1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2
  3. Xuyên Việt Oil

Thu hồi tài sản các vụ đại án nghìn tỷ: Tài sản thu được quá ít

Thi hành án (THA) dân sự nói chung và THA dân sự đối với các vụ việc tham nhũng luôn là sự quan tâm của dư luận. Hầu hết các vụ đại án tham nhũng, đối tượng chiếm đoạt tài sản cả nghìn tỷ đồng nhưng tài sản thu hồi được lại thấp hơn rất nhiều so với số tiền bị chiếm đoạt.

Vụ Vinashin: 5 năm thu hồi được 3 tỷ/1.080 tỷ đồng

Bản án hình sự phúc thẩm ngày 30-8-2012 của Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao tại Hà Nội, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vinashin Phạm Thanh Bình cùng các đồng phạm bị xác định cố ý mua tàu, bán vỏ tàu và nhập các thiết bị công nghệ lạc hậu khi không được phê duyệt, gây thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng.

Tổng số tiền phải THA trong vụ án này là trên 1.144 tỷ đồng. Riêng Phạm Thanh Bình phải thi hành án hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay đã gần 5 năm sau khi bản án có hiệu lực, số tiền được thu hồi cho nhà nước và cá nhân mới chỉ là con số rất nhỏ.

Cụ thể, gần 2 tỷ đồng là án phí dân sự, hình sự và tiền phạt gần 2 tỷ đồng đã được thi hành xong. Còn lại số tiền trên 1.142 tỷ đồng thi hành cho cá nhân, tổ chức thì hiện mới thi hành được trên 3 tỷ đồng. Vẫn còn là trên 1.080 tỷ đồng chưa thu hồi được.

Cơ quan THA mới thu hồi được hơn 30/559 tỷ đồng của các đối tượng trong vụ án xảy ra tại Công ty ALC II.
Cơ quan THA mới thu hồi được hơn 30/559 tỷ đồng của các đối tượng trong vụ án xảy ra tại Công ty ALC II.

Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cho biết, việc xác minh truy tìm tài sản của đương sự gặp rất nhiều khó khăn do trong quá trình tố tụng các cơ quan chức năng không kê biên, phong tỏa bất kỳ một tài sản nào của đương sự.

Cho nên ngoài các tài sản mà cơ quan THA xác minh được (chủ yếu là nhà đất của đương sự theo địa chỉ xác định trong bản án) thì đương sự không còn tài sản nào khác để THA.

Đối với những tài sản cơ quan THA xác minh được, ví dụ nhà đất tại thửa 1-8, diện tích 425m2 tại Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng liên quan đến Trần Quang Vũ (nguyên Tổng Giám đốc Vi-nashin, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu), do hồ sơ pháp lý liên quan đến tài sản chưa rõ ràng, cơ quan THA dân sự mất rất nhiều thời gian để xác minh. Trong khi đó, đương sự và gia đình không hợp tác, liên tục gây khó khăn, khiếu nại.

THA vụ Vinalines: Mới thu được 10%

Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) phạm tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Giu-áp sức cho Dương Chí Dũng là Mai Văm Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines). Dũng, Phúc và các đồng phạm đã chi cả chục triệu USD mua ụ nổi sản xuất từ năm 1965 để hưởng lợi.

Theo bản án hình sự phúc thẩm số 235 ngày 7-5-2014 của TAND Tối cao, tổng số tiền phải thu hồi trong vụ án này là 360.257.961.000 đồng. Trong đó thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước 1,442 tỷ đồng án phí (đã thi hành được 1,140 tỷ đồng).

Số tiền phải bồi thường cho Vinalines là 358,93 tỷ đồng. Tuy vậy, tính đến hết tháng 3-2017, cơ quan THA mới thu và chi trả cho Vinalines hơn 37 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm này, Dương Chí Dũng mới thi hành được 21,5 tỷ đồng (trong đó có các khoản từ việc bán đấu giá 3 nhà đất); Mai Văn Phúc thi hành được trên 10,5 tỷ đồng; Trần Hữu Chiều (cựu Phó Tổng Giám đốc Vinalines) bị tuyên án 19 năm tù giam, buộc bồi thường 39 tỷ đồng nhưng mới chỉ thi hành được 920 triệu đồng; Trần Hải Sơn (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines) thi hành được 3,844 tỷ đồng.

