“Siêu lừa” Đỗ Thị Luận được tại ngoại điều tra
(Dân trí) - Bị can Đỗ Thị Luận bị khởi tố tội lừa đảo 27 người với số tiền hơn 18 tỷ đồng. Tuy nhiên, trả lời tại tòa, tất cả 27 người được xem là bị hại đều không nhận mình là nạn nhân của vụ án.
Chiều 8/6, Viện KSND TPHCM đã ký quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn cho bị can Đỗ Thị Luận (sinh năm 1957 tại Nam Định) được tại ngoại để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, Luận làm nghề kinh doanh bất động sản, do làm ăn thua lỗ nên đã tìm cách lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác để trả nợ.
Phi vụ đầu tiên, Luận mua căn nhà của vợ chồng anh Đức, chị Thoa ở phường Hiệp Thành, Quận 12 bằng giấy viết tay. Đến ngày 11/5/2011, hai bên đến phòng công chứng ký hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất cho ông Tân với giá 2,615 tỷ đồng.
Ông Tân đã hoàn tất thủ tục nộp thuế, sau đó được UNBD Quận 12 đăng bộ sang tên vào ngày 21/6/2011.
Trong thời gian ông Tân làm thủ tục trước bạ, sang tên thì Luận phân thửa đất thành nhiều lô nhỏ rồi làm “hợp đồng mua bán nhà đất” bằng giấy tay bán cho nhiều người khác. Luận hứa sẽ sang tên cho họ nhưng Luận không thực hiện và chiếm đoạt tiền của 3 bị hại tổng cộng 2,6 tỷ đồng.
Bằng thủ đoạn tương tự, trong thời gian từ tháng 4/2011 đến tháng 10/2011, Luận đã lừa đảo chiếm đoạt 18,7 tỷ đồng của 27 người bị hại.
Tuy nhiên, tại phiên tòa ngày 18/5/2016, những người được xác định là bị hại đều không nhận mình là nạn nhân. Khi được hỏi họ đều khẳng định rằng họ mua nhiều lô đất của bà Luận bằng giấy tờ viết tay và đã xây dựng nhà ở. Trong quá trình xây dựng, ông Tân có đến xem nhưng không ngăn cản, hay báo chính quyền địa phương ngăn cản, chứng tỏ ông Tân không phải là chủ của những thửa đất mà ông đang đòi quyền lợi.
Tại phiên các phiên tòa trước đó, ông Tân khai, ông mới chính là người đứng tên các thửa đất mà bà Luận bán cho các hộ dân. Vì trước đó, ông được bà Luận sang tên, chuyển nhượng.
Cũng theo ông Tân, toàn bộ quá trình chuyển nhượng, đăng bộ sang tên ông đều giao cho bà Loan thay ông thực hiện. Khi được hỏi trước khi thực hiện việc mua bán, có đi coi đất, nhà trước không, ông Tân trả lời có đi coi. Sau khi mua bán xong và nhận nhà đất, ông Tân không sử dụng, không cho ai thuê. Đến khi bà Luận bị bắt, ông mới xuống coi hiện trạng đất thì thấy người dân đã xây nhà trên đất của ông rồi. Do tính chất vụ án phức tạp nên TAND TPHCM đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tới 7 lần.
Liên hệ với luật sư Trần Đình Dũng (người bảo vệ quyền lợi cho bị can Đỗ Thị Luận) cho biết: “Bà Luận đã về tới nhà sau gần 6 năm tạm giam, trong sự vui mừng của gia đình và người thân. Việc cơ quan điều tra cho bà Luận tại ngoại đánh dấu bước ngoặt trong quá trình điều tra vụ án, nhằm tìm ra sự thật, bà Luận có oan sai hay không?”.
Xuân Duy