1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Xử vụ nổ súng tại Đắk Nông: Nhiều năm tranh chấp đất, kết thúc bằng loạt súng

(Dân trí) - Ngày thứ nhất phiên tòa sơ thẩm vụ nổ súng khiến 3 người chết, 13 người bị thương tại Đắk Nông, những người dân tham dự phiên xử cho biết, sự việc xảy ra do sự bức xúc quá lớn vì doanh nghiệp Long Sơn mang máy đến san ủi khu đất đã tranh chấp nhiều năm qua.

Trong vụ án này, các bị cáo Đặng Văn Hiến (47 tuổi), Ninh Viết Bình (35 tuổi), Hà Văn Trường (32 tuổi) bị truy tố cùng về tội "Giết người"; bị cáo Đoàn Văn Diện (37 tuổi) bị truy tố về tội Che giấu tội phạm; bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu (55 tuổi, Phó Giám đốc công ty Long Sơn) và Phạm Công Thiện (40 tuổi, Trưởng quản lý công ty Long Sơn) bị truy tố về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản".

Phó giám đốc nhưng cái gì cũng không biết !

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Xuân Thiên Sửu - Phó Giám đốc Công ty Long Sơn thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Bị cáo này cho biết: "Trước khi thực hiện việc san ủi, bị cáo đã báo cáo cho UBND tỉnh Đắk Nông. Trong báo cáo có ghi rằng xin cho san ủi diện tích đất trên. Sau đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã có công văn trả lời, yêu cầu các có quan chức năng phối hợp để giải tỏa. Do đó, bị cáo nghĩ rằng UBND tỉnh đã cho phép san ủi diện tích đất đó nên bị cáo đã cho người thực hiện".

Bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu liên tục trả lời quanh co, chối tội
Bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu liên tục trả lời quanh co, chối tội

Tuy nhiên khi HĐXX hỏi: “Bị cáo có trình độ 10/10 lại là phó giám đốc công ty, sao không hiểu được văn bản?”, bị cáo Nghiêm Xuân Thiên Sửu trả lời: "Bị cáo sống ở nước ngoài lâu năm nên không hiểu pháp luật Việt Nam".

Nói về việc người của công ty mang theo đá trên xe máy cày, bị cáo Sửu cho rằng do đường khó đi nên phải mang theo đá để san lấp chỗ lầy lội cho xe qua. Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao dùng đá cục nhỏ thì bị cáo nói không biết. Bị cáo Sửu cũng cho rằng không chỉ đạo nhân viên của công ty tấn công lại người dân.

Trước những câu trả lời quanh co của bị cáo Sửu, chủ tọa phiên tòa đã nhắc nhở bị cáo này cần khai báo thành khẩn, không quanh co, chối tội để nhận sự khoan hồng của pháp luật.

Nhiều công nhân của công ty chưa đủ tuổi lao động nhưng ông Sửu không biết
Nhiều công nhân của công ty chưa đủ tuổi lao động nhưng ông Sửu không biết

Sau HĐXX, các luật sư bào chữa cho bị cáo Hiến, Bình, Trường và Diện lần lượt đặt câu hỏi cho bị cáo Sửu. Khi được hỏi, với cương vị là Phó giám đốc công ty, bị cáo Sửu có nhận được công văn chỉ đạo dừng san ủi, phá bỏ cây cối hoa màu trên diện tích đất đang tranh chấp của UBND tỉnh Đắk Nông và huyện Tuy Đức không, bị cáo Sử nói "không biết, không nhớ”.

Sau đó, một vị luật sư khác đặt câu hỏi về nhóm công nhân tham gia vào việc cưỡng chế dẫn đến nổ súng đều chưa đủ tuổi lao động nhưng vẫn được công ty này thuê vào làm. Bị cáo Sửu trả lời, vì các lao động này không xuất trình giấy tờ nên bị cáo không biết chính xác độ tuổi.

Nhiều năm tranh chấp, kết thúc bằng một loạt súng

Trong phần xét hỏi, bị cáo Đặng Văn Hiến khai rằng, thời điểm xảy ra vụ việc, gia đình bị cáo đang ngủ thì bị nhóm người công ty Long Sơn kéo đến bao vây quanh nhà. Sau đó, nhóm người của công ty Long Sơn kéo san ủi vườn điều của mình làm gia đình bị cáo rất búc xúc, lo sợ nên đã cầm súng ra để dọa với mục đích đuổi nhóm người này về.

