1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Luật sư cho rằng Trịnh Xuân Thanh có “chứng cứ ngoại phạm”

(Dân trí) - Theo trình bày của luật sư Nguyễn Quốc Hùng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh có “chứng cứ ngoại phạm” vì bị cáo này phải lên đường ra sân bay trước khoảng thời gian mà lái xe của Lương Văn Hòa khai thực hiện việc chuyển tiền thông qua lái xe của bị cáo.

Sáng 12/1, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm tiếp tục với phần tranh tụng của các luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, tập trung quanh hành vi tham ô tài sản.

Theo cáo buộc, tháng 7/2011, Nguyễn Anh Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC, được phân công phụ trách Ban điều hành dự án (ĐHDA) Vũng Áng - Quảng Trạch. Trịnh Xuân Thanh (Chủ tịch HĐQT PVC) và Vũ Đức Thuận (Tổng Giám đốc PVC) giao cho Nguyễn Anh Minh chỉ đạo Lương Văn Hòa, Giám đốc Ban ĐHDA, chuyển tiền để Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh sử dụng.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 12/1.
Các bị cáo tại phiên tòa sáng 12/1.

Việc chuyển tiền được Lương Văn Hòa thực hiện thông qua đầu mối tiếp nhận là Bùi Mạnh Hiển - nguyên Chánh Văn phòng PVC - quản lý chi theo chỉ đạo của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đức Thuận, hoặc đưa cho Nguyễn Anh Minh.

Có chứng cứ ngoại phạm?

Bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh liên quan đến cáo buộc nhận 4 tỷ đồng, luật sư Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, thân chủ của ông có “chứng cứ ngoại phạm”. Ông Hùng trình bày, ngày xảy ra sự việc như cáo buộc, bị cáo Thanh bay đi TP.HCM lúc 16h nên phải lên đường ra sân bay trước đó ít nhất 2 tiếng rưỡi.

Tuy nhiên, trước đó, kết quả điều tra và lời khai tại phiên tòa của lái xe cho Lương Văn Hòa lại thể hiện, lúc 14h, tài xế này chuyển tiền cho lái xe riêng của Trịnh Xuân Thanh để chuyển cho bị cáo Thanh.

Theo luật sư Hùng, đây là sự mâu thuẫn, đề nghị HĐXX làm rõ.

Luật sư Trần Hồng Phúc tiến hành phần bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh.
Luật sư Trần Hồng Phúc tiến hành phần bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Liên quan đến hành vi đưa - nhận tiền này, trước đó, tại phiên xử chiều 9/1, HĐXX đã công bố bút lục lời khai của lái xe cho Trịnh Xuân Thanh. Lời khai cho thấy, khoảng 14h, lái xe của Thanh được lái xe của Hòa gọi xuống, chuyển sang xe của Thanh cho một túi quà, bảo chuyển cho Thanh. Sau đó, Thanh được đưa về nhà bằng ô tô riêng, cầm túi quà vào trong nhà.

Về lời khai trên, Trịnh Xuân Thanh cho rằng bản thân lần đầu được nghe. Bị cáo Thanh cũng đề nghị HĐXX xem xét lại một số chi tiết như thời điểm diễn ra sự việc, lời khai của lái xe...

Cùng bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, một số lời khai của nhân chứng, bị cáo trong hồ sơ vụ án có sự mâu thuẫn.

Đồng thời, luật sư Phúc cũng đề nghị HĐXX lưu tâm xem xét đến “chứng cứ ngoại phạm” như luật sư Nguyễn Quốc Hùng nêu.

Đề nghị dỡ bỏ lệnh kê biên tài sản đối với con trai Trịnh Xuân Thanh

Tiếp tục phần bào chữa của mình, luật sư Trần Hồng Phúc đề nghị HĐXX xem xét xử lý dỡ bỏ lệnh kê biên tài sản đối với anh Trịnh Hùng Cường, con trai bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Đại diện VKS nhắc nhở các luật sư tập trung bào chữa cho thân chủ một cách ngắn gọn, có trọng tâm.
Đại diện VKS nhắc nhở các luật sư tập trung bào chữa cho thân chủ một cách ngắn gọn, có trọng tâm.

Theo đó, luật sư Phúc đề nghị HĐXX xem xét lại việc kê biên ô tô và các căn hộ hiện nay đang mua trả góp của anh Trịnh Hùng Cường. Luật sư Phúc cho rằng, việc kê biên tài sản trước đây là hoàn toàn đúng pháp luật. Nếu xác định đây là tài sản có nguồn gốc từ hành vi tham ô của bị cáo (nếu có) thì đây là biện pháp để bảo đảm thi hành án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước.

Tuy nhiên, theo lời khai của anh Cường, những tài sản nói trên là tài sản ông bà nội anh Cường cho. Anh Cường hoàn toàn không có lời khai nào xác định đây là tài sản mua bằng tiền do bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho mình.

Dẫn chứng cụ thể, luật sư Phúc đưa ra hợp đồng cho, tặng tiền, thể hiện ông bà Trịnh Xuân Giới (bố bị cáo Trịnh Xuân Thanh) tặng anh Trịnh Hùng Cường số tiền tại 6 sổ tiết kiệm. Anh Cường khai, anh mua các tài sản (đã bị kê biên) bằng số tiền ở 6 sổ tiết kiệm ông bà nội cho.

Theo luật sư Trần Hồng Phúc, hợp đồng cho, tặng tiền trên được lập năm 2011, thời điểm chưa xảy ra hành vi tham ô ở PVC nên số tài sản bị kê biên không phải là tài sản có được từ nguồn tiền tham ô của Trịnh Xuân Thanh (nếu có).

“Trách nhiệm chứng minh vấn đề này thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Đề nghị HĐXX xem xét xử lý giải quyết việc dỡ bỏ lệnh kê biên tài sản.” - luật sư Phúc đề nghị.

Tiến Nguyên