1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Xử vụ chạy thận tử vong: Viện kiểm sát khẳng định không vi phạm luật tố tụng

(Dân trí) - Cuối phiên xét xử chiều ngày 29/5, đại diện Viện kiểm sát (VKS) Nhân dân TP Hòa Bình đã trình bày phần tranh luận với các ý kiến của các luật sư, trong đó có nội dung, VKS khẳng định cơ quan điều tra và VKS không vi phạm Bộ Luật tố tụng hình sự khi hỏi cung các bị can.

Cuối giờ chiều 29/5, trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án chạy thận thận làm 9 người chết xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình ngày 29/5/2017, đại diện VKS đã trình bày phần tranh luận đối đáp với những quan điểm, chứng cứ mà các luật sư đưa ra tại các phiên xét xử trước đó - cho rằng, cơ quan điều tra và VKS đã vi phạm nghiêm trọng Bộ Luật tố tụng hình sự khi tiến hành hỏi cung các bị can trong vụ án trên. Vị đại diện VKS đưa ra quan điểm về vấn đề này như sau:

Thứ nhất, Luật sư Nguyễn Chiến và Trần Hồng Phúc cho rằng cơ quan điều tra đã vi phạm Khoản 6 Điều 183 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về việc không ghi âm, ghi hình khi hỏi cung các bị can. Về vấn đề này, quan điểm của VKS cho rằng, để triển khai trong thực tiện quy định này phải có lộ trình, cần có thời gian chuẩn bị về phương tiện kỹ thuật, do vậy cũng chưa thể thực hiện ngay được.

Cụ thể, ngày 1/2/2018, Bộ Công an và VKS tối cao và Bộ Quốc phòng mới ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn trình tự thủ tục ghi âm, ghi hình, âm thanh và sử dụng bảo quản lưu trữ thiết bị kết quả ghi âm, ghi hình âm thanh trong quá trình điều tra truy tố xét xử. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18/3/2018, theo hồ sơ vụ án, VKS khẳng định không có bản cung nào mà VKS và cơ quan điều tra lấy vào thời điểm Thông tư này có hiệu lực.

Đại diện VKS.
Đại diện VKS.

Thứ hai, các luật sư cho rằng, cơ quan điều tra vi phạm nghiêm trọng quyền bảo đảm của bị can. Ngay khi khởi tố, bị can Lương đã yêu cầu mời luật sư và sau khi có yêu cầu thuê luật sư thì cũng không tiến hành mời các luật sư tới dự cung. VKS khẳng định như sau: Căn cứ vào Điều 76 của Luật Tố tụng hình sự quy định những trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa, đó là trường hợp bị cáo phạm tội trong trường hợp từ 20 năm tù trở lên, chung thân, hoặc tử hình; người buộc tội có nhược điểm về thể chất và tâm thần.

Căn cứ vào thực tế, bản thân bị can Lương khi tham gia hỏi cung thì cũng được giải thích đầy đủ về quyền và nghĩa vụ, bị cáo cũng tự nguyện hợp tác với cơ quan điều tra và trong trường hợp này bị cáo vẫn có thể thực hiện quyền bào chữa cho mình.

Tại phiên tòa, bị cáo Lương khai không bị ép cung hay dùng cực hình, do vậy, VKS khẳng định không làm mất đi tính pháp lý của lời khai.

Thứ ba, các luật sư cho rằng cơ quan điều tra vi phạm hỏi cung, đó là tại biên bản hỏi cung ngày 30/6/2017 thể hiện ở bút lục 964, thể hiện điều tra viên (ĐTV), Kiểm sát viên (KSV) cho bị can xem biên bản họp của cuốn sổ giao ban. VKS có ý kiến sau, căn cứ vào biên bản thu sổ họp giao ban, thể hiện ĐTV thu 3 cuốn sổ họp giao ban từ anh Đinh Tiến Công (Điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực) vào ngày 13h30 ngày 30/6/2017.

Trước thời điểm hỏi cung ngày 30/6/2017, bị can Hoàng Công Lương có tới 2 lời khai và 2 biên bản hỏi cung thể hiện khai rõ nhiệm vụ mà bị cáo Lương được phân công. Bị cáo Lương cũng khai rõ là không nhớ thời gian cụ thể, do vậy, ngay khi thu giữ được sổ họp giao ban, cơ quan điều tra cũng cho bị cáo xem lại biên bản họp để bị cáo xác nhận lại những nội dung mà đã khai. VKS cho rằng, vấn đề này không mang dấu hiệu của việc dụ cung hay mớm cung, vì trước đó bị cáo cũng khai rõ nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, luật sư Hằng cho rằng, theo mục lục tài liệu có trong hồ sơ vụ án thiếu phần tài liệu thu giữ của bà Tới, việc này đề nghị luật sư xem lại vì do nhầm lẫn việc trích cứu các bút lục.

Thứ năm, luật sư Thiệp cho rằng, trong hồ sơ vụ án không có Quyết định 568 ngày 25/7/2017 về việc phê duyệt đơn vị cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống RO số 2 cho BVĐK tỉnh Hòa Bình, đề nghị luật sư xem lại vì trong hồ sơ vụ án Quyết định này đã được thu thập thể hiện ở bút lục 1513.

Thứ sáu, quan điểm của luật sư Hằng cho rằng VKS luận tội trái ngược, đó là không luận tội dựa vào chứng cứ được thẩm tra đánh giá tại phiên tòa theo Khoản 1 Điều 231 của Bộ Luật tố tụng hình sự. Với nội dung này, căn cứ tai phiên tòa, VKS cho rằng những lời khai thay đổi tại phiên tòa thuộc những người có liên quan trong vụ án có căn cứ để khẳng định những lời khai thay đổi này là không đúng sự thật khách quan.

Do vậy, trong trường hợp này, VKS áp dụng nguyên tắc xác định sự thật, tức là sự thật phản ánh đúng như bản chất vụ án, cho nên VKS dùng chính những tài liệu phản ánh đúng sự thật khách quan.

Bị cáo Hoàng Công Lương (phải).
Bị cáo Hoàng Công Lương (phải).

Thứ bảy, luật sư Biên có nói biên bản hiện trường không phải do cơ quan điều tra vẽ, mà do bị cáo Quốc vẽ. Việc này đề nghị luật sư xem rõ tại bút lục từ 161 đến 165 thể hiện biên bản hiện trường do cơ quan điều tra vẽ, thể hiện vị trí máy móc, 3 phòng lọc máu, việc này VKS khẳng định là sơ đồ hiện trường.

Còn nội dung mà luật sư Biên thắc mắc là do bị cáo Quốc vẽ thì đó là sơ đồ của hệ thống RO số 2. Sơ đồ của hệ thống RO 2 theo VKS hiểu đó là rất nhiều trang thiết bị đang nằm trong tường nên cơ quan điều tra không vẽ được; cơ quan điều tra cũng đã thu tại BVĐK tỉnh Hòa Bình (ở bút lục 4046) 2 sơ đồ vẽ hệ thống RO 1 và RO 2.

Thứ tám, luật sư Biên cho rằng, trong biên bản hiện trường không ghi rõ số lượng ảnh. VKS đã xem xét qua biên bản khám nghiệm hiện trường tại cơ quan điều tra cũng mô tả thể hiện cụ thể từng vị trí phòng lọc máu, hoặc những máy chạy thận có để những dụng cụ, vật dụng gì thì cơ quan điều tra cũng miêu tả chi tiết. Phía ngoài các bản ảnh, cơ quan điều tra có chốt số lượng ảnh là 86 ảnh.

Nguyễn Dương