Bị cáo Đặng Văn Hiến cho rằng mình phải nổ súng bắn trả để đảm bảo an toàn
Bị cáo Đặng Văn Hiến cho rằng mình phải nổ súng bắn trả để đảm bảo an toàn

"Tuy nhiên, khi bị cáo bắn chỉ thiên để cảnh cáo. Người của công ty Long Sơn không sợ mà tiếp tục xông đến dùng đá tấn công mình nên buộc bị cáo phải nổ súng bắn trả để đảm bảo an toàn”, bị cáo Hiến trả lời trước tòa.

Bị cáo Ninh Viết Bình cho biết, bị cáo về sinh sống tại khu vực trên từ năm 2003. Từ năm đó đến 2016, bị cáo đã chứng kiến rất nhiều lần việc xô xát giữa công ty trồng rừng và người dân, có lần hơn 70 người của công ty Long Sơn đến cưỡng chế và đe dọa anh em bị cáo. “Trước tình trạng trên, người dân chúng tôi đã rất nhiều lần kiến nghị lên xã, huyện, tỉnh nhưng không được giải quyết”, bị cáo này cho biết.

Tại phiên tòa, luật sư cũng đặt câu hỏi với người dân có đất nằm trên diện tích tranh chấp.

Bà Nguyễn Thị Thảo cho biết, bà và em trai đến mảnh đất này canh tác từ năm 2003 (trước khi thành lập tỉnh Đắk Nông) với diện tích 5,7ha trồng điều và trồng cà phê. Từ năm 2008, gia đình bà liên tục xảy ra tranh chấp đất với công ty Long Sơn, riêng tháng 8/2008, công ty này đã điều 8-11 xe ủi, phá hủy nhiều diện tích điều kinh doanh của gia đình bà.

Bà Thảo cho biết, rất nhiều lần Công ty Long Sơn đến phá cây trồng của gia đình
Bà Thảo cho biết, rất nhiều lần Công ty Long Sơn đến phá cây trồng của gia đình

Ông Ninh Viết Thắng, anh ruột của bị cáo Ninh Viết Bình cho biết, công ty phá hủy hơn 8ha điều của gia đình mà không có đền bù, thỏa thuận hay thông báo gì cho gia đình. Trong thời gian tranh chấp, gia đình anh và người dân rất bức xúc vấn đề này, thậm chí ra cả phòng tiếp dân của Văn phòng TW Đảng để kiến nghị. Sau đó, Phòng tiếp dân chỉ đạo UBND tỉnh xử lý dứt điểm sự việc nhưng vẫn chưa được giải quyết.

“Để xảy ra sự việc này là do người dân quá bức xúc trước cách làm của Công ty Long Sơn. Công ty này bất chấp chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, UBND tỉnh, huyện hành động trái pháp luật, coi thường chúng tôi”, anh này búc xúc.

Như Dân trí đã phản ánh, quá trình thực hiện dự án, giữa người dân sinh sống tại tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) và công ty Long Sơn liên tục xảy ra mâu thuẫn do tranh chấp đất đai. Ngày 23/10/2016, ông Sửu cùng hơn 30 nhân viên Công ty Long Sơn chia thành 2 nhóm vào san ủi, phá hủy 300 cây điều, 45 cây cà phê của 3 hộ dân.

Thấy nhân viên của Công ty Long Sơn bao vây nhà mình và nghe tiếng máy san ủi nên ông Hiến lấy súng ra ngăn chặn thì bị nhóm người này cầm gậy, khiên chặn lại. Lúc này, ông Hiến bắn chỉ thiên một phát thì nhóm nhân viên cầm đá ném nên ông này bỏ chạy vào nhà rồi bắn nhiều phát về phía người của công ty.

Ông Hiến lên gác nhà và được Hà Văn Trường hỗ trợ, ông này tiếp tục bắn về phía nhân viên Công ty Long Sơn. Sau đó, ông Hiến cùng Ninh Viết Bình mang súng lên rẫy điều của ông Thắng, bắn vào nhóm công nhân của Công ty Long Sơn khiến 16 người thương vong.

Dương Phong