1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Phôi giấy tờ giả được mua từ Trung Quốc

Những manh mối, đặc biệt thủ đoạn làm giả các loại văn bằng, chứng chỉ trong đường dây do Lê Tấn Cường (30 tuổi, quê quán Bình Định), trú tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP.HCM cầm đầu, đã từng bước bị CQĐT Bộ Công an làm rõ.

Đối tượng Lê Tấn Cường và tang vật vụ án
Đối tượng Lê Tấn Cường và tang vật vụ án

Kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng

Như ANTĐ thông tin, ngày 13-4, các tổ công tác của Cục CSHS, Bộ Công an đồng loạt thực hiện lệnh khám xét, bắt giữ hàng chục đối tượng và những người liên quan trong đường dây sản xuất, mua bán các loại văn bằng, chứng chỉ giả; thu giữ hàng nghìn “phôi” bằng cấp các loại.

Manh mối đường dây phạm tội này bị lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an phát giác từ khoảng tháng 2-2016; khi trên mạng Internet đăng công khai dịch vụ… làm bằng tốt nghiệp, chứng chỉ các loại với giá từ 1,5 triệu đồng đến gần 10 triệu đồng, tùy theo nhu cầu của khách. Tuy nhiên, khi thâm nhập vào hệ thống dịch vụ này, trinh sát phát hiện các đối tượng có thủ đoạn đối phó khá tinh vi. Địa điểm giao dịch giữa “nhà cung cấp” với khách hàng thay đổi liên tục và ít khi tiền được giao nhận ngay với “hàng”.

Sau khi bị bắt, các đối tượng khai thông qua một số trang web như: lambangcapnhanh. blogspot.com; loantin.com; lambangdaihoc102blogspot.com… để giao dịch. Lê Tấn Cường trực tiếp nhận đơn đặt hàng, sau đó chuyển cho các đối tượng sản xuất. Cường cũng trực tiếp mua “phôi” bằng, chứng chỉ từ Trung Quốc.

Ngoài ra, cơ quan công an còn xác định vai trò của Lữ Minh Trí (31 tuổi), trú ở phường Tăng Nhơn Phú A, quận 9, người trực tiếp sản xuất theo đơn đặt hàng của Cường. Giúp việc cho Trí là Lê Minh Tuấn, kỹ sư phần mềm. Ngoài việc cung cấp bằng, chứng chỉ giả, đường dây này còn nhận cả dịch vụ công chứng cho khách hàng.

Truy nguồn “phôi” từ nước ngoài về

Đây là một trong những mục tiêu trọng tâm đang được cơ quan chức năng thực hiện trong quá trình điều tra, mở rộng chuyên án. Lời khai của các đối tượng trong vụ án đã hé mở diễn tiến mới của tội phạm làm giấy tờ giả, đặc biệt đối với đường dây cung cấp “hàng” số lượng lớn do Lê Tấn Cường cầm đầu.

Cùng với đó, những cá nhân đã thông qua các trang web giao dịch giấy tờ giả này cũng cần bị xem xét trách nhiệm. “Họ không chỉ tiếp tay cho tội phạm làm giả giấy tờ, mà việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ không đúng thực chất năng lực chuyên môn, thậm chí người không có trình độ, sẽ là mối nguy với xã hội, cộng đồng”, một thành viên ban chuyên án nhìn nhận.

Tham gia đường dây “chế”, cung cấp giấy tờ giả, ngoài đối tượng trí thức như Lê Minh Tuấn, còn có nhiều đối tượng có mối quan hệ ruột thịt, họ hàng. Đó là Lưu Thành Lâm (54 tuổi), trú tại phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP. HCM, cùng cháu họ là Vũ Phong Lưu (21 tuổi), chuyên đảm nhiệm việc giao nhận bằng giả, tiền; Lữ Minh Tâm (26 tuổi), em ruột của Lữ Minh Trí.

Đối tượng lớn tuổi nhất trong đường dây này, đảm nhiệm vai trò “cò mồi”, là Trần Tư Dũng (55 tuổi), quê quán Tiền Giang, trú tại Tân Hiệp, Hóc Môn… Đáng nói là kẻ đầu vụ Lê Tấn Cường từng tốt nghiệp loại khá chuyên ngành công nghệ thông tin một trường đại học ở TP.HCM. Ra trường, do không kiếm được việc làm, thất nghiệp song lại muốn có nhiều tiền để mua nhà, mua xe, Cường đã vận dụng kiến thức công nghệ vào con đường phi pháp…

Theo Thúy Minh

An ninh thủ đô