bảo thanh toán đủ các khoản chi lương cho cán bộ, công chức, viên chức.

Đối với Bạc Liệu, hiện nay Thành phố đã ứng ngân sách Thành phố cho Thành ủy Bạc Liêu để chi lương và kinh phí hoạt động đến hết năm và đang xem xét xử lý các khoản công nợ của Thành ủy.

Trường hợp tại Cà Mau, Bạc Liêu là cá biệt

Trường hợp tại Cà Mau và Bạc Liêu có phổ biến không và nguyên nhân dẫn đến trường hợp này do đâu, thưa ông?

Việc một số đơn vị hết tiền chi trả hoạt động như Thành phố Cà Mau, Thành ủy Bạc Liêu chỉ là cá biệt.

Đối với Thành ủy Bạc Liêu là việc mất cân đối thu, chi của đơn vị dự toán; đối với thành phố Cà Mau là việc mất cân đối của ngân sách cấp huyện. Nguyên nhân của tình trạng này là do cách thức điều hành ngân sách của một số chính quyền địa phương cấp dưới.

Trong quá trình xây dựng dự toán thu ngân sách, có khoản dự tính nhưng thực tế không phát sinh hoặc phát sinh thấp hơn dự kiến (như: thu tiền sử dụng đất,…) hoặc dự toán chi thấp hơn thực tế phát sinh do trượt giá (như: dự toán chi XDCB).

Khi xây dựng dự toán, các địa phương phải xác định nguồn lực (thu ngân sách địa phương, bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu) để ưu tiên bố trí nhiệm vụ chi đảm bảo chỉ cho phép thực hiện chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng chính sách, chế độ quy định.

Trường hợp thu thấp hơn dự toán phải thực hiện rà soát cắt giảm, giãn một số nhiệm vụ chi hoặc sử dụng các nguồn tài chính khác của địa phương để bù vào.

Về nguyên tắc các đơn vị dự toán, ngân sách các cấp phải cân đối thu, chi trong phạm vi dự toán được giao theo quy định.

Ai chịu trách nhiệm về chuyện Bạc Liêu, Cà Mau "vỡ nợ"? - 2

Việc xử lý trách nhiệm được thực hiện như thế nào và có trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu ở đây hay không? Các trường hợp trên ở cấp huyện (thành ủy). Với những cấp nhỏ hơn như xã, phường thì như thế nào?

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, dự toán chi ngân sách địa phương do Hội đồng nhân dân quyết định, Uỷ ban nhân dân giao cho các cấp dưới và các cơ quan đơn vị thực hiện.

Trong quá trình điều hành ngân sách để mất cân đối thu chi, điều hành chi vượt dự toán là trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị dự toán, Chủ tịch UBND các cấp (bao gồm cả cấp xã).

Trong trường hợp này, Thành phố Bạc Liêu và Thành phố Cà Mau phải đảm bảo cân đối nguồn lực để xử lý.

Trường hợp ngân sách địa phương không hụt thu, nhưng chi vượt dự toán, chưa được cấp có thẩm quyền duyệt hoặc không phải chi cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh, đột xuất thì trách nhiệm thuộc Thủ tưởng cơ quan, đơn vị, Thủ trưởng cấp ngân sách. Quan điểm của Bộ Tài chính là phải thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách!

Trong những trường hợp trên, người dân băn khoăn liệu ngân sách trung ương có phải bổ sung vào hay không? Nếu không thì quyền lợi của các tổ chức có liên quan, của người lao động sẽ phải xử lý thế nào? Còn nếu có bổ sung thì liệu có tạo nên tiền lệ và các địa phương sẽ vẫn ỉ lại nhà nước?

Trong thời kỳ ổn định ngân sách, địa phương phải tự cân đối thu chi ngân sách. Ngân sách Trung ương chỉ bổ sung trong trường hợp thực hiện thay đổi chính sách thu, chi ảnh hưởng đến ngân sách địa phương, bổ sung kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội khi điều chỉnh chuẩn nghèo.

Đối với Thành phố Cà Mau, UBND tỉnh đã ứng kinh phí cho Thành phố; đồng thời, yêu cầu thành phố phải phấn đấu thu và sử dụng toàn bộ số thu của Thành phố đến hết năm để thanh toán lương cho cán bộ, công chức, viên chức, thanh toán nợ bảo hiểm xã hội, sự nghiệp môi trường, điện chiếu sáng công cộng; chỉ đạo Ủy ban nhân dân Thành phố đẩy mạnh tiến độ thu tiền sử dụng đất để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, bố trí dự toán năm 2016 để hoàn trả các khoản nợ; không bố trí phát sinh dự án đầu tư mới khi chưa có nguồn.

Đối với Thành ủy Bạc Liêu là đơn vị dự toán cấp huyện nên thành phố Bạc Liêu phải đảm bảo cân đối nguồn lực để xử lý, trường hợp khó khăn thì Thành phố báo cáo UBND tỉnh Bạc Liêu để xử lý.

Xin cảm ơn ông!

Bích Diệp (thực hiện)

 

Ai chịu trách nhiệm về chuyện Bạc Liêu, Cà Mau "vỡ nợ"? - 3