1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bạc Liêu:

Nguyên Trưởng phòng Công chứng tư nhân đầu tiên ở miền Tây hầu tòa

(Dân trí) - Ngày 25/8, TAND tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với 3 bị cáo Tào Văn Phụng (nguyên Trưởng văn phòng công chứng Tào Văn Phụng), Huỳnh Thanh Mướt (nguyên thủ quỹ Văn phòng công chứng Tào Văn Phụng) và Trần Thị Ngọc Xuân (nguyên cán bộ Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu).

3 bị cáo tại phiên tòa.
3 bị cáo tại phiên tòa.

Theo cáo trạng của VKS, trong thời gian làm việc tại Văn phòng Công chứng Tào Văn Phụng, từ tháng 10/2012 đến tháng 2/2015, bị cáo Huỳnh Thanh Mướt (SN 1971) đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tổng số tiền 720 triệu đồng của 4 người bị hại.

Hành vi trên của bị cáo Mướt có 2 lần được sự giúp sức của bị cáo Tào Văn Phụng (SN 1954) và 1 lần nhận được sự giúp sức của Trần Thị Ngọc Xuân (SN 1972).

Cụ thể, lần thứ nhất, Mướt và Phụng nhận của ông Thạch Sươl (ngụ huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) 90 triệu đồng, nói dối là để làm thủ tục cho con ông Thạch Sươl đi Đài Loan lao động.

Lần thứ 2, Mướt nhận của ông Lê Bình Trị (ngụ xã Tân Phong, thị xã Giá Rai) tổng số tiền 250 triệu đồng, nói dối là để lo cho con ông Trị vào ngành công an làm việc.

Lần thứ 3, Mướt cùng Phụng và Xuân làm giả hợp đồng, thế chấp tài sản chiếm đoạt của bà Trần Thị Mỹ Tiên (ngụ phường 3, TP Bạc Liêu) 300 triệu đồng.

Lần thứ 4, Mướt nhận 80 triệu đồng của bà Bùi Thị Quang (ngụ huyện Phước Long, tỉnh bạc Liêu) nói dối là để lo cho chồng bà Quang đang bị tạm giam được tại ngoại về ăn Tết.

Theo cáo trạng của Viện KSND xác định, hành vi trên của Mướt, Phụng và Xuân cùng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo điều 139 BLHS; trong đó bị cáo Mướt bị truy tố theo khoản 4, điều 139, có khung hình phạt từ mười 12 năm, đến 20 năm hoặc chung thân; bị cáo Phụng và Xuân bị truy tố theo khoản 3, điều 139, có khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù.

Tại phiên tòa, Luật sư Nguyễn Trường Thành- Trưởng VP Luật sư Vạn Lý (TP Cần Thơ) nêu quan điểm, hành vi của bị cáo Phụng chỉ vô ý gây thiệt hại tài sản và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo này.

Theo Luật sư Thành, bị cáo Phụng đã tích cực yêu cầu UBND TP Bạc Liêu không được sang tên quyền sử dụng đất của bà Huệ sang bà Tiên. Hành vi của bị cáo Phụng đã kịp thời ngăn chặn, bởi nếu quyền sử dụng đất được sang tên thì hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều.

Ngoài ra, số tiền 300 triệu đồng của bà Huệ và 90 triệu đồng của ông Sươl, bị cáo Phụng không hưởng lợi gì. Toàn bộ 2 khoản tiền này được bị cáo Mướt khắc phục là có sự tác động của bị cáo Phụng. Hành vi của bị cáo Phụng không còn nguy hiểm cho xã hội và có tình tiết giảm nhẹ khác như thành khẩn khai báo,… Tuy nhiên, những quan điểm của Luật sư Thành đều bị HĐXX bác bỏ.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt bị cáo Huỳnh Thanh Mướt 10 năm tù; bị cáo Tào Văn phụng 4 năm tù và bị cáo Trần Thị Ngọc Xuân 3 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

HĐXX cũng tuyên buộc bị cáo Mướt phải trả lại 250 triệu đồng cho ông Lê Bình Trị và 80 triệu đồng cho bà Bùi Thị Quang.

Huỳnh Hải