Ở vụ án này, tài sản đã kê biên hoặc xác minh được có giá trị nhỏ hơn rất nhiều so với nghĩa vụ mà các đối tượng phải thi hành. Ngày 12-4, ông Lê Quang Tiến, Cục trưởng Thi hành án dân sự Hà Nội cho biết, ngoài số tiền gia đình ông Dũng đã nộp, Cục THA Hà Nội đã xử lý xong toàn bộ số tài sản đã kê biên.

Cục cũng đã xác minh điều kiện THA của ông Dũng, kết quả cho thấy, ngoài số tài sản đã kê biên, Dương Chí Dũng không còn tài sản nào khác. Trong khi đó, khoản tiền mà Dũng còn phải thi hành lên tới trên 88 tỷ đồng.

Vụ Nguyễn Đức Kiên: Tiếp tục xác minh tài sản ở Hà Nội

Tổng số tiền phải thu hồi theo Bản án hình sự phúc thẩm số 570 ngày 15-12-2014 của TAND Tối cao trong vụ án Nguyễn Đức Kiên (gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho Ngân hàng ACB) là trên 100,146 tỷ đồng (trong đó có 100 triệu đồng án phí, truy nộp trên 100,046 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước).

Tính đến cuối tháng 3-2017, đã thi hành được 100 triệu đồng án phí và hơn 74 tỷ tiền truy nộp. Nguyễn Đức Kiên còn phải thi hành 26 tỷ 44 triệu đồng.

Sau khi xử lý hết 3 tài sản của Nguyễn Đức Kiên trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mà án tuyên kê biên để đảm bảo THA, xét thấy Nguyễn Đức Kiên có tài sản tại TP Hà Nội nên căn cứ quy định của pháp luật về ủy thác THA dân sự, ngày 16-3-2017, Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 10 đã ký Quyết định ủy thác phần nghĩa vụ THA còn lại của Nguyễn Đức Kiên cho Cục THA dân sự TP Hà Nội.

Vụ Huỳnh Thị Huyền Như: Còn phải thu hơn 13 nghìn tỷ đồng.

Huỳnh Thị Huyền Như lợi dụng danh nghĩa quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh TP Hồ Chí Minh chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng của nhiều cá nhân, tổ chức. Năm 2015, TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh phạt Như tù chung thân và hủy một phần bản án để điều tra lại.

Theo bản án hình sự phúc thẩm ngày 7-1-2015 của TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh, số tiền phải THA trong vụ việc này là 13.767 tỷ 506 triệu đồng. Do một phần bản án bị tuyên hủy và đang trong giai đoạn điều tra lại nên TAND Tối cao đã hủy bỏ lệnh kê biên, trả lại tài sản liên quan đến 6 bất động sản. Hiện nay, cơ quan THA đã thi hành được 261,655 tỷ đồng, trả lại 4 bất động sản. Số tài sản còn phải thi hành là hơn 13.505 tỷ đồng.

Vụ Công ty cho thuê tài chính II: THA nhiều vướng mắc

Các cơ quan THA dân sự đang tổ chức thi hành 4 bản án hình sự của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh liên quan đến Công ty cho thuê tài chính II (ALC II - thuộc Ngân hàng Agribank) năm 2014.

Các đối tượng Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng Giám đốc ALC II), và các đồng phạm phạm tội cố ý làm trái, tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Trong đó có hành vi “thổi giá” mua thiết bị lặn từ 100 triệu đồng lên 130 tỷ đồng để tham ô 79 tỷ đồng của Công ty ALC II…

Theo 4 bản án đã có hiệu lực, tổng các khoản phải thi hành là 559,254 tỷ đồng. Tính đến tháng 3-2017, số tiền THA mới được 30,274 tỷ đồng. Tổng số các khoản phải thi hành theo 4 bản án còn gần 529 tỷ đồng.

Theo Tổng cục THA dân sự cho biết, những khó khăn, vướng mắc khi thu hồi tài sản trong vụ việc này là do, trong quá trình triển khai thực hiện, cơ quan THA nhận được thông báo của tòa án về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của ALC II. Do đó, cơ quan THA dân sự đã ra quyết định tạm đình chỉ đối với những khoản ALC II phải thi hành.

Những con số trên cho thấy, số tài sản thu hồi được trong các vụ đại án tham nhũng cho nhà nước là quá ít. Sở dĩ việc thu hồi tài sản bị kéo dài, hiệu quả thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về mặt thể chế, do khâu tổ chức thực hiện, tài sản của đối tượng phải THA đã bị tẩu tán tài …

(còn nữa)

Theo Việt Hà

Công an nhân